Phòng chống tham nhũng trên thế giới, kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ Sáu, 08/09/2006, 08:16
Nhìn chung đều có quan điểm thống nhất về dấu hiệu đặc trưng của tội tham nhũng là hành vi của những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm mục đích vụ lợi. Có hai loại tội cơ bản và tiêu biểu là tội tham ô và tội hối lộ.

Chống tham nhũng trên thế giới

Trong lịch sử xây dựng pháp luật của các nước trên thế giới, Bộ luật Hình sự đầu tiên có quy định về tội tham nhũng là của Italia năm 1853 và năm 1859, sau đó là Pakistan năm 1861, Nhật Bản năm 1907, Hàn Quốc năm 1953...

Nhiều nước bên cạnh Bộ luật Hình sự, còn ban hành Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ hơn, cụ thể hơn về các tội phạm tham nhũng; xác định rõ về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, như Luật về tăng cường đấu tranh chống tham nhũng của Malaysia năm 1961 và năm 1971, Luật Chống hối lộ năm 1947 của Pakistan, Luật chống hối lộ năm 1988 của Trung Quốc, Luật Chống tham nhũng của Hồng Công năm 1975, Luật Phòng chống tham nhũng 1960, năm 1972 và năm 1981 của Singapore.

Trong một số ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng các nước còn có những đạo luật riêng như: Luật Chống hối lộ trong các cơ quan Nhà nước của Ai Cập, Pháp lệnh Phòng ngừa tham nhũng trong bộ máy chính quyền của Srilanca, Luật về công chức, Luật về đạo đức công chức của Mỹ, của Singapore, Luật về kê khai tài sản công chức của Singapore...

Ở Trung Quốc từ tháng 8/1993 đến nay, các bộ, ngành đã ban hành 14 bản quy định, trong đó có bản quy định 31 điều cấm đối với người lãnh đạo các cấp với nội dung quy định cán bộ lãnh đạo phải kê khai thu nhập cá nhân và báo cáo về các hoạt động kinh tế chủ yếu của mình.

Để phòng ngừa tham nhũng trong quản lý một số lĩnh vực kinh tế, ở Đức có Luật về chế độ tài chính, Luật Kiểm toán, Luật Kinh doanh trung thực, Luật Cạnh tranh lành mạnh; ở Hy Lạp có Luật về bảo vệ thanh danh của các nhà chính trị; ở Malaysia và Singapore có Luật Hải quan, Luật Cảnh sát; ở Iran có Sắc lệnh về cảnh sát và Sắc lệnh về cảng.

Nhìn chung đều có quan điểm thống nhất về dấu hiệu đặc trưng của tội tham nhũng là hành vi của những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm mục đích vụ lợi. Có hai loại tội cơ bản và tiêu biểu là tội tham ôtội hối lộ.

Về cách thức quy định tội phạm tham nhũng cụ thể: 

Ở Italia: Tham nhũng bao gồm những tội chống lại hoạt động hành chính Nhà nước trong đó có tội nhận hối lộ biểu hiện ở các hành vi: nhận hối lộ để làm một việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của công chức; nhận hối lộ để làm việc trái với nhiệm vụ, công vụ của công chức; hối lộ người thực hiện nhiệm vụ Nhà nước; hối lộ để làm sai lệch thủ tục Tòa án.

Ở Cộng hòa Liên bang Đức: Tham nhũng có hai loại chính là: hối lộ (đưa và nhận hối lộ) và hưởng lợi bất chính do cương vị công quyền đem lại.

Ở Ấn Độ: quy định các hành vi tham nhũng cụ thể bằng các hành vi hối lộ như sau: Công chức Nhà nước dùng ảnh hưởng của mình để thực hiện hành vi trái pháp luật; người đưa hối lộ mua chuộc người có chức vụ, quyền hạn làm việc theo yêu cầu của mình; quà thưởng có động cơ tác động tới công chức để người đó thực hiện hành vi có lợi cho mình; tiếp tay xúi giục hối lộ.

Ở Trung Quốc: Trong Bộ luật Hình sự quy định tham nhũng bao gồm các tội: tham ô, hối lộ, lừa đảo, đồng thời còn xác định thêm một số hành vi khác cũng bị truy cứu về tội tham nhũng như chiếm đoạt công quỹ, che giấu các khoản tiền gửi ở ngân hàng, nhận các loại quà tặng có giá trị lớn.

Ở Việt Nam: Bộ luật Hình sự quy định 7 tội danh về tham nhũng, bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác.

Về chủ thể của tội tham nhũng:

Hầu hết các nước quy định công chức, viên chức là chủ thể của tội tham nhũng, một số nước còn quy định những người khác cũng là chủ thể của tội tham nhũng trong trường hợp họ là đồng phạm của tội phạm này.

Để chống tham nhũng có hiệu quả, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mình, mỗi nước lựa chọn cho mình những cơ chế tổ chức chống tham nhũng riêng. Thế giới có 4  nhóm mô hình cơ bản:

- Mô hình thứ nhất: Thành lập Cơ quan chống tham nhũng chuyên trách cấp Bộ trực thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ từ Trung ương đến địa phương với quyền hạn rộng lớn, đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật phòng và chống tham nhũng đồng bộ, chặt chẽ. Mô hình này có thể tìm thấy ở những nước như các Ủy ban chống tham nhũng ở Malaisia, Singapore, Indonesia, Hồng Công. Đây là các mô hình chống tham nhũng được đánh giá là tối ưu và hoạt động có hiệu quả nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên trên thế giới chỉ có khoảng hơn 10 nước thiết lập cơ quan chống tham nhũng theo mô hình này.

- Mô hình thứ hai: Xây dựng các đơn vị, tổ chức đặc biệt có chức năng chống tham nhũng thuộc cơ quan Công an, Cảnh sát, các cơ quan bảo vệ pháp luật, với các quy định pháp luật khá đầy đủ và chặt chẽ. Trên thế giới có khoảng 150 nước thành lập cơ quan chống tham nhũng theo mô hình này. Việc thành lập Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trong Cảnh sát quốc gia sẽ giúp cho sự phối hợp thuận lợi với các cơ quan cảnh sát địa phương, cơ quan trinh sát và điều tra tố tụng, cơ quan tình báo hình sự, cơ quan giám định hình sự, công tác trinh sát trại giam, v.v...

- Mô hình thứ ba: Sử dụng các cơ quan Thanh tra, Giám sát, trao thêm các quyền hạn đặc biệt để chống tham nhũng như Ban Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc, Bộ Giám sát hành chính Trung Quốc. Thực chất với mô hình này, các cơ quan chống tham nhũng chỉ có thể tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra hành chính công khai chứ không thể tiến hành các hoạt động tình báo hình sự, trinh sát và điều tra tố tụng các tội phạm tham nhũng được.

Mô hình thứ tư: Không thành lập cơ quan chuyên trách hoặc cơ quan có thẩm quyền riêng mà coi chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đấu tranh chống các loại tội phạm khác và trách nhiệm thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật, không xây dựng hệ thống pháp luật riêng để điều chỉnh vấn đề này, như CHLB Đức, Pháp và một số nước phát triển khác. Sở dĩ các nước này không thành lập Cơ quan chống tham nhũng riêng vì ở các nước này tham nhũng không bức xúc tới mức phải thành lập các cơ quan chống tham nhũng chuyên trách. Cơ quan chống tội phạm kinh tế hoặc cơ quan điều tra hình sự có đủ thẩm quyền và lực lượng đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây do tính chất phức tạp của tội phạm tham nhũng với những biểu hiện mới, có sự cấu kết với các băng nhóm tội phạm mafia và có sự can thiệp của các đảng phái, tổ chức chính trị nên các cơ quan có chức năng đấu tranh với tội phạm gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các tội phạm tham nhũng. Vì vậy nhiều quốc gia theo mô hình này đã và đang xúc tiến nghiên cứu để chuyển đổi sang mô hình thành lập các cơ quan, tổ chức chuyên trách chống tham nhũng độc lập, đồng thời xây dựng ban hành nhiều đạo luật để trừng trị tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác liên quan đến chức vụ, quyền hạn.--PageBreak--

Dù tổ chức theo mô hình nào thì cơ quan chuyên trách chống tham nhũng của các nước cũng cần phải có đầy đủ các thẩm quyền hành chính, trinh sát và tố tụng hình sự. Cơ quan này có thẩm quyền điều tra các tội phạm về tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật hình sự khác. Điều tra các hành vi vi phạm pháp luật của công chức Nhà nước, các hành vi vi phạm đạo đức, kỷ luật nghề nghiệp của công chức. Bắt, khám xét, tạm giam, tạm giữ người, tiền vàng, đồ vật... có liên quan đến tham nhũng. Ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc truy tố đối với người có hành vi tham nhũng.

Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng có quyền tiếp nhận các nguồn thông tin về tham nhũng từ đơn thư tố cáo của công dân (kể cả đơn thư nặc danh), từ báo chí hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, từ các hoạt động giám sát, kiểm tra thường xuyên, từ tin tức, phát hiện của những trinh sát nghiệp vụ hoặc từ các nguồn khác. Để phát huy tinh thần đấu tranh của nhân dân, cơ quan chống tham nhũng nói riêng và chính phủ các nước nhận thức sâu sắc rằng chỉ khi nào phát động được sự ủng hộ to lớn và nhiệt tình của nhân dân thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng mới có hiệu quả. Vì vậy các thông tin, tố cáo của quần chúng về tham nhũng được các cơ quan này tiếp nhận với thời gian 24/24 giờ trong ngày.

Dư luận quốc tế đánh giá cao các mô hình chống tham nhũng của Singapore, Malaysia, Hồng Công thuộc Trung Quốc.

Malaysia, năm 1958, Chính phủ Liên bang Malaysia đã cử ông Shad Nazil Alam, Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Malaysia nghiên cứu các vấn đề về tham nhũng trong Liên bang và việc cải cách bộ máy Nhà nước nhằm chống tham nhũng. Báo cáo của Shad Nazil Alam kèm theo các kiến nghị đã được đệ trình lên Chính phủ Malaysia.

Ngày 15/6/1959, Chính phủ Malaysia đã thành lập bộ phận chống tội phạm đặc biệt thuộc Cục điều tra hình sự (C.I.D) của Tổng nha Nha Cảnh sát Hoàng gia với nhiệm vụ điều tra tất cả các vụ tham nhũng. Cũng trong năm đó, ngày 1/11 Ban chống tham nhũng được thành lập trong Văn phòng Thủ tướng để phòng ngừa tham nhũng thông qua các chương trình tuyên truyền về đạo đức và các biện pháp cần thiết khác nhằm chống tệ nạn tham nhũng trong các bộ của Chính phủ. Còn việc truy tố các tội phạm về tham nhũng được tiến hành bởi Phòng Công tố thuộc Bộ Tư pháp.

Nhận thấy những bất lợi trong việc tồn tại 3 cơ quan chống tham nhũng tách biệt nhau, ngày 1/10/1967 Chính phủ Malaysia đã thống nhất tập trung toàn bộ các vấn đề chống tham nhũng (cả việc điều tra, truy tố và  phòng ngừa) vào một cơ quan duy nhất là Ủy ban Chống tham nhũng (ACA).

Về tổ chức, ACA trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ACA là một tổng giám đốc hàm bộ trưởng do nhà vua bổ nhiệm kèm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ trưởng không có chức năng trong điều hành công việc hàng ngày của Ủy ban này. Malaysia có 14 tiểu bang, mỗi tiểu bang có Ủy ban Chống tham nhũng của tiểu bang.

ACA có nhiệm vụ: tiến hành các chiến dịch chống tham nhũng; thu thập và xét xử các thông tin; điều tra các vụ tham nhũng và các hoạt động vi phạm pháp luật trong cơ quan nhà nước. Truy tố ngăn ngừa phạm tội tham nhũng. Chuẩn bị các báo cáo về xử lý kỷ luật và báo cáo điều tra; tiến hành nghiên cứu nhằm tìm ra những yếu kém và khe hở trong hệ thống và thủ tục hành chính hiện hành. Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật. Đề ra và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác như tiến hành kiểm tra hoặc thanh tra đột xuất, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để tiến hành điều tra đột xuất.

Để thực hiện các nhiệm vụ của mình, Ủy ban Chống tham nhũng tiến hành các biện pháp: Biện pháp trừng trị, xử lý kỷ luật hoặc truy tố ra Tòa (xử lý hình sự); Biện pháp hành chính kỷ luật, tiến hành nghiên cứu, khảo sát về mặt tổ chức; Biện pháp giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức nhằm  nâng cao ý thức chống tham nhũng trong nhân dân và sự ủng hộ, hợp tác của đông đảo quần chúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Các nhân viên Ủy ban độc lập chống tham nhũng Hồng Công (ICAC) được thẩm vấn hoặc điều tra về các hành vi tham nhũng; có quyền vào bất cứ văn phòng làm việc nào của các cơ quan công quyền và yêu cầu bất cứ nhân viên nào của cơ quan công quyền đó trả lời về các vấn đề có liên quan tới chức trách được giao, hoặc có thể yêu cầu họ xuất trình bất kỳ thông lệnh, chỉ thị, sổ sách làm việc liên quan tới chức trách, nhiệm vụ; có quyền yêu cầu bất kỳ nhân viên nào của các cơ quan công quyền cung cấp các tài liệu mà xét thấy cần thiết để phục vụ cho việc điều tra hành vi tham nhũng.

Ngoài ra, các nhân viên ICAC được ủy quyền bằng văn bản đều có thể được kiểm tra, xem xét lại mọi ghi chép, sổ sách và công văn giấy tờ do bất cứ nhân viên của cơ quan công quyền nào đang lưu giữ, có liên quan đến công tác của các cấp, các ngành.

ICAC thành lập một trung tâm nhận thông tin và xử lý thông tin về tham nhũng thường trực suốt 24/24 tiếng đồng hồ trong ngày để tiếp nhận các tin báo, tố giác tham nhũng của dân chúng. Đối tượng chính, được xem xét trong công cuộc chống tham nhũng là các bộ, ngành trong Chính phủ, sau đó là các cơ quan công cộng và các công ty tư nhân, các tập đoàn kinh tế lớn. Nhiều vụ tham nhũng lớn ở Hồng Công đã được ICAC phát hiện, điều tra như vụ tham nhũng tập thể Niêm Cát Thư năm 1977.

(Còn nữa)

.
.
.