Phản hồi từ bài báo "Mổ sỏi thận thành cắt thận"

Thứ Sáu, 13/11/2009, 15:10
Chiều 11/11, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã có buổi làm việc với báo CAND. PGS Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Sơn đã lần lượt giải đáp những vấn đề mà gia đình người bệnh và dư luận đang quan tâm, xoay quanh nguyên nhân dẫn đến việc phải cắt quả thận của bệnh nhân.

Báo CAND đã có bài: "Mổ sỏi thận thành cắt thận", phản ánh trường hợp anh Nguyễn Anh Tuấn (36 tuổi, trú tại phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) sau khi được mổ sỏi thận 35 ngày thì bị biến chứng dẫn đến phải cắt quả thận bên phải. Ca mổ được tiến hành vào ngày 19/7/2009 tại Bệnh viện Sơn Tây, một bệnh viện "vệ tinh" của Bệnh viện Việt Đức; phẫu thuật viên chính là Tiến sĩ Nguyễn Vũ Khải Ca, Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu Bệnh viện Việt Đức.

Theo như khẳng định của chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, vợ anh Nguyễn Anh Tuấn, trong đơn đề ngày 10/10/2009 gửi Báo CAND, thì "ca mổ đã rất thành công". Tuy nhiên, những ngày đầu sau mổ, bệnh nhân bị sốt và đến ngày thứ 4 sau mổ thì bác sĩ Phạm Tiến Dung phụ trách khoa ngoại, Bệnh viện Sơn Tây, chẩn đoán vết mổ bị nhiễm trùng và tiến hành cắt chỉ toàn bộ vết mổ của anh Tuấn, mà không có sự tham khảo ý kiến chỉ đạo chuyên môn của Tiến sĩ Ca...

Đến chiều 2/8/2009, anh Tuấn bị đau vật vã phía sâu trong vết mổ và bị chảy nhiều máu tươi qua băng và được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Sau quá trình điều trị, đến sáng 24/8/2009, vết mổ của anh Tuấn bị chảy máu ồ ạt và bệnh nhân được cấp cứu cầm, truyền máu và có chỉ định nút mạch cấp cứu; song do không nút được mạch, nên Tiến sĩ Ca đã trao đổi với gia đình bệnh nhân để mổ cấp cứu, cắt quả thận bên phải nhằm bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân...

Trong đơn gửi Báo CAND, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng xuất phát từ những sai sót về vấn đề hậu phẫu, mà "chồng tôi đã bị cắt oan một quả thận". 

Ngay sau khi Báo CAND phản ánh sự việc, Ban giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã chỉ đạo các bộ phận chức năng khẩn trương kiểm tra toàn bộ thông tin về quá trình phẫu thuật, điều trị với bệnh nhân Nguyễn Anh Tuấn và cử đoàn thanh tra làm việc với Bệnh viện Sơn Tây.

Đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Việt Đức tại buổi làm việc với phóng viên Báo CAND.

Chiều 11/11, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã có cuộc làm việc với PV Báo CAND. PGS Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chủ trì buổi làm việc, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số phòng, khoa chức năng và Tiến sĩ Nguyễn Vũ Khải Ca, người đã trực tiếp mổ cho bệnh nhân. Buổi làm việc cũng có sự hiện diện của vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn.

Mở đầu buổi làm việc, PGS Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn khẳng định: Nhìn chung, nội dung bài phản ánh trên Báo CAND là hợp lí. TS Sơn đã lần lượt giải đáp những vấn đề mà gia đình người bệnh và dư luận đang quan tâm. Theo TS Sơn, các yêu cầu về hồ sơ bệnh án, quá trình điều trị bệnh nhân Nguyễn Anh Tuấn đều bảo đảm những quy định của ngành Y tế đặt ra... 

Trước câu hỏi được quan tâm nhất là nguyên nhân dẫn đến việc phải cắt quả thận của bệnh nhân là gì, PGS Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn cho biết: Trong bài báo có nêu ý kiến của TS Ca giải thích "nguyên nhân là do cắt chỉ toàn bộ vết mổ", tôi khẳng định câu trả lời này là chưa chính xác. Trong ngành Y, các quyết định sau mổ và quá trình chăm sóc bệnh nhân, thường là do phẫu thuật viên chính đưa ra. Tuy nhiên, BS Dung đã không xin ý kiến TS Ca khi tiến hành cắt chỉ toàn bộ vết mổ; đây là điều làm cho TS Ca bức xúc (vì TS Ca vừa là phẫu thuật viên chính, vừa là thầy và với cương vị là bệnh viện tuyến trên có trách nhiệm hướng dẫn). Cũng phải nói rằng, bản thân bệnh nhân Tuấn có tiền sử sỏi thận, đã mổ sỏi thận vài lần... Trường hợp này có khả năng nhiễm trùng do tiềm tàng sỏi thận (vi khuẩn có trong viên sỏi); khi bóc tách, vì là mổ lại nên cũng có thể chảy máu thứ phát.

Theo TS Sơn, khi phát hiện người bệnh bị chảy máu dữ dội thì việc quan trọng nhất là phải giữ tính mạng người bệnh; với quyết tâm bảo tồn quả thận cho bệnh nhân, anh Tuấn đã được chụp cắt lớp, chụp mạch nhằm tiến hành nút mạch, không để chảy máu nữa, bệnh nhân sẽ không phải mổ và quả thận được giữ lại... Nhưng quá trình nút mạch không thành công, và các bác sĩ buộc phải cắt quả thận, cầm máu để bảo toàn tính mạng của bệnh nhân. Như vậy, việc cắt quả thận là đúng chỉ định.

Về quả thận đã bị cắt này, nó đã được làm vi thể để xác định đến cùng là có đáng bị cắt không. Bác sĩ Phạm Kim Bình, Trưởng Ban thanh tra, Trưởng khoa giải phẫu bệnh, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Anh Tuấn là bệnh nhân có sỏi thận cả hai bên, đã mổ hai lần là năm 1999 và năm 2008. Qua xét nghiệm quả thận này, chúng tôi đánh giá quả thận đã bị bệnh khá lâu rồi. Nó có hai tổn thương, một là tổn thương mãn tính đã kéo dài nhiều năm; tổn thương thứ hai là tổn thương cấp tính, tức là tổn thương có áp xe và viêm mủ xung quanh quả thận, đây chính là nguyên nhân. Việc cắt chỉ toàn bộ vết mổ cũng có thể là một yếu tố gây nhiễm trùng, nhưng cái chính trong trường hợp này là quả thận đã bị tổn thương lâu ngày rồi... Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều tôi nói - BS Bình khẳng định.

Tới lượt mình phát biểu, TS Ca cho biết: Trước khi mổ cho anh Tuấn, tôi đã trao đổi với Bệnh viện Sơn Tây, đây là sỏi thận tái phát; nên mổ lại sẽ rất khó vì các tổ chức sơ đã dính. Sỏi san hô, nằm ngóc ngách, nên mổ rất khó khăn. Chúng tôi dùng phương pháp cắt phần thận dưới để lấy sỏi, đây là việc bình thường trên một quả thận bệnh lí lâu ngày. Sau mổ, bệnh nhân không bị tai biến trong mổ (trong vòng 24 giờ đầu, do sai sót trong mổ làm tổn thương các cơ quan khác của cơ thể gây nguy hiểm, phải cắt thận). Khi bệnh nhân được cắt chỉ tôi không được thông báo, mà lẽ ra phải xin chỉ dẫn của tôi.

Khi bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đã cố gắng làm tất cả để giữ lại quả thận cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân vẫn bị chảy máu và không cầm được, bị tụt huyết áp và được chụp mạch, mạch ăn rất sâu vào quả thận nên bắt buộc cắt thận. Nếu không mổ cắt thận, thì bệnh nhân sẽ chết vì nhiễm trùng, vì chảy máu. Tôi đã giải thích cho vợ bệnh nhân ngay khi đó. Đây là biến chứng muộn sau khi cắt thận bán phần lấy sỏi.

Như vậy, những câu hỏi mà dư luận quan tâm đã cơ bản được giải đáp. Qua buổi làm việc, chúng tôi ghi nhận tinh thần cầu thị, trung thực của lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức. Vấn đề đặt ra là, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Sơn Tây cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân Nguyễn Anh Tuấn và hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót có thể xảy ra

Duy Hiển - Phan Hoạt
.
.
.