Phát hiện hàng loạt sai phạm tại các nông, lâm trường

Thứ Bảy, 06/07/2013, 19:04
Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa công bố báo cáo thanh tra việc quản lí sử dụng đất các nông - lâm trường và các công ty được chuyển đổi từ các nông - lâm trường trên phạm vi cả nước.

Báo cáo cho thấy, có tới 41/73 nông - lâm trường đang có tranh chấp, lấn chiếm đất đai; 23/73 nông – lâm trường đã tự ý chuyển đổi trái phép từ đất nông nghiệp, đất rừng sang đất ở, đất sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những con số trên còn chưa phản ánh hết tình hình thực tế, bởi con số vi phạm còn lớn hơn rất nhiều so với báo cáo.

Qua kết quả thanh tra 37/50 tỉnh, thành phố trên cả nước, với 73/99 nông - lâm trường, Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Cụ thể, có đến 23/73 đơn vị đã tự ý chuyển đổi 1.068,55 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong đó chuyển sang đất ở là 156,12 ha, đất xây dựng trụ sở và đất sản xuất kinh doanh là 911,46 ha… Trong số 23 nông – lâm trường vi phạm này, có 4 đơn vị được UBND tỉnh cho phép, 21 đơn vị còn lại tự ý chuyển đổi trái phép.

Ngoài ra, nhiều nông - lâm trường cũng bị phát hiện đem thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng hoặc tự ý góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trái pháp luật. Cụ thể, qua thanh tra phát hiện có 6/73 đơn vị đem thế chấp giá trị quyền sử dụng đất tại các ngân hàng, với diện tích 51.768,24 ha. Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn bị phát hiện góp 710 ha; Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Ba Tơ (Quảng Ngãi) tự ý góp 1.600 ha đất…

Đoàn thanh tra cũng phát hiện 20/73 nông – lâm trường đã cho thuê lại quyền sử dụng đất trái pháp luật với tổng diện tích 16.847,97 ha. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các nông – lâm trường vẫn còn phổ biến. Qua thanh tra đã phát hiện 41/73 nông – lâm trường đang có tranh chấp, lấn chiếm với các hộ dân, các tổ chức, với tổng diện tích bị lấn chiếm lên tới 8.445,7 ha.

Nhiều nông – lâm trường hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai lớn. Ảnh:  Duy Hiển.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 4/2013, cả nước có 148 lâm trường quốc doanh, nay là công ty lâm nghiệp, trung bình mỗi công ty lâm nghiệp quản lí 12.000 ha rừng. Tuy nhiên, chỉ có trên 72% số lâm trường làm ăn có lãi, còn lại trên 27% lâm trường thua lỗ. Lãi bình quân của mỗi lâm trường chỉ là 796 triệu đồng/năm, nghĩa là bình quân mỗi hecta đất lâm trường quản lí chỉ sinh lời 66.000 đồng/năm. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động của các lâm trường rất thấp.

Ông Phạm Quang Tú, Viện phó Viện Tư vấn phát triển (CODE), đơn vị chuyên nghiên cứu về đất nông – lâm trường cho biết: “Quá trình thu hồi đất của các nông – lâm trường trả lại cho địa phương rất chậm, thực tế mới chỉ thu hồi được 200.000 ha chứ không phải hơn 700.000 ha như báo cáo. Việc thu hồi đất vẫn được “khoán trắng” cho các nông - lâm trường dẫn đến các đơn vị này chỉ trả “đất xấu”, ở những nơi xa đường giao thông, khó canh tác.

Ở nhiều nơi, khi nông – lâm trường trả lại đất thì người dân không nhận. Ví dụ trước đây, Công ty Lâm nghiệp Long Đại (Quảng Bình) bị thu hồi 1.900 ha, trả lại cho người dân nhưng không ai nhận. Đầu 2013, UBND tỉnh Quảng Bình lại tiếp tục thu hồi 2.300 ha của lâm trường này, nhưng lâm trường lại chỉ trả đất xấu nên chỉ có 400 ha giao được cho người dân”.

Nông lâm trường đang được giao nguồn lực đất đai quá lớn, trong khi nhân lực, tài chính hạn chế. Trước kia, các nông – lâm trường được Nhà nước bao cấp, nay phải tự chủ, vì thế rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Quá trình sắp xếp, đổi mới từ các nông - lâm trường sang công ty nông – lâm nghiệp chỉ là hình thức “bình cũ rượu mới”. Khi chuyển đổi thành công ty, các nông – lâm trường sẽ phải hoạt động theo luật doanh nghiệp, nghĩa là phải trả tiền thuê đất. Tuy nhiên, có tới 58,9% các nông – lâm trường chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp).

Để quản lí đất nông – lâm trường hiệu quả, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng cho rằng, cần thống nhất một cơ chế cho thuê đất trả tiền hàng năm thay vì cơ chế giao đất có thu tiền sử dụng đất, bởi các đơn vị này sử dụng diện tích qui mô lớn. Giá đất cho thuê sẽ xác định cho phù hợp với từng vùng và đặc thù sử dụng đất.

Đối với đất qui hoạch sử dụng cho mục đích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vùng bảo vệ sinh thái… cần thống nhất chuyển giao cho ban quản lí rừng và chỉ thực hiện cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đối với các nông – lâm trường vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì cần có chính sách quản lí đặc thù riêng để đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, đảm bảo an ninh quốc phòng

Khánh Vy
.
.
.