Phát huy hiệu quả hồ treo ở tỉnh Hà Giang: Xoa dịu “cơn khát” cho bà con vùng cao

Thứ Ba, 21/10/2014, 22:37
Ở một nơi mà đâu đâu cũng thấy núi đá tai mèo như các huyện vùng cao Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn… của tỉnh Hà Giang thì nguồn nước sinh hoạt luôn được ví quý như vàng. Và rồi, trên những triền núi đá tai mèo lởm chởm có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển ấy, những chiếc hồ treo đã và đang trở thành điểm tựa, giải “cơn khát” cho cuộc sống của bà con.

Quý nước như vàng

Có đi trên những cung đường đèo cheo leo “vắt” qua địa bàn các huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn… của tỉnh Hà Giang mới thấy được hết sự hiểm trở của địa hình, sự khắc nghiệt của tiết trời nơi đây. Theo đánh giá của Ban Quản lý Cao nguyên đá Đồng Văn thì địa hình nơi các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh… có tới 2/3 diện tích là đồi núi, diện tích đất canh tác nông nghiệp không nhiều, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa khô, nguồn nước khan hiếm.

Kể từ tháng 10 trở đi, khi những cơn mưa rừng thưa dần, các con suối cạn khô, “mùa khát” bắt đầu “bủa vây” cuộc sống của bà con. Chậm rãi cầm chiếc can đựng nước đổ vào trong bể chứa của khu nhà nội trú dành cho các thầy cô giáo “cắm bản” Trường Tiểu học Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, thầy Ma Công Lư, giáo viên chủ nhiệm lớp 4C tâm sự, ở trên này, mặc dù thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, nguồn nước tích trữ đã dồi dào hơn, song với các thầy cô giáo “cắm bản” nói riêng và người dân huyện Mèo Vạc nói chung, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày vẫn là thứ gì đó quý như vàng. Tiếp lời thầy giáo Lư, ông Hồng Mí Sinh, Bí thư Đảng ủy xã Tả Lủng chia sẻ, Tả Lủng là một xã vùng cao thuộc diện khó khăn của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 40%. Dân tộc Mông chiếm trên 90% dân số. Nhiều điểm thôn bản nằm cách xa trung tâm xã, huyện đến cả ngày đi đường. Tiết trời khắc nghiệt, địa hình núi đá vôi hiểm trở nên nguồn nước ở đây hầu như không thể lưu cữ lại lâu.

Không riêng gì Tả Lủng, những năm trước đây, vào mùa khô, hình ảnh về những bể đá chứa nước khô cằn, những giáo viên “cắm bản” buộc can nước trên xe, những cặp vợ chồng thức khuya, dậy sớm hứng từng xô nước từ khe đá đem về tích trữ… trở nên quá quen thuộc trong cuộc sống thường ở các huyện vùng cao. Để tích trữ nước, nhiều gia đình đã xây cất các bể chứa nước, song cũng chỉ tích được nước trong một thời gian nhất định (thông thường từ 1-2 tháng). Thiếu nước, sản xuất, canh tác bị đình trệ, cuộc sống, mọi sinh hoạt của bà con gặp trở ngại. Nước ăn, nước uống, nước giặt giũ phải sử dụng một cách tằn tiện. Việc mong chờ một nguồn nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt luôn là cái gì đó khắc khoải, thôi thúc trong tâm trí mỗi người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Hệ thống hồ treo đang góp phần xoa dịu “cơn khát” cho bà con các huyện vùng cao ở tỉnh Hà Giang.

Phát huy hiệu quả các dự án hồ treo

Dễ thấy, tình trạng “khát” nước trên các địa bàn huyện vùng cao – nơi cao nguyên đá không chỉ là vấn đề riêng của tỉnh Hà Giang. Trước những khó khăn, vất vả mà người dân phải đối mặt, Chính phủ cùng các cấp, các ngành có liên quan đã chung tay vào cuộc, nhằm xoa dịu “cơn khát” cho bà con. Chính phủ đã quyết định trích Ngân sách Nhà nước cho xây dựng hàng chục hồ treo nhân tạo trên địa bàn các huyện: Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… Theo đó, số hồ treo này được các nhà nghiên cứu, khoa học, thợ lành nghề thiết kế, xây dựng tại các vị trí thung lũng, gần khu dân cư nhằm chứa nước mưa, nước nguồn từ vách núi đá xung quanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân cư cư trú trên địa bàn. Để làm được những hồ treo này, hàng ngàn mét khối núi đá vôi đã được san phẳng, hàng tấn nguyên vật liệu đã được những toán thợ lành nghề vận chuyển từ dưới xuôi lên. Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, việc xây dựng, đưa vào sử dụng các hồ treo trên địa bàn các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang đã thực sự đem lại hiệu quả, góp phần xoa dịu cơn khát cho bà con nhân dân.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, trên địa bàn các xã vùng cao của huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, hầu hết đều có hệ thống hồ treo đi vào hoạt động. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Đồng Văn, đến thời điểm hiện tại đã có 33 hồ treo các loại. Hồ treo được xây dựng sớm nhất là vào thời điểm năm 2002. Nhiều xã do đặc thù địa hình cũng như sự phân bố dân cư nên đã được các ngành, các cấp đầu tư đến 2-3 hồ. Số hồ treo trên địa bàn huyện đã và đang phục vụ trực tiếp cho khoảng 2.500 hộ dân. Hồ treo thực sự đã đi vào cuộc sống, xoa dịu “cơn khát” cho bà con, nhất là vào mùa khô – mùa khan hiếm nguồn nước.

Dừng chân tại hồ treo Pải Lủng thuộc xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, chúng tôi chứng kiến hình ảnh các cặp vợ chồng người Mông đang cặm cụi gùi từng can nước lên lưng sau ít phút lấy nước từ chiếc hồ treo nằm lọt thỏm giữa hai ngọn núi đá vôi nơi đây. Gặp chúng tôi, bà con xã Pải Lủng cho biết, ngày trước, vào mùa khô là thiếu nước lắm. Gia đình có từ 5-7 người, thêm vào đó là cả một đàn lợn, gà... nên nước dùng cho sinh hoạt luôn thiếu thốn. Việc sử dụng nguồn nước luôn phải tằn tiện, thậm chí cả chục ngày trời mới dám tắm một lần. Giờ đây, có hồ treo tích nước cho bà con rồi, nỗi vất vả đó đã vơi đi nhiều. Khoản tiền chi phí cho việc mua nước sinh hoạt ở các xã bên theo đó cũng đã được tiết kiệm.

Những công trình cung cấp nước, các hồ treo được đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng, hiệu quả nhất định trong việc giải quyết phần nào sự khan hiếm nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang. Tuy nhiên, bên cạnh các tiện ích, theo một số người dân sinh sống trên địa bàn cho biết, việc dung tích hồ nhỏ, chất lượng nguồn nước đổ vào một số hồ chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc sàng lọc nguồn vi sinh vật gây bệnh chưa phát huy hết hiệu quả… cũng là vấn đề cần được các ngành, các cấp lưu tâm khắc phục. Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình chiếm đa phần là đồi núi, sự phân bố dân cư không đồng đều, việc đi lại, lấy nước tại các hồ treo còn gặp nhiều khó khăn, nên các ngành, các cấp cũng cần nghiên cứu, nhân rộng hệ thống hồ treo chứa nước sinh hoạt

Trần Huy
.
.
.