Việt kiều Mỹ Lê Văn Duyên:

Phát huy tinh thần “ba cây chụm lại...” để trở về xây dựng đất nước

Chủ Nhật, 31/03/2013, 22:44
"Việt kiều cũng cần phải yêu nước thương nòi, biết phát huy tinh thần “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, một người thì số vốn không đáng kể, nhưng nhiều người hợp lại chúng ta sẽ có số vốn khổng lồ để đầu tư về trong nước", ông Lê Văn Duyên, Việt kiều Mỹ, chia sẻ.

Ông Lê Văn Duyên, sinh năm 1930, quê ở Hoa Lư, Ninh Bình. Năm 1980, ông vượt biên sang Mỹ. Ở Mỹ, ông đã trải qua đủ mọi nghề để kiếm sống, cuối cùng trụ lại với nghề y. Về Việt Nam lần đầu tiên năm 1991, ông được chứng kiến trên dải đất hình chữ S thân yêu này, nhiều vùng quê còn nghèo khó lắm. Vì thế, ông ấp ủ, một ngày không xa sẽ được góp sức mình cho đất nước để chuộc lỗi của “đứa con đã bỏ nước ra đi”.

Năm 1995, khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, ông vận động gia đình về nước đầu tư. Phần lớn lợi nhuận thu được, gia đình ông làm từ thiện. Cá nhân ông và tổ chức từ thiện Hope Project của Mỹ tại Việt Nam mà ông là đại diện đã giúp đỡ xây dựng trường học, cơ sở y tế, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, vận động các tổ chức, cá nhân ở Mỹ ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất da cam/dioxin ở Việt Nam… Là một công dân Mỹ nhưng ông khao khát được dùng tấm hộ chiếu Việt Nam, bởi ông tự hào ông là người Việt Nam.

- Đời sống của người Việt tại Mỹ như thế nào, thưa ông?

- Ông Lê Văn Duyên: Cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ hiện nay có khoảng 2 triệu người, đứng thứ tư trong số các cộng đồng gốc Á tại Mỹ. Cộng đồng hình thành chủ yếu từ sau năm 1975. Đến nay nhìn chung đều có cuộc sống tương đối ổn định, hoà nhập vào xã hội sở tại.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ rất phức tạp với nhiều xu hướng. Có một bộ phận nhỏ những người dù cho Đảng, Nhà nước Việt Nam có làm tốt đến đâu, có thực tâm giác ngộ họ đến thế nào thì cũng rất khó “cải tà quy chính” được họ, đó là một số sỹ quan, công chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước đây vẫn còn mang tư tưởng “khôi phục”, hận thù. Nhưng có thể khẳng định, số “phá rối” này cũng chẳng làm được trò trống gì đâu. Để phát triển cộng đồng, Mỹ khuyến khích thành lập các đoàn thể. Căn cứ vào quy mô của hội đoàn, Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp kinh phí hoạt động. Một số người trong cộng đồng do chẳng biết làm gì để sống đã lợi dụng đặc điểm này lập ra hội này hội nọ để moi tiền. Bọn chúng dùng “dân chủ, nhân quyền”, vốn là vấn đề Mỹ luôn dùng để ép buộc các nước khác, và lợi dụng chính sách của Mỹ để kêu gọi cộng đồng, Chính phủ Mỹ ủng hộ tiền của, thực chất chỉ là cái mánh để lợi dụng kiếm chác.

Có rất đông người Mỹ gốc Việt, nhất là thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba, có tư tưởng hướng về Tổ quốc. Họ vô tư và trong sáng, có ý thức rất rõ về dân tộc, chỉ tâm niệm cha ông họ là người Việt Nam và muốn hướng về nguồn cội.

Theo tôi, mỗi người, nhất là những người không tin và những người chưa tin hãy về Việt Nam ít nhất một lần để tận mắt nhìn thấy quê hương mình đã thay da đổi thịt, không có ai thù oán, cấm đoán các bạn.

Ông Lê Văn Duyên thay mặt cho 50 Việt kiều tiêu biểu nhận quà của Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng nhân Tết Qúy Tỵ 2013.

- Người Việt rất coi trọng truyền thống. Vậy cộng đồng người Việt tại Mỹ có quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam không, thưa ông?

- Ông Lê Văn Duyên: Nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ có đặc điểm chung là càng xa quê hương bao nhiêu, thì càng cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc bấy nhiêu. Giữ gìn truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục trong gia đình, trong cộng đồng là giữ sợi dây tình cảm với quê hương, Tổ quốc. Văn hoá Mỹ không đủ sức biến người Việt trở thành người Mỹ, trước sau gì rồi "lá cũng sẽ rụng về cội".

Trong gia đình tôi, mọi người nói với nhau bằng tiếng Việt. Là công dân Mỹ nên tôi mang cuốn hộ chiếu của Mỹ. Nhưng thực tâm tôi không tự hào, không hãnh diện. Tôi rất hãnh diện nếu được cầm cuốn hộ chiếu Việt Nam đi các nước, vì dân tộc mình là một dân tộc anh hùng, thông minh, có truyền thống, từng chiến thắng những đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Do vậy, sắp tới tôi sẽ tha thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đặc cách cấp cho tôi cuốn hộ chiếu của Việt Nam. Nhưng tôi vẫn khao khát được dùng hộ chiếu Việt Nam. Tôi đã ở Mỹ 40 năm, tôi tuy ly hương chứ không ly tổ, chữ “tổ” của tôi là Tổ quốc và tổ tiên, đó là truyền thống của người Việt.

- Theo ông, cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ quan tâm đến điều gì nhất ở trong nước?

- Ông Lê Văn Duyên: Báo chí Việt Nam những năm gần đây phát triển rất nhanh, đặc biệt là Internet. Vì vậy bà con muốn biết gì về tình hình ở trong nước chỉ cần xem VTV4, nghe VOV5, lên mạng là đều tìm được cả. Tôi về nước, đã đi nhiều nơi, thật sự dân mình còn nghèo, khó khăn lắm. Càng đi về vùng sâu vùng xa càng thấy thương dân mình còn nhiều thiếu thốn. Nhưng điều này không thể trách Đảng, Chính phủ được. Chẳng qua vì đất nước phải trải qua nhiều năm chiến tranh, bắt đầu xây dựng đất nước từ một nền kinh tế lạc hậu, Đảng, Nhà nước cùng nhân dân mình đã cố gắng làm nhưng chưa xuể mà thôi. Có chăng là có một số sai sót trong điều hành để xảy ra hậu quả.

- Thưa ông, vì sao ông quyết định về nước đầu tư kinh doanh?

- Ông Lê Văn Duyên: Với một số vốn không lớn, nếu tôi đầu tư ở Mỹ sẽ chẳng thấm vào đâu, nhưng mang về đầu tư ở Việt Nam thì thực sự đây là số vốn không nhỏ. Trong khi chưa kể, về đầu tư ở Việt Nam, ngoài lợi nhuận, tôi còn được đóng góp cho quê hương, nộp thuế cho Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho đồng bào tôi. Tôi quyết định đầu tư vào Hà Tĩnh, mảnh đất nghèo khó nhưng người dân thì hiếu học, cần cù và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, nhất là tiềm năng về du lịch. Đầu tiên tôi đầu tư kinh doanh du lịch ở khu sinh thái Đèo Con. Tiếp đó tôi quay về Mỹ kêu gọi hùn vốn đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái Tokyo - Hoa Sim tại xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, sân golf Hà Tĩnh.

Phần lớn lợi nhuận thu được từ việc đầu tư kinh doanh ở trong nước, gia đình tôi dùng để làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người già neo đơn... Cả gia đình tôi đều tâm niệm, về nước làm kinh tế để làm từ thiện chứ không phải làm từ thiện để làm kinh tế, về nước làm ăn không phải để mang của cải ở đất nước mình đi, mà phải làm giàu cho đất nước.

- Ông đã sống nhiều năm ở Mỹ, ông cũng đã về làm ăn ở Việt Nam. Ông thấy việc đảm bảo quyền con người ở Mỹ và Việt Nam như thế nào, thưa ông?

- Ông Lê Văn Duyên: Tuy Hiến pháp Mỹ không quy định, nhưng thực tế ở Mỹ tình trạng phân biệt giữa người da màu và da trắng rất rõ rệt; những nghề có thu nhập cao chủ yếu do người da trắng đảm trách, người da màu chủ yếu làm các công việc mang tính chất phục vụ thu nhập kém hơn; cảnh sát Mỹ vẫn đánh người… Phải thừa nhận ở Mỹ có tự do, dân chủ, nhưng chưa hẳn đã có nhân quyền. Chính phủ, cảnh sát Mỹ quản lý rất chặt mọi mặt đời sống của người dân, anh mua một chiếc ôtô là cảnh sát đến hỏi tiền ở đâu, tất cả tiền của anh phải gửi ở ngân hàng để Chính phủ quản lý… Như vậy, quyền con người ở đâu? Nhân quyền ở Mỹ chỉ là hình thức, Mỹ chỉ dùng nhân quyền để thúc ép người ta, làm cái cớ để can thiệp vào các nước khác.

Ở Việt Nam, ai muốn theo đạo nào cũng được, đi chùa nào, nhà thờ nào cũng được, có ai cấm đâu, thế là rất tự do. Thế mà Mỹ cứ rêu rao Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo. Tuy vừa rồi có chuyện một số công giáo “đòi” đất đai, nhưng phải hiểu rằng, đất đai là tài sản quốc gia, thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Nếu không hiểu cũng cần phải nhớ, trong kháng chiến, để thực hiện tiêu thổ kháng chiến hay vì lý do này lý do khác, nhà thờ đã hiến cho Nhà nước, nay tấc đất tấc vàng đòi lại là vô lý, vô đạo. Là người có lương tri thì ai cũng hiểu, trong chiến tranh, bao nhiêu triệu người con Việt Nam đã hy sinh máu xương, cả sự sống của mình cho đất nước, giờ hòa bình rồi gia đình họ cũng đi đòi Nhà nước hay sao?

- Ông đã về nước đầu tư nhiều năm, ông có kiến nghị gì với Nhà nước về  chính sách thu hút vốn đầu tư của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?

- Ông Lê Văn Duyên: Tiềm năng người Việt mình ở nước ngoài còn rất lớn và rất muốn đóng góp xây dựng đất nước. Những năm gần đây, Việt Nam được xếp là một trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất. Nhưng số ngoại tệ này chủ yếu do Việt kiều gửi về cho thân nhân. Điều này rất đáng quý, bởi dân giàu thì nước mạnh. Tuy thế, Nhà nước cần có chính sách huy động lượng ngoại tệ này để đưa vào sản xuất kinh doanh ở tầm vĩ mô, không nên cất giữ trong tủ tại các gia đình. Quan trọng hơn nữa, Nhà nước cần có chính sách thu hút doanh nhân Việt kiều trực tiếp về đầu tư ở trong nước. Việt kiều cũng cần phải yêu nước thương nòi, biết phát huy tinh thần “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, một người thì số vốn không đáng kể, nhưng nhiều người hợp lại chúng ta sẽ có số vốn khổng lồ để đầu tư về trong nước.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Hà Loan (thực hiện)
.
.
.