Phát triển bền vững rừng đặc dụng Hương Sơn (Hà Nội)

Thứ Hai, 24/06/2013, 13:39
Nhằm bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, Hà Nội đã Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Hương Sơn (Hà Nội) đến năm 2020.

Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn Nguyễn Duy Giáp nói: Việc lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn đến năm 2020 là rất cần thiết. Rừng là vàng, rừng là máu thịt, nếu chúng ta biết giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái của rừng.

Hiện nay, để bảo vệ rừng cũng như khai thác hợp lý nguồn lợi từ rừng đem lại, nhất là Việt Nam đang phải ứng phó với hiện tượng trái đất nóng lên (biến đổi khí hậu), công tác bảo vệ rừng ngày càng được đặc biệt quan tâm. Năm 2008, chỉ trong 6 tháng đầu năm thiên tai đã gây thiệt hại 814 tỷ đồng. Riêng trận lụt lịch sử tháng 11, cả Hà Nội ngập chìm trong biển nước, thiệt hại vật chất hơn 3.000 tỷ đồng và 20 người chết.

Rừng đặc dụng Hương Sơn là bảo tàng đa dạng về cuộc sống, có núi, hồ, hang động cùng cả rừng cây, rừng thú. Quy hoạch với vùng chính 4.355ha và 1.191ha vùng đệm, hệ thực vật rừng đặc dụng Hương Sơn có 185 họ, 577 chi, 873 loài; trong đó có 25 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ. Hệ động vật của rừng có 288 loại thuộc 84 họ, 26 bộ; trong đó có 40 loài động vật quý hiếm có giá trị kinh tế cao và một loài mới phát hiện trong năm 2011.

Làm sao để rừng Hương Sơn luôn giữ được những giá trị vốn có - đây là bài toán khó đối với Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn trong suốt những năm qua. Vì vậy, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, quản lý lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đặt ra khá nặng nề đối với Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn.

Trước thực trạng đó, Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương có rừng, thường xuyên làm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển bền vững rừng. Ngoài ra, Ban Quản lý còn thành lập 14 tổ công tác quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên trách, đồng thời làm tốt nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, canh coi, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng và là lực lượng chính trong phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng.

Ngoài chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, bảo vệ môi trường cho Thủ đô Hà Nội, rừng đặc dụng Hương Sơn còn có tác dụng phòng hộ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ hiếm có, mang lại hiệu quả kinh tế thông qua các hoạt động phát triển rừng và du lịch sinh thái, trong đó du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn

K.H.
.
.
.