Phạm nhân tuổi lão và tuổi teen chia sẻ trước ngày đặc xá

Thứ Hai, 24/08/2015, 08:26
Tới Trại giam Nam Hà vào những ngày trung tuần tháng 8, khi không khí hối hả, khẩn trương chuẩn bị cho ngày trở về của những phạm nhân được đặc xá dịp Quốc khánh 2/9. Gần 240 phạm nhân của Trại giam Nam Hà thuộc diện được xét đặc xá năm nay, mỗi người mỗi cảnh, mỗi tâm tư người tuổi lão, người chỉ tuổi teen.

Phạm nhân nhỏ tuổi nhất ở Trại giam Nam Hà thuộc diện được đặc xá đợt này là Hoàng Văn Nam, 19 tuổi, quê quán Hiệp Cường, Kim Động, Hưng Yên. Nam nhập trại đầu năm 2014 về tội cướp tài sản. Thời điểm gây án, Nam chưa tròn 17 tuổi. 

Hỏi về vụ án, Nam khẽ ngại ngùng kể, Nam bị 2 đứa bạn rủ đi cướp tài sản của nhà một người cùng xã. Nam bảo “tham gia chỉ vì bạn rủ thì đi thôi”.  Biết chủ nhà đi vắng, sau khi lừa được người trông nhà ra mở cửa thì khống chế đe dọa, cả ba đứa xông vào khuân sạch số tài sản có giá trị của gia chủ gồm tivi, đầu đĩa, đầu kỹ thuật số, quạt cây mang đi bán. Số tài sản này có tổng giá trị là 2.930.000 đồng.

Dự tính về tương lai, Nam tâm sự: “Sau khi ra trại, em sẽ cố gắng tìm một công việc để làm, em không ngại khó, ngại khổ, chỉ ngại phải đi học lại thôi. Em bỏ học lâu rồi nên bây giờ ngại học lại lắm. Mấy hôm nay, từ khi biết tin mình nằm trong diện được xét đặc xá, em vui không ngủ được, lúc nào cũng bồn chồn chỉ mong mau chóng được về gặp mẹ, ở trong này mẹ luôn là người mà em nhớ nhất…”.

Tiếp xúc với ông Quảng Văn Tỵ, 71 tuổi, trú tại xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, Điện Biên, bị kết án 20 năm tù về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Ông Tỵ là phạm nhân lớn tuổi nhất trong diện được xét đặc xá đợt này. Chỉ vì nhà nghèo, phải nuôi tới 12 đứa con, ông Tỵ đã bị bọn tội phạm ma túy lợi dụng, lôi kéo vận chuyển thuê ma túy. Trong một lần chở 2 bánh heroin trên đường đến điểm hẹn giao cho một đối tượng, ông Tỵ bị Công an huyện Tuần Giáo bắt quả tang khi đang treo 2 bánh heroin trên ghi đông xe đạp. 

Cũng vì gia cảnh nghèo khó, đi lại đường xá xa xôi, nên lâu lâu ông mới được người nhà đến thăm. Khi biết tin mình đủ tiêu chuẩn được đưa vào diện xét đặc xá, khiến tâm trạng ông không khỏi bâng khuâng. Ông vui vì sắp được trở về sum họp với gia đình...

Phạm nhân háo hức tìm hiểu các điều kiện quy định về đặc xá được niêm yết công khai ngay tại các phòng giam. 

Nghe điều ông tâm sự, không ít người bảo rằng ông là kẻ dở hơi, nhưng có lẽ chỉ những người ở vào hoàn cảnh của ông mới hiểu đó là lời tâm sự rất thật, bởi mười mấy năm thụ án ở đây, mọi kỷ niệm buồn, vui của ông đều gắn với sinh hoạt của trại, gắn bó với các cán bộ trại giam và các bạn tù.

Là một trong những phạm nhân dẫn đầu danh sách được Trại giam Nam Hà đưa vào diện xét đặc xá đợt này, phạm nhân Nguyễn Đức Thuần ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện về tiêu chuẩn thời gian thụ án, ý thức cải tạo tốt, thì anh cũng là phạm nhân dẫn đầu về hoàn thành hình phạt bổ sung về trách niệm bồi thường dân sự với số tiền lớn nhất đợt này (592 triệu đồng).

Nguyễn Đức Thuần tâm sự, khi biết mình ở trong diện được xét đặc xá đợt này, anh luôn khấp khởi, háo hức vì ngày được đoàn tụ bên gia đình sẽ không còn xa nữa. Ngày anh vào trại thụ án, cô con gái của vợ chồng anh mới vừa tròn 9 tuổi, thế mà bây giờ anh đã “lên chức” ông ngoại. 

Trong thời gian thụ án, ngoài sự hối hận về hành vi phạm tội mà mình đã gây ra, anh vẫn luôn day dứt vì không thể làm tròn trách nhiệm của người con đối với cha mẹ già và trách nhiệm của người cha đối với cô con gái nhỏ. 

Đau đớn nhất là thời điểm cuối năm 2011, đang thụ án trong trại, anh nghe được tin con gái chưa học xong cấp ba đã phải bỏ học vì trót có bầu với người bạn trai cùng tuổi. Nghĩ ngợi nhiều mà lực bất tòng tâm, anh sinh ra chán nản, suy sụp, chỉ muốn buông xuôi, không quyết tâm cải tạo. 

Nhưng trong cái rủi có cái may, tuy con gái anh phải bỏ dở việc học tập để cưới chồng, nhưng nhờ được gia đình chồng cảm thông, yêu thương, giúp đỡ nên hiện nay vợ chồng con gái anh sống rất hạnh phúc, kinh tế khá giả, khiến anh thanh thản phần nào, quyết tâm cải tạo thật tốt để nhanh chóng được ra trại, trở về sum họp bên con cháu.

Và điều đầu tiên anh Thuần dự định, ngay sau khi được đặc xá, ra trại anh sẽ ghé vào nghĩa trang thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội để thắp nén hương tạ tội với cha, mẹ trước khi trở về nhà. Còn mọi việc sau đó, anh sẽ dần tính tiếp: cũng có thể anh sẽ ở nhà hỗ trợ vợ con làm kinh tế, chăm bẵm cháu ngoại để bù đắp, giúp đỡ con gái yên tâm làm ăn; cũng có thể anh sẽ tìm một công việc phù hợp để làm vừa có thu nhập vừa có thêm niềm vui…

Đón nhận thông tin được đặc xá, mỗi phạm nhân có một tâm trạng không giống nhau, cũng vì mỗi người mỗi cảnh, mỗi tâm tư. Bên cạnh niềm vui vì được đoàn viên với gia đình, vẫn thấp thoáng ý nghĩ âu lo, bởi không biết sẽ phải làm gì và bắt đầu cuộc sống mới ra sao. Nhưng tôi tin, cùng với sự động viên từ gia đình, sự cảm thông chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng, họ sẽ dần cởi bỏ được mặc cảm tự ti, giúp họ có thêm nghị lực và quyết tâm để “làm lại cuộc đời”.

Trao đổi xung quanh đợt đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, Trung tá Đặng Thành Chiêm, Phó giám thị Trại giam Nam Hà cho biết: Đợt đặc xá năm 2015, gần 240 phạm nhân trong số hơn 3.000 phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Nam Hà đáp ứng đủ điều kiện, đã qua thẩm định hồ sơ đặc xá tha tù trước thời hạn. Về công tác chuẩn bị đặc xá, Trung tá Đặng Thành Chiêm cho biết, ngay sau khi nhận được Quyết định 1366 của Chủ tịch nước; các Hướng dẫn số 91 và Kế hoạch số 174 của Bộ Công an về việc triển khai chương trình đặc xá, Ban Giám thị trại giam Nam Hà đã xây dựng kế hoạch, lập hội đồng xét đề nghị đặc xá và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Song song với việc tuyên truyền các quy định, tiêu chuẩn về đặc xá trên hệ thống loa phát thanh của trại, các điều kiện này còn được niêm yết công khai ngay tại các phòng giam, để các phạm nhân tìm hiểu, tự đối chiếu tiêu chuẩn. Sau đó, các tổ, đội phạm nhân sẽ tổ chức họp, bỏ phiếu bình chọn và lập danh sách để trình lên Hội đồng xét đặc xá của trại và tổ công tác liên ngành gồm Công an – VKS – TAND – MTTQ xét duyệt, thẩm định.

Với các phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá đã qua thẩm định, sẽ được tham dự lớp học “ đặc biệt” do Ban giám thị Trại tổ chức. Ở lớp học này, các phạm nhân sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống… nhằm giúp họ sớm ổn định cuộc sống, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng sau khi ra tù. 

Phạm Tâm
.
.
.