Kết thúc Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long:

Phát huy các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững

Thứ Năm, 20/07/2006, 08:02

Kết luận Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cần phát huy các nguồn lực nhất là nội lực giúp nông dân, hộ dân, xã, huyện, tỉnh làm giàu để đóng góp cho xã hội, đóng góp cho thu nhập cả nước nhiều hơn”.

Ngày 19/7 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006-2010.

Trong hai ngày làm việc, hội nghị đã nghe 11 báo cáo của các Bộ, ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Khoa giáo Trung ương, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, 19 ý kiến đóng góp, nêu biện pháp, giải pháp cụ thể của 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ với Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006-2010 nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

Các đại biểu đều nhất trí về cơ bản của "Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2006-2010" và cho rằng, đòn bẩy để các tỉnh vùng này vươn lên phát triển ngang bằng và vượt các vùng khác là thúc đẩy hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục và đào tạo vượt lên. Nhiều năm qua, vùng ĐBSCL được Đảng và Chính phủ quan tâm tạo mọi điều kiện để vươn lên hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đóng góp nhiều hơn vào sự tăng trưởng của cả nước, đời sống của nhân dân cũng như bộ mặt của nông thôn và thành thị trong vùng ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo càng giảm. Nhiều sản phẩm của vùng đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới, góp phần ngày càng tăng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Các đại biểu cho rằng, việc huy động vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng của vùng chưa tương xứng với tiềm năng của vùng, vùng cần lập đề án tổng thể toàn diện về phát triển giao thông vận tải vùng đến năm 2010, tầm nhìn 2020.

Về thủy lợi, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phải gắn với phát triển giao thông, xây dựng các cụm tuyến dân cư các vùng chuyên canh, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và dân sinh, tránh đầu tư dàn trải, manh mún kém hiệu quả.

Về chương trình giáo dục đào tạo cần phát triển mạng lưới dạy nghề theo quy hoạch, đảm bảo mỗi tỉnh có một trường, mỗi huyện có một trung tâm dạy nghề. Lập thêm một số trường đại học, cao đẳng cộng đồng phục vụ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương.

Cần có biện pháp huy động vốn nhất là nguồn vốn tại chỗ nhằm đầu tư phát triển nhà ở và xây dựng các cụm tuyến dân cư cho vùng đồng bào bị ngập lũ, đảm bảo hoàn thành cơ bản chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ trong năm 2006 và kết thúc chương trình này trong năm 2007...

Sau khi nghe các đại biểu góp ý, thảo luận hiến kế quanh 7 giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006-2010 tầm nhìn 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương 13 tỉnh, thành phố đã có nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng vùng, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đồng thời trong giai đoạn 2001-2005, chỉ đạo các Bộ cần ghi nhận ý kiến của các tỉnh chỉnh sửa cho phù hợp với kế hoạch ngành. Những gì chưa phù hợp phải trả lời giúp địa phương triển khai thực hiện kế hoạch cho tốt.

Thủ tướng nêu rõ: Mặc dù là vùng có tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, hàng hóa song các tỉnh chưa khai thác tốt nội lực của tỉnh mình. Thực trạng về y tế, giáo dục, xã hội phát triển kém các vùng khác. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, môi trường đầu tư kém hấp dẫn. Chất lượng nguồn nhân lực chưa phù hợp với yêu cầu CNH-HĐH nhất là hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu sắp tới các tỉnh, các Bộ phải tìm, đề ra cơ chế cách làm khai thác tốt nhất tiềm năng lợi thế thúc đẩy vùng phát triển nhanh, bền vững. Tăng trưởng GDP cao nhưng phải gắn với công bằng xã hội, với bảo vệ môi trường, chú ý không để các nguồn dịch bệnh phát triển, cần phát huy các nguồn lực nhất là nội lực giúp nông dân, hộ dân, xã, huyện, tỉnh làm giàu để đóng góp cho xã hội, đóng góp cho thu nhập cả nước nhiều hơn. Vùng đồng bằng sông Cửu Long phải trở thành vùng trù phú, vùng kinh tế trọng điểm ngang bằng với các vùng khác trong cả nước

Băng Châu
.
.
.