Phòng khám tư nhân “ngoại lai”: Những lỗ hổng cần khẩn trương trám lại

Thứ Hai, 13/08/2012, 16:30
Một nguyên nhân để xảy ra các vi phạm tại phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài được Bộ Y tế khẳng định là việc xử lý còn chưa nghiêm. Đặc biệt, trong khi ta không biết được chương trình đào tạo của người hành nghề cũng như chất lượng của cơ sở đào tạo nước ngoài ra sao, thì việc công nhận bằng cấp của người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cũng như cấp chứng chỉ hành nghề chỉ mang tính hình thức.
>> Sẽ khởi tố vụ án ở phòng khám Maria

Sau hàng loạt vi phạm nghiêm trọng của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tư nhân trên cả nước, trong đó, có vụ việc bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong bị tử vong ngày 14/6 tại Phòng khám ĐK Maria, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế phải báo cáo thực trạng hoạt động này thời gian qua.

Ngày 12/8, Bộ Y tế cho biết, đã có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng một số nội dung liên quan đến hoạt động KCB tư nhân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hệ thống y tế tư nhân được khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ KCB, góp phần giảm tải ở các bệnh viện (BV) công lập.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều cơ sở KCB tư nhân đã có nhiều vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế cho người bệnh, mà vụ việc ở Phòng khám Maria là một điển hình khi sử dụng người nước ngoài hành nghề trái phép, dẫn đến cái chết của người bệnh, gây bất bình xã hội.

Hiện cả nước có 40 thầy thuốc người Trung Quốc đang hành nghề tại các cơ sở KCB ở 16 tỉnh, thành. Riêng TP Hồ Chí Minh có 11 người, Hà Nội có 7 người, Hải Phòng có 4 người và Cần Thơ có 4 người. Sau khi có các vụ vi phạm, tháng 6-2012, Bộ Y tế mới chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài. Tháng 7/2012, Bộ Y tế thành lập tổ công tác để kiểm tra công tác quản lý Nhà nước của các Sở Y tế đối với các cơ sở KCB y học cổ truyền có yếu tố nước ngoài.

Với kết quả báo cáo kiểm tra của 22 tỉnh, thành, Bộ Y tế thừa nhận, kết quả thanh, kiểm tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm: có thầy thuốc người nước ngoài hành nghề khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cho phép; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; thuốc không đảm bảo chất lượng; quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn của phòng khám, hoặc không đúng nội dung đã đăng ký quảng cáo; không niêm yết công khai giá dịch vụ KCB, hoặc có niêm yết giá nhưng thu tiền cao hơn mức giá niêm yết; đơn thuốc, hồ sơ bệnh án không được dịch ra tiếng Việt theo qui định; người phiên dịch không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện qui định.

Phòng khám Maria là một điển hình về vi phạm của cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài.

Cho đến nay, đã có 7 cơ sở bị tước quyền giấy phép hoạt động và chuyển cơ quan điều tra 5 cơ sở, với số tiền phạt hơn 400 triệu đồng.

Để xảy ra các vi phạm, Bộ Y tế giải thích là do thiếu nhân lực trong quản lý hành nghề KCB tư nhân nên việc thanh, kiểm tra chưa được thường xuyên, sâu sát, chưa huy động được sự giám sát của chính quyền và nhân dân địa phương. Một nguyên nhân được Bộ Y tế khẳng định là việc xử lý còn chưa nghiêm. Đặc biệt, trong khi ta không biết được chương trình đào tạo của người hành nghề cũng như chất lượng của cơ sở đào tạo nước ngoài ra sao, thì việc công nhận bằng cấp của người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cũng như cấp chứng chỉ hành nghề chỉ mang tính hình thức.

Một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính về KCB chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, nhất là việc xử phạt người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở KCB tư nhân khi có người hành nghề trái phép chưa rõ ràng. Còn người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở KCB để mặc cho chủ đầu tư thuê người nước ngoài vào cơ sở hành nghề sai qui định, vì mục đích lợi nhuận, coi thường pháp luật Việt Nam, lợi dụng lòng tin của người dân.

Để có thể chấn chỉnh được những vi phạm trong hoạt động KCB tư nhân, Bộ Y tế báo cáo với Thủ tướng một số giải pháp. Trong đó, việc đầu tiên là sửa đổi Nghị định 96 về Xử phạt vi phạm hành chính trong KCB theo hướng tăng nặng với mức cao nhất là tước giấy phép, tức chứng chỉ hành nghề, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, giám sát với hoạt động của các cơ sở KCB tư nhân, đặc biệt là xử lý nghiêm nếu phát hiện bao che, “bảo kê”, làm nhẹ sai phạm và vi phạm trong quá trình thanh tra.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ TT-TT cần chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông báo công khai các cơ sở KCB tư nhân vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để cho nhân dân biết và phòng ngừa tái phạm. Tuy nhiên, có đưa công khai được hay không, lại phụ thuộc chính vào ngành Y tế. Vì thời gian qua, có rất nhiều vụ việc vi phạm đã được phát hiện và xử lý, song Sở Y tế hoặc Thanh tra y tế đã không hợp tác với báo chí để đăng thông tin về các cơ sở sai phạm. Thực tế khẳng định, chưa có vụ việc nào vi phạm mà ngành Y tế đưa ra, lại bị từ chối truyền tin đến nhân dân.

Tuy nhiên, có thể thấy là những giải pháp thuộc về trách nhiệm của Bộ Y tế còn chung chung. Thực tế, từ lâu đã có những ồn ào xung quanh việc Thanh tra y tế ở một số thành phố lớn “bảo kê” phòng khám tư nhân, nhưng vẫn chưa có vụ nào được phát hiện và xử lý nghiêm như quan điểm của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an tăng cường quản lý việc xuất, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hành nghề KCB trái phép, song thực tế, với trường hợp Phòng khám Maria, lực lượng Công an Xuất nhập cảnh đã nhiều lần phản ánh với Sở Y tế Hà Nội về việc cơ sở này có yếu tố nước ngoài, nhưng vẫn không được giải quyết triệt để, dẫn đến ca tử vong đáng tiếc của chị Nguyễn Thị Thu Phong.

Thanh Hằng
.
.
.