Phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn với giảm nghèo: Chú trọng đào tạo người địa phương

Thứ Hai, 28/09/2009, 10:57
Theo dự báo của ngành Du lịch, đến năm 2015, du lịch Việt Nam cần khoảng 1,5 - 2 triệu lao động. Ngành Du lịch đang mở rộng phát triển du lịch sinh thái về những vùng kinh tế khó khăn để giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp nhiều trở ngại do thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề đã qua đào tạo. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của toàn ngành du lịch.

Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực tại chỗ

Qua khảo sát của Tổng cục Du lịch, đến năm 2008 tổng số lao động trực tiếp và gián tiếp của ngành du lịch khoảng trên 1 triệu người. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 28,7%/năm. Nếu so sánh với tổng số lao động đang làm việc tại thời điểm 1/7/2008, lao động trong ngành du lịch (tính cả trực tiếp và gián tiếp) chiếm khoảng 10% trong khu vực dịch vụ và 4% trong tổng số lao động đang làm việc trong cả nước.

Nhiều chuyên gia nhận định: Lao động trong ngành du lịch có thu nhập tương đối cao và tạo ra năng suất lao động xã hội tương đối lớn (năng suất lao động được tính bằng tổng sản phẩm trong nước/giá trị tăng thêm theo giá thực tế bình quân 1 lao động đang làm việc). Chỉ thống kê năng suất lao động xã hội của ngành khách sạn và nhà hàng đứng thứ 6/18 ngành của nền kinh tế quốc dân và tăng gấp 2,36 lần so với năng suất lao động bình quân của xã hội. Điều này khẳng định sự phát triển du lịch đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và có năng suất lao động xã hội cao.

Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với mục tiêu đạt 6 triệu khách du lịch quốc tế, 25 triệu khách nội địa, doanh thu du lịch đạt 4 - 4,5 tỷ USD trong năm 2010. Theo dự báo, đến năm 2015, du lịch Việt Nam cần khoảng 1,5 - 2 triệu lao động.

Hiện cả nước có khoảng 40 trường đại học có khoa du lịch, 83 trường cao đẳng và trung cấp du lịch, hàng năm đào tạo hàng chục ngàn học sinh và sinh viên làm việc trong ngành du lịch; tuy nhiên, phần lớn chưa đào tạo đi sâu vào chuyên ngành, thiếu thực tiễn, còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, tài liệu và đội ngũ giảng dạy.

Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, hiện chỉ có 30% nhân lực làm trong ngành du lịch được qua đào tạo bài bản. Cùng với đó, sức ép và cơ hội để có những sản phẩm và điểm du lịch mới, ngành du lịch Việt Nam đã mở rộng phát triển đến nhiều vùng miền khác nhau bằng hình thức du lịch sinh thái rất cần nguồn nhân lực của địa phương nhưng đều không đáp ứng được. Đây là thách thức lớn của ngành du lịch Việt Nam trong "cuộc chiến" cạnh tranh thị phần. Nếu muốn tạo ra sản phẩm du lịch và dịch vụ có chất lượng mà không nghĩ đến đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì cũng sẽ rất khó cạnh tranh với các nước.

Đào tạo tại chỗ để người nghèo tiếp cận với các khóa học về du lịch

Tại Hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn với giảm nghèo: Miền đất cần sự khai phá" đang diễn ra tại Hà Nội, ông Steven Chua, Chủ tịch Học viện Đào tạo du lịch, khách sạn SHATEC (Singapore) đánh giá: "Du lịch ở các nước châu Á đang phát triển nhanh chóng, rất nhiều quốc gia đã đưa ra nhiều chương trình cũng như chiến lược phát triển du lịch. Nhưng với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực không thể theo kịp. Nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu".

Vấn đề nguồn nhân lực cho ngành du lịch không phải là của riêng Việt Nam, mà nó cũng là vấn đề "nóng" của nhiều nước, ngay cả những nước phát triển như Singapore, Nhật Bản. Thực tế việc đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ cần một thời gian ngắn, nhưng xây dựng đội ngũ phải cần thời gian dài.

Tuy nhiên, Tổ chức Du lịch thế giới (UN-WTO) đã nhận định, Việt Nam phát triển rất tốt sản phẩm du lịch sinh thái tại các vùng miền. Du lịch này cần nhiều lao động, tạo ra việc làm cho lao động nữ và lao động trẻ kể cả việc làm thời vụ, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm làm tại địa phương và phát triển kinh tế địa phương đa dạng với hiệu quả cao.

Chính vì thế, theo ý tưởng của ông Douglas Hainsworth, chuyên gia tư vấn Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, nên tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các khóa đào tạo về du lịch. Việc đào tạo này rất cần sự tham gia của cộng đồng, và chương trình phải được đào tạo tại chỗ.

Nghề nghiệp và kỹ năng cần phải được căn cứ trên khả năng hiện tại của người tham gia đào tạo và công việc mà họ sẽ tham gia trong tương lai. Những hoạt động như hướng dẫn du lịch tại các địa phương, các hoạt động du lịch văn hóa với các nhóm dân tộc thiểu số cần phải được đẩy mạnh trong các hoạt động đào tạo du lịch.

Ông Douglas Hainsworth nhấn mạnh, trong khi đào tạo nghề trình độ cơ bản là bước đầu tiên giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo, thì đào tạo kỹ năng nâng cao là bước quan trọng tiếp theo để giúp họ có được việc làm tốt hơn trong ngành du lịch

Thu Uyên
.
.
.