Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa:“Nhớ về đồng đội là chuyện không bao giờ cũ”

Thứ Năm, 19/07/2007, 11:39
“Nhắc lại đồng đội, nhớ tới đồng đội và hành động vì đồng đội là câu chuyện không bao giờ cũ” - Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã phát biểu như vậy trong chương trình “Đồng đội tôi” là một chương trình giao lưu hướng về Ngày thương binh liệt sỹ 27-7.

20h hôm qua (18/7/2007) tại trường quay S4 Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC đã diễn ra chương trình truyền hình trực tiếp mang tên: “Đồng đội tôi”.

Đây là chương trình hướng tới lễ kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2007), một trong những hoạt động để để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, thương binh đã hy sinh  xương máu cho nền độc lập của dân tộc.

Chương trình do Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phối hợp tổ chức.

Theo như dự kiến, buổi giao lưu ý nghĩa này sẽ có sự tham dự của hai “nữ cựu chiến binh”: Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Hằng. Tuy vậy, vì lý do công việc nên cả hai vị khách quý đều không thể có mặt.

Buổi giao lưu được bắt đầu với lời chúc và lẵng hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng tới những người đồng đội, đồng chí của mình. Mặc dù không thể có mặt tại buổi lễ nhưng những lời nhắn nhủ của “người phụ nữ thép” Trương Mỹ Hoa cũng đủ làm cho những người tham dự cảm nhận được sự có mặt của bà:

“Mặc dù chiến tranh đã đi qua nhưng đồng đội tôi của một thời máu lửa vẫn là tình đồng đội hết sức đẹp đẽ. Chính vì ý nghĩa thiết thực này, tôi cho rằng "Đồng đội tôi" là chương trình bổ ích và cần thiết. Nhắc lại đồng đội, nhớ tới đồng đội và hành động vì đồng đội là câu chuyện không bao giờ cũ, chương trình tri ân đồng đội không bao giờ thừa và cũng không bao giờ cũ”.

Chương trình giao lưu này thu hút được sự quan tâm của  đông đảo người dân, bằng chứng là trường quay S4 không còn một ghế trống, nhiều người thậm chí còn phải đứng ngoài hành lang để theo dõi cuộc giao lưu.

Người đầu tiên bước lên sân khấu là thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam – người được biết đến với trận đánh Hàm Rồng lịch sử. Sinh ra tại Điện Bàn, Quảng Nam - vùng đất nổi tiếng về lòng quật cường và tinh thần yêu nước.

Ngày 3/4/1965, nhận lệnh phải đánh bại cuộc tập kích trên không của máy bay Mỹ tại cầu Hàm Rồng, Phạm Ngọc Lan trong vai trò đội trưởng biên đội bay chiến đấu cùng 3 đồng đội rời Hà Nội vào Thanh Hoá, mở màn trận chiến đấu tiên của Quân đội Việt Nam trên không.

Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan bồi hồi kể lại cảm giác của mình trước ngày ra trận: "Nhận lệnh, tôi còn nhớ như in cái cảm giác lúc đó, phần vì hồi hộp, phần vì sung sướng được Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị phải đánh thắng trận đầu”.

Trong trận mở màn đó Phạm Ngọc Lan cùng đồng đội bắn rơi 2 trong số 12 chiếc máy bay chiến đấu của Mỹ, đập tan đội hình tập kích của địch. Đây được xem là trận đầu tiên không quân Việt Nam đối địch và đánh bại máy bay Mỹ trên bầu trời.

Buổi giao lưu thể hiện đúng chất lính đã khiến người xem xúc động thực sự khi có một người cũng là cựu chiến binh là anh Đinh Văn Sán đi từ khán đài lên, tặng hoa cho “chú lái phi công mà anh đã tình cờ nhìn thấy từ khi anh còn bé”.

Những câu chuyện dân dã khiến cho người nghe cảm động: Năm 1965, anh hùng Phạm Ngọc Lan trong một lần lái máy bay làm nhiệm vụ đã phải hạ cánh xuống bãi sông gần nhà cậu bé Sán. Tưởng nhầm là máy bay địch, Sán và dân làng mang cuốc thuổng gậy gộc ra để “bắt sống giặc lái”.

Và anh phi công Phạm Ngọc Lan lúc đó không biết rằng, mình đã trở thành thần tượng, hình mẫu phấn đấu trong tim một cậu bé, sau này lớn lên trở thành người đồng chí, đồng đội mà trong buổi hôm nay anh gặp mặt.

Phóng sự về Trại thương binh Thuận Thành - Bắc Ninh , nơi đang cưu mang, phụng dưỡng nhiều thương binh nặng “tàn nhưng không phế” được trình chiếu. Hai thương binh nặng của Trại được mời đến trong buổi giao lưu, họ ngồi trên xe lăn, kể lại những câu chuyện của mình.

Buổi giao lưu được tiếp tục với người có câu nói bất khuất: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" - anh hùng Lê Mã Lương.

Ngay sau đó là phóng sự: “Có tuổi 20 thành sóng nước” ghi lại những cảm xúc của những người đã từng chiến đấu trên sông Thạch Hãn về thăm lại nơi yên nghỉ của hàng nghìn đồng đội. Phóng sự này thực sự gây xúc động với những người tham dự buổi giao lưu, nhiều khán giả đã không cầm được nước mắt.

Ông Trịnh Ánh Sang, GĐ Công ty SSCD và ông Đoàn Trọng Lý, GĐ Công ty Apocimex, những người cựu chiến binh làm kinh tế tham gia phát biểu, kể lại những hồi ức chiến tranh, kể lại nghĩa tình đồng đội. Công ty của hai ông là nơi cưu mang, giúp đỡ, tạo được rất nhiều việc làm cho cho các thương bệnh binh.

Buổi giao lưu được tiếp tục với câu trả lời của thứ trưởng bộ Lao động thương binh & Xã hội Bùi Ngọc Lĩnh. Ông đên với tư cách một người lính và giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của đồng đội. Ông cho biết: để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội Bộ Lao động thương binh & Xã hội đã làm hết mình, hoạch định nhiều chương tình cụ thể. Tất cả là nhằm xoa dịu nỗi đau quá khứ và tạo điều kiện cho thương bệnh binh làm ăn, phát triển kinh tế.

Buổi giao lưu kết thúc trong trang vỗ tay của người xem và những hành động tri ân cụ thể từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ quỹ Nạn nhân chất độc màu da cam ở Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Chương trình giao lưu được xen  kẽ bằng các tiết  mục văn nghệ với những ca khúc đi cùng năm tháng: Vết chân tròn trên cát, Bài ca không quên, Hát mãi khúc quân hành...

Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa mong muốn: “Tôi hy vọng "Đồng đội tôi" không chỉ tổ chức vào dịp 60 năm ngày TBLS mà năm nào cũng nên tổ chức cuộc gặp gỡ, nhớ về đồng đội. Bởi vì đó là tình cảm rất tốt đẹp đối với những người đã hy sinh cống hiến cho đất nước của chúng ta có được độc lập, tự do ngày nay”

Hoàng Thắng
.
.
.