Phát hiện hàng trăm hiện vật khảo cổ bằng đá

Thứ Tư, 25/09/2013, 22:48
Ngày 25/9, ông Nguyễn Anh Bằng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông cho biết, sau gần 20 ngày tiến hành khai quật Di chỉ khảo cổ tại địa bàn thôn 8, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện thu về hàng trăm hiện vật bằng đá của người tiền sử.

Theo đó, từ ngày 1/9 - 19/9, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Đắk Nông tiến hành khai quật lần thứ 2 Di chỉ khảo cổ tại địa bàn thôn 8, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút. Tại đây, đoàn đã tiến hành khai quật trên diện tích 40m2 nằm trong rẫy nhà ông Lê Xuân Đoan và đã thu về được hơn 250 hiện vật bằng đá cùng hàng ngàn mảnh tước bằng đá, một trong những dụng cụ của cư dân bản địa cổ dùng để phục vụ cho việc săn bắn, sinh hoạt hàng ngày.

Địa điểm khai quật di chỉ khảo cổ tại thôn 8, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút.

Di chỉ thôn 8 được phát hiện từ năm 2005, đến đầu năm 2006 thì Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đắk Nông tiến hành khai quật lấn thứ nhất với diện tích 52m2 và cũng đã thu về hơn 200 hiện vật bằng đá cùng hàng ngàn mảnh tước các loại.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đang phân loại các di chỉ vừa khai quật được.

Theo kết quả điều tra của Viện Khảo cổ học Việt Nam, đây là di chỉ xưởng chuyên chế tác công cụ đá, sử dụng chủ yếu chất liệu đá trầm tích Silic, là nguồn nguyên liệu tại chỗ có địa tầng chắc chắn duy nhất ở Tây Nguyên cho đến thời điểm này. Di chỉ này mang những yếu tố truyền thống bản địa có ý nghĩa như một cơ tầng tiếp nối chuỗi phát triển văn hoá từ hậu kỳ Đá cũ qua Đá mới hoá và thời đại Kim khí sau này

Văn Thành
.
.
.