Phạm nhân trại giam Phú Sơn với khát vọng ngày về

Thứ Năm, 03/01/2008, 19:23
Ở Trại cải tạo Phú Sơn 4, có những người chỉ mới thụ án vài ba năm, nhưng cũng có những phạm nhân đã có hơn chục năm nay ở Trại. Đối với những phạm nhân đó, ngày về được chờ đợi từng giờ, từng phút.
>> Đội văn nghệ của trại giam Phú Sơn 4

Ngồi trước mặt chúng tôi là phạm nhân Nguyễn Tất Thắng, năm nay đã 41 tuổi, quê ở Bắc Giang. Nguyễn Tất Thắng phạm tội lưu hành tiền giả và phải chịu mức án 14 năm tù.

Ước vọng tự do của những phạm nhân từng buôn bạc giả

Câu chuyện của chúng tôi diễn ra bên chiếc ghế đá tại thư viện dành cho phạm nhân bên hồ nước rất thơ mộng.

Thời gian 8 năm trong trại cải tạo đủ để người đàn ông này tĩnh tâm hối lỗi những việc làm phạm pháp của mình đã gây ra cho xã hội.

Nguyễn Tất Thắng tâm sự rằng, trước khi phạm tội, anh ta làm nghề vận tải ở khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Nhiều năm có mặt ở vùng biên luôn nóng bỏng bởi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng lậu này, Thắng đã học được "nghề" buôn tiền giả.

Không nhớ chính xác "tỷ giá" giữa tiền thật và tiền giả nhưng theo phạm nhân này thì thời điểm đó để mua được 1 triệu tiền giả, anh ta chỉ mất khoảng 400 ngàn tiền thật.

Vốn dĩ sống ở vùng biên lâu năm đã thành thổ công, thổ địa ở vùng rừng núi lắm đường mòn, ngõ hẻm này nên Thắng đã nghĩ mưu chuyển nghề sang buôn tiền giả từ bên kia biên giới đưa về nước bán kiếm lời.

 Phàm đã là người thì ai cũng có tính tham. Tuy nhiên, người tỉnh táo thì biết phân biệt phải, trái, trắng đen, còn Thắng thì bị chính những đồng tiền giả này làm cho lóa mắt. Trong một phi vụ lưu hành tới 24 triệu tiền giả hồi tháng 5/1999, Nguyễn Tất Thắng đã bị bắt giữ.

Với hành vi đó, Thắng đã phải lĩnh mức án 14 năm tù. Khi chúng tôi hỏi, trước khi bị bắt đã thực hiện thành công mấy lần, Nguyễn Tất Thắng thật thà cho biết, chuyến bị bắt là chuyến thứ 3 và cũng là chuyến anh ta quyết định làm ăn đậm nhất. Tiền giả nhưng tù thì thật, lĩnh mức án 14 năm tù phạm nhân này được đưa thẳng lên Trại Phú Sơn 4 để cải tạo.

Do cải tạo tốt, anh ta được Trại phân công làm nhiệm vụ Thư ký Hội đồng tự quản. Nhiệm vụ của hội đồng là giữ gìn trật tự, giờ giấc, kiểm tra nội vụ, vệ sinh...

Trò chuyện với chúng tôi, phạm nhân này tâm sự: anh đã có vợ và hai con và điều rất may mắn là các cháu đều học giỏi. Cháu lớn năm nay đã học đại học, cháu nhỏ học cấp hai.

Vào Trại, anh cũng xác định tập trung cải tạo thật tốt để sớm được trở về. Nhắc đến chuyện hết án trở về, Nguyễn Tất Thắng cho biết tính đến nay anh ta đã thụ án tại Trại Phú Sơn 4 được 8 năm và nếu trừ thời gian giảm án, chỉ còn khoảng 3 năm nữa là anh ta được trở về đoàn tụ.

Cũng trong thời gian lưu lại ở Trại cải tạo Phú Sơn, chúng tôi gặp một nữ phạm nhân còn rất trẻ cũng phạm tội tiêu thụ tiền giả. Tên nữ phạm nhân này là Vương Hồng Thúy, 24 tuổi, tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Theo lời kể của Thúy thì sau khi tốt nghiệp THPT, cô thi vào trường chính trị của tỉnh, hệ trung cấp.

Sau 2 năm gắn liền với đèn sách, kết thúc khóa học, cô xin về làm việc tại một doanh nghiệp ở Hà Nội. Làm việc ở đây được vài tháng, với ý chí vươn lên, ngoài giờ làm việc, cô tích cực ôn luyện và thi đỗ vào hệ đào tạo cử nhân chính trị.

Tưởng đâu ước mơ cháy bỏng ấy rồi sẽ thành hiện thực trong một tương lai gần, nào ngờ vào trường học được vài tháng, với lý do cần tiền để trang trải cho cuộc sống hằng ngày, Thúy đã nhận lời vận chuyển 33 triệu đồng tiền giả cho một đường dây tội phạm để được bọn chúng trả cho ít đồng tiền công.

Theo Thúy kể, nếu vận chuyển trót lọt 10 triệu đồng, Thúy sẽ được chúng trả công 50.000 đồng. Trót lọt được vài chuyến, đến chuyến thứ 3 thì cô bị bắt và bị kết án 8 năm tù.

Giờ đây trong thân phận là phạm nhân, Thúy chỉ biết cải tạo thật tốt, chấp hành mọi nội quy, quy chế của trại để mong được giảm án sớm trở về với cuộc sống đời thường, nơi mà cô đã tự làm mất đi cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời mình.

Chuyện của "hoa khôi" Trại cải tạo Phú Sơn 4

Thời gian được trở về đoàn tụ với gia đình của phạm nhân Nguyễn Thị Lâm (Sơn La) chỉ còn tính bằng ngày. Chưa đầy 1 tuần nữa, Lâm sẽ mãn hạn tù. Khi bị bắt vì tội buôn bán ma túy, Lâm mới 22 tuổi. Khi nghe tòa tuyên án 13 năm, Lâm suy sụp hoàn toàn.

Người chồng bế trên tay hai cậu con trai sinh đôi mới đầy năm tuổi, đứng chết lặng giữa phiên tòa. Lâm kể, trước khi lấy chồng, Lâm đã bị bắt nhưng do chưa có đủ chứng cứ nên được tha ngay sau đó. Tưởng đã thoát nạn, Lâm đi xin việc làm, quyết tâm không kinh doanh thứ thuốc trắng chết người ấy nữa.

Vốn là hoa khôi của thị xã, với trình độ trung cấp kế toán, chẳng khó khăn gì Lâm xin được một công việc ổn định nhàn nhã. Lấy chồng được 3 năm, tưởng mọi chuyện đã dần vào quên lãng, lỗi lầm của mình sẽ không bị phát giác.

Không ngờ, một đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy của Lâm trước ngày bị bắt đã khai ra cô. Bị bắt lại khi hai đứa con ngày đêm khát sữa mẹ, những tháng đầu mới vào trại, Lâm như người bị mộng du. Nỗi nhớ con, nhớ chồng ngày đêm cắn rứt tâm trí cô. "Hai bầu ngực căng sữa không được cho con bú nhức nhối, nhiều lúc mình chỉ nghĩ đến cái chết", Lâm cười buồn.

Nụ cười trên khuôn mặt trái xoan cũng không làm dịu đi ánh buồn trong đôi mặt đẹp của người đàn bà đã qua tuổi 30. Đôi mắt ấy có đôi hàng mi cong rợp lúc nào cũng cụp xuống như che giấu tâm trạng của người thiếu phụ.

Nhờ sự động viên của các cán bộ quản lý trại giam, Lâm dần bình tĩnh lại. Thay cho những đêm mất ngủ, Lâm đã chấp nhận cái giá mà mình phải trả cho sai lầm của mình.

Với nhan sắc và năng khiếu múa, Lâm được phân vào đội văn nghệ phạm nhân của Trại Phú Sơn 4. Đón 10 cái Tết trong tù, do cải tạo tốt, Lâm đã được giảm án từ 12 năm còn 10 năm. Khi trò chuyện với chúng tôi, chỉ còn vài ngày nữa, cô sẽ được tha.

Lâm kể, khi vào tù, điều Lâm sợ nhất là phải đối diện với các con. Cũng may, chồng Lâm là người rất yêu vợ. Đều đặn, hàng tháng anh mang theo hai con lên thăm Lâm. Vợ chồng, con cái đoàn tụ được 1 ngày.

Mỗi lần được gặp con, Lâm đều mặc bộ quần áo ở nhà, nhưng một lần do vội, không kịp thay quần áo, hai cậu con đã níu áo cô hỏi: "Quần áo của mẹ đâu, sao mẹ lại mặc đồ của người xấu?". Đến lúc ấy, chồng Lâm xin phép quản giáo nói thật cho các con biết. Trước khi chia tay, Lâm khóc, ôm các con: "Con có nghĩ mẹ là người xấu không?".

Giờ, hai cậu con trai sinh đôi của Lâm đã học lớp 6. Trong thời gian Lâm ở trại cải tạo, chồng Lâm cũng đã chuyển nhà xuống Hà Nội để tiện việc học hành cho các con, tiện đường đi lại thăm vợ.

Hiếm có người chồng nào yêu thương vợ như người chồng của Lâm. 10 năm qua, anh lặng lẽ nuôi dạy con, dành thời gian thăm vợ đều đặn. Lần nào chia tay, chồng Lâm cũng động viên cô cố gắng cải tạo tốt.

Từ khi Trại giam Phú Sơn 4 cho phép phạm nhân được gọi điện thoại liên lạc với người thân, Lâm và nhiều phạm nhân khác càng khát khao được trở về gia đình. Qua những lời động viên, an ủi của người thân, cô hiểu rằng gia đình đã không bỏ rơi cô, vẫn mong một ngày được đón đứa con lầm lỗi trở về nhà.

Ở trại, Lâm là "diễn viên múa" chính. Từng được đi lưu diễn theo Đội Văn nghệ của trại, Lâm cũng được Ban Giám thị đánh giá là phạm nhân cải tạo tốt, có nhiều tiến bộ.

Chỉ còn 4 ngày nữa, chồng và con trai sẽ lên đón Lâm. Có lẽ vì thế, khi gặp chúng tôi, nỗi buồn trong mắt Lâm đã vơi đi, thay vào đó là sự hồi hộp, chờ mong.

Rất tự nhiên, Lâm tâm sự: "May mắn là em còn có chồng con yêu thương... Chỉ vì trót dại một lần mà cái giá phải trả là cả tuổi thanh xuân đấy chị ạ".

Chúng tôi biết chắc rằng, lần sau khi gặp Lâm tại Hà Nội, trên khuôn mặt của nữ phạm nhân này sẽ rặng rỡ những nụ cười hạnh phúc. Khi ấy, Lâm đã trở lại là một công dân bình thường, một người vợ đảm, mẹ hiền

Nhóm PVPL
.
.
.