Kết quả kiểm toán 2014: Phát hiện hàng loạt sai phạm

Thứ Bảy, 11/07/2015, 08:41
Sáng 10/7, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo công bố báo cáo kết quả kiểm toán 2014 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2013. Hàng loạt sai phạm, khiếm khuyết trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đã được chỉ ra, từ các Bộ, ngành, địa phương đến các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đều trong tình trạng “sờ đến là phát hiện sai phạm”.

Năm 2014, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm toán tại 190 đầu mối và kiểm toán báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. 2013 là một năm đáng chú ý khi bội chi ngân sách vọt lên 6,6%, vượt 1,3% so với Nghị quyết (đã điều chỉnh từ mức 4,8% lên 5,3%) của Quốc hội. Báo cáo kiểm toán cũng cho thấy việc lập, giao dự toán, quản lý thu chi ngân sách đều có vi phạm.

Cụ thể, dự toán thu Trung ương giao chưa đảm bảo mức tăng bình quân 14-16% theo định hướng. Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương lập và giao dự toán thu năm 2013 chưa sát thực tế. Dự toán chi thường xuyên vẫn lặp lại các sai sót đã được phát hiện trong những năm trước như: lập dự toán cao hơn số kiểm tra của Bộ Tài chính, chưa sát thực tế, giao dự toán chưa phù hợp quy định.

Một số địa phương lập dự toán thiếu cơ sở, giao dự toán chưa tuân thủ định mức phân bổ của HĐND tỉnh, chưa tính trừ tiết kiệm chi thường xuyên thực hiện cải cách tiền lương, giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao... Ngoài ra, Bộ Tài chính giao dự toán bổ sung 11.160 tỷ đồng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2012, 2013 cho 43 địa phương nhưng không thẩm tra trước, dẫn đến một số địa phương được bổ sung dự toán thừa 3.305 tỷ đồng.

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai được “điểm danh” trong báo cáo kiểm toán vì lựa chọn nhà thầu chậm 23 tháng so với kế hoạch. Ảnh: L.C.

Việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, tính thiếu thuế, lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN... vẫn diễn ra tại các DN, đơn vị được kiểm toán. Tình trạng thất thu thuế, phí, lệ phí tại các đơn vị hành chính sự nghiệp chưa được khắc phục nhiều. Qua kiểm toán, KTNN đã xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm gần 3.284,5 tỷ đồng, trong đó các tập đoàn, tổng công ty phải nộp 1.619,8 tỷ đồng, các địa phương 1.505,8 tỷ đồng, các bộ, cơ quan Trung ương 158,9 tỷ đồng.

Việc thực hiện quy định về phí, lệ phí tại các cơ sở đào tạo, khám chữa bệnh công lập chưa có chuyển biến tích cực. Vẫn còn thu vượt học phí, viện phí, các khoản lệ phí và thu một số khoản chưa có trong quy định. Công ty quản lý thuế còn hạn chế, nợ thuế do ngành Thuế và Hải quan quản lý tăng so với năm trước...

Về chi ngân sách, mặc dù chủ trương hạn chế tối đa việc ứng trước, nhưng Chính phủ vẫn cho ứng trước đến 13.142,2 tỷ đồng, dẫn đến số vốn ứng trước phải thu đến hết năm là 64.465,1 tỷ đồng. 11/35 địa phương được kiểm toán còn tình trạng dư nợ vay vượt mức quy định của Luật NSNN, nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết 2013 là gần 60.000 tỷ đồng (tăng hơn 11,4 nghìn tỷ đồng so với năm trước).

Hầu hết các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư tại nhiều dự án chưa được khắc phục như phải điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư; chất lượng khảo sát, thiết kế chưa đảm bảo; còn sai sót trong đấu thầu; công tác quản lý công trình chưa được thực hiện nghiêm túc; nghiệm thu sai khối lượng, chủng loại, đơn giá, không đúng thực tế thi công và nghiệm thu khi chưa đảm bảo đầy đủ hồ sơ, thủ tục, thanh toán vượt giá trị quyết toán...

Về chi thường xuyên, một số địa phương hụt thu nhưng không rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định, chưa quán triệt, thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản. 5/35 tỉnh chi quản lý hành chính, Đảng đoàn thể có mức vượt trên 30%. 

KTNN kiến nghị 27/35 địa phương bố trí hoàn trả nguồn 1.294 tỷ đồng; 9/35 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 143,86 tỷ đồng, 14/35 địa phương sử dụng dự phòng chưa đúng quy định. Tình trạng mua sắm, sửa chữa tài sản chưa tuân thủ quy định, mua ôtô vượt chỉ tiêu hoặc trang bị ôtô vượt quá quy định còn diễn ra.

Trả lời câu hỏi về tình trạng vi phạm lặp đi lặp lại này, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thừa nhận đây là hiện tượng diễn ra ở tất cả các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, DN, ngân hàng... “sờ vào anh nào cũng có”. Nguyên nhân cũng lại do “xử lý nhiều vấn đề rất khó”.

Ông Nhã cho rằng qua giám sát của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho thấy tuy mức độ sai phạm có giảm, nhưng vẫn lặp lại. Nguyên nhân được cho rằng do “chưa có cơ chế quy định cụ thể anh sử dụng sai, vượt dự toán thì xử lý như thế nào. Không có cơ chế nào để kể cả Quốc hội có quyền cắt dự toán năm nay của các đơn vị này, hay thậm chí kể cả xử lý cán bộ”.

Tuy vậy, ông Đinh Văn Nhã bày tỏ kỳ vọng sau khi Quốc hội sửa hàng loạt luật như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách... sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017 thì ngân sách niên độ 2017 sẽ được quản lý chặt hơn, bởi sẽ có nhiều “khóa” để quản lý ngân sách.

Vũ Hân
.
.
.