Phạt 100 triệu đồng và công bố danh tính nếu vi phạm ATTP
Với số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tăng cùng số người mắc, tử vong cao hơn năm trước, vấn đề ATTP thêm một lần được dư luận quan tâm, khi liên quan tới sức khỏe của mỗi người dân, đặc biệt là những tháng cuối năm. Vì thế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, việc giám sát và xử lý vi phạm với thực phẩm ở các trường học, kể cả việc thức ăn của học sinh trong trường, cũng như “thịt hổ khô” bán rong ở cổng trường mà báo chí đã phản ánh, ra sao thưa ông?
Trước thông tin một số thực phẩm bán rong tại trường học không đảm bảo, Cục ATTP đã lấy một số mẫu xét nghiệm, nhưng chưa phát hiện có chất độc. Duy chỉ có nhãn hàng thì không theo quy định. Ngay sau đó, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có Thông tư liên tịch hướng dẫn đảm bảo ATTP trong trường học với các qui định cụ thể.
Theo đó, với các thực phẩm ở trong trường học, Ban Giám hiệu nhà trường phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát: nếu nấu ăn cho học sinh tại trường, thì cơ sở nấu ăn phải có giấy chứng nhận ATTP; còn nếu nhà trường lấy thức ăn từ bên ngoài, thì phải lấy từ các cơ sở có giấy chứng nhận ATTP. Khi kiểm tra các cơ sở nấu ăn cho học sinh mà không có Giấy chứng nhận ATTP, thì Ban Giám hiệu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Với những thực phẩm bán rong bên ngoài trường học, như “thịt hổ khô” không có nguồn gốc, thì trách nhiệm trước hết thuộc về UBND, xã, phường- nơi trường học đóng.
PV: Ý kiến của ông trước việc gần đây có một loạt thông tin về sữa có côn trùng, đỉa có trong mì tôm, trà Ô Long của Nhật có nguồn gốc từ Trung Quốc?
Sau khi có những thông tin trên, Cục ATTP đã lấy các mẫu xét nghiệm, nhưng các kết quả đều cho thấy, các thông tin đều không phải sự thật. Thực tế, nếu có kiến thức về sinh học, cũng dễ dàng thấy, đỉa không thể sống được trong môi trường sữa, cũng như trong mì tôm. Vì thế, cơ quan chức năng đang điều tra xem động cơ của các thông tin trên là do ác ý, hay cạnh tranh không lành mạnh, cũng không loại trừ nguyên nhân phá hoại kinh tế nước ta. ATTP là rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần hết sức tỉnh táo trước các thông tin như thế, vì không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng, mà còn khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang khủng hoảng.
PV: Ông có thể cho biết đôi nét về tình hình ATTP hiện nay?
Đến đầu tháng 12/2012, cả nước có gần 470.000 tấn (hơn 19.000 lô) hàng thực phẩm được nhập khẩu, nhưng có tới 54 lô (tương đương 60 tấn) không đạt yêu cầu. Đây quả là điều đáng lưu ý khi số vụ NĐTP trên cả nước trong năm 2012 cũng tăng, có nguyên nhân do sử dụng phải thực phẩm kém chất lượng. Vì thế, đáng lo ngại khi thời gian tới, đang là lúc giao mùa, thời tiết thường bất thường, cũng lại là thời điểm Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Do đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phụ gia thực phẩm cũng gia tăng, không tránh khỏi nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, nhất là khi hoạt động buôn bán hàng hóa qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp.
PV: Cơ quan quản lý có biện pháp nào nhằm ngăn chặn tình trạng thực phẩm kém chất lượng trên thị trường, để hạn chế NĐTP?
BCĐ Liên ngành Trung ương về ATTP chỉ đạo tập trung vào công tác phòng chống NĐTP ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; công tác phòng chống thực phẩm nhập lậu, bên cạnh công tác truyền thông về ATTP. Ngay cuối tháng 12/2012, sẽ thành lập khoảng 10 đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra các mặt hàng có nguy cơ ngộ độc, dễ làm kém chất lượng như bánh mứt kẹo, hạt hướng dương, ô mai, ở Đà Nẵng, Quảng Ninh và các tỉnh có cửa khẩu. Các đoàn kiểm tra sẽ lựa chọn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn để kiểm tra việc thực hiện quy định về ATTP, phụ gia, công bố, ghi nhãn, cũng như nguồn vào các loại thực phẩm và lấy mẫu để kiểm nghiệm.
Các đoàn liên ngành cũng sẽ kiểm tra gắt gao hơn tình hình gà nhập lậu, gà thải loại tại các cửa khẩu, chợ đầu mối, bởi kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 100% số mẫu gà thải loại được kiểm tra có tồn dư hai nhóm chất kháng sinh Sulfadiazin và Chloramphenicol với mức cao gấp 5-20 lần mức cho phép. Đây là những kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vì người dân ăn phải thịt gà có dư lượng kháng sinh này một thời gian, có thể bị tích tụ trong cơ thể và gây đột biến gen.
Mỗi năm có khoảng 8 triệu con gà thải loại Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Loại gà này thuộc nhóm bắt buộc phải tiêu hủy sau khi đã khai thác hết trứng, lại có tỷ lệ tồn dư kháng sinh cao nên bị loại ra khỏi các sản phẩm làm thực phẩm, nên giá bán khi về đến biên giới Việt Nam chỉ 10.000 đồng/kg. Chúng tôi quyết tâm đến hết tháng 2/2013, sẽ kiểm soát hoàn toàn tình hình gà “độc” này!.
PV: Nhưng với chế tài xử lý thấp như hiện nay, liệu có ngăn chặn được vi pham?
Bắt đầu từ 25/12/2012, khi Nghị định 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 8/11/2012, quy định xử phạt vi phạm về ATTP có hiệu lực, thì các vi phạm về chất lượng ATTP sẽ được áp dụng các mức phạt mới. Theo đó, số tiền phạt cao nhất là 100 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm, đi kèm với công bố công khai danh tính cơ sở vi phạm để người tiêu dùng tránh xa.
PV: Xin cảm ơn ông!