Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ Nhật, 17/02/2013, 19:57
Những năm qua, Công an huyện Tân Phú (Đồng Nai) luôn xác định: già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số là cầu nối hiệu quả nhất trong việc thực hiện công tác tuyên truyền và vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Tân Phú là huyện miền núi nằm cuối tỉnh Đồng Nai giáp với các huyện: Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), Đạ Huoai, Đạ Tẻh và  Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) có trên 14.000 người dân của 16 dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, Công an huyện Tân Phú luôn xác định: già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số là cầu nối hiệu quả nhất trong việc thực hiện công tác tuyên truyền và vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Hàng năm, Công an huyện Tân Phú đều xây dựng quy chế phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức xã hội; tranh thủ vận động già làng, trưởng bản, người có uy tín bằng những biện pháp phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc. Đội An ninh nhân dân  giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự (ANTT) tăng cường bám sát địa bàn cơ sở, nhất là những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động mà bà con các đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện ngày càng đoàn kết gắn bó, thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong lao động, sản xuất và đời sống. Qua đó, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã giúp cho cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an và các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và giải quyết nhiều vụ việc phức tạp từ cơ sở.

Cụ thể, khi xuất hiện một số người Hàn Quốc đến khu đồng bào dân tộc Kho ấp Phú Yên (xã Phú Trung) truyền đạo trái phép, già làng KTiếu đã đứng ra ngăn cản và báo cho lực lương công an xã, huyện để phối hợp giải quyết, đồng thời ông cũng tổ chức họp bà con trong ấp giải thích cho họ hiểu việc làm đó là trái pháp luật, mong bà con đừng tin lời kẻ xấu.

Đặc biệt với địa bàn ấp 4 (xã Tà Lài) là nơi giáp ranh với vườn quốc gia Cát Tiên, trước đây bọn lâm tặc thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con đồng bào dân tộc tại ấp, thuê họ vào rừng khai thác gỗ và săn bắt động vật hoang dã trái phép…nhưng đến nay tình trạng này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông KCân, Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp 4, xã Tà Lài cho biết: “Được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, các ban ngành, đoàn thể, nhất là Công an huyện đã bám sát địa bàn phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động bà con, đến nay tình trạng vi phạm quản lý bảo vệ rừng tại ấp 4 đã giảm đáng kể. Bà con được tuyên truyền về Luật Giao thông nên đã có ý thức hơn khi tham gia giao thông”.

Dù công tác có bận gì thì hàng tháng, Công an huyện Tân Phú vẫn tổ chức gặp mặt các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc để trao đổi những kinh nghiệm về công tác hoà giải, những cách làm hay, đồng thời biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua buổi gặp gỡ này, các già làng, trưởng bản, người có uy tín có dịp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc mình về các chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa giáo dục, y tế và công tác giữ gìn trật tự an ninh. Đồng thời trao đổi những kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự và nắm bắt được các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để phổ biến cho bà con đồng bào tại địa phương mình.

Với cách làm phù hợp với từng đồng bào dân tộc, từng địa bàn cụ thể, Công an huyện Tân Phú đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, từ đó phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được bà con đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT ở địa phương

Minh Thu
.
.
.