Phải thu hồi ngay số tiền vé chiếm giữ trái phép qua Trạm thu phí xa lộ Hà Nội

Thứ Sáu, 27/11/2009, 15:45
Việc để CII được tiếp tục thu phí đối với một lượng xe ôtô lưu thông từ tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh ra cầu Sài Gòn khiến Hiệp hội Vận tải hàng hóa và dư luận người dân thành phố bất bình.
>> Xe ngang nhiên né trạm thu phí

Sau khi Báo CAND nhiều lần thông tin về việc Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật TP HCM - CII) thực hiện thu phí trái pháp luật đối với ôtô không lưu thông trên đường Điện Biên Phủ. Đến nay, sự việc đã được chính quyền TP HCM chỉ đạo giải quyết một phần.

Nhưng trong lúc còn chưa biết CII sẽ bồi thường thiệt hại ra sao… thì việc để CII được tiếp tục thu phí đối với một lượng xe ôtô lưu thông từ tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh ra cầu Sài Gòn khiến Hiệp hội Vận tải hàng hóa và dư luận người dân thành phố bất bình.

Đuối lý khi cho phép vượt thẩm quyền 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, pháp lý cao nhất làm cơ sở để TP HCM triển khai việc lập Trạm thu phí xa lộ Hà Nội là văn bản cho phép của Chính phủ ngày 17/9/1998. Tại văn bản này, Chính phủ chỉ đồng ý cho phép thành phố được thu phí giao thông để thu hồi vốn, trả nợ cho dự án nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ. Các văn bản của Bộ Tài chính và UBND thành phố ban hành sau đó cũng xác định rõ là chỉ thu phí để trả vốn, lãi vay đã đầu tư cho công trình đường Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, khi chuyển giao cho CII quyền được thu phí để hoàn vốn đầu tư đối với đường Điện Biên Phủ, UBND thành phố còn cộng cả các khoản đã đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hữu Cảnh và đường song hành xa lộ Hà Nội lên đến hơn 281 tỷ đồng.

Lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh dù không đảm bảo an toàn tối thiểu nhưng chủ xe vẫn phải trả phí. Ảnh: Đ.T..

Bị phát hiện, khiếu nại về việc cho phép vượt quyền hạn này, trả lời Hiệp hội, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT với tư cách Ủy viên UBND thành phố đã cho rằng: Đường Điện Biên Phủ được đặt tên và phân cấp quản lý từ mố cầu Sài Gòn đến vòng xoay Ngã Bảy (quận 3, quận 10).

Xe từ đường Nguyễn Hữu Cảnh lên cầu Sài Gòn để vào xa lộ Hà Nội đều phải sử dụng một đoạn đường Điện Biên Phủ. Đoạn đường này được giới hạn từ mố cầu Sài Gòn đến điểm rẽ vào đường chui dưới dạ Cầu Sài Gòn và đường chui dưới cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Vì vậy, các phương tiện qua lại đây thuộc đối tượng phải nộp phí giao thông tại Trạm thu phí xa lộ Hà Nội...

Trước lập luận dùng bao biện cho việc làm vượt thẩm quyền này, ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đã phản bác: Khẳng định này của ông Phượng không đúng với Quy định của Luật giao thông đường bộ. Không có bất cứ một văn bản pháp luật nào quy định xe đi qua "mố cầu", đi qua ngã ba, ngã tư để rẽ phải, rẽ trái lại phải đóng phí giao thông đường bộ cả.

Mặt khác, theo thiết kế kỹ thuật thì cầu Sài Gòn không phải bắt đầu từ mố cầu như nội dung công văn nói trên mà còn bao gồm cả phần kéo dài phía ngoài mố cầu. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, tại quy định của UBND thành phố về các tuyến hành lang cho phép xe ôtô vận tải nặng được lưu thông.

Từ hướng xa lộ Hà Nội vào nội thành, khúc đường vòng để xe đi từ cầu Sài Gòn vào đường Nguyễn Hữu Cảnh được UBND thành phố gọi là "Dạ cầu Sài Gòn". Ở hướng ngược lại từ đường Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng trong nội thành đi ra, đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng nối thẳng vào cầu Sài Gòn chứ không hề có đoạn nào được gọi là đường Điện Biên Phủ!

CII đã chiếm giữ trái phép số tiền khổng lồ

Chưa tính khoản phí thu từ số lượng xe ôtô loại nhỏ đi từ các đường Trần Não, đường song hành xa lộ Hà Nội ra. Chỉ tính riêng tuyến Tỉnh lộ 25B, theo Trung tá Nguyễn Đức Tân, Đội trưởng đội CSGT - TT, Công an quận 2 cho biết thì trước khi cầu Phú Mỹ thông xe mỗi ngày đã có khoảng 12 ngàn lượt xe, chủ yếu là xe container, xe tải nặng ra vào. Với số lượng ôtô qua lại nhiều như vậy, cứ tính mức thu phí bình quân là 30 ngàn đồng/xe mỗi lượt, một ngày CII công khai "chiếm đoạt trái phép" số tiền lên tới 360 triệu đồng.

Được chính quyền thành phố cho phép thực hiện thu phí đối với xe ôtô chạy trên tỉnh lộ 25B trong vòng 2,5 tháng qua, số tiền CII đã "bóp cổ" chủ xe, doanh nghiệp vận tải vào khoảng 26 tỷ đồng.

Với ôtô lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, trong văn bản gửi Sở GTVT và UBND TP HCM ngày 16/10 vừa qua, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đã tính rằng có đến 90% số lượng xe tải lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh không đi qua đường Điện Biên Phủ nhưng vẫn phải nộp phí tại Trạm thu phí xa lộ Hà Nội...

Theo khẳng định của ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố, thì về nguyên tắc, dù CII có thu oan sai một đồng cũng là hành vi trái pháp luật… đơn tố cáo đích danh Giám đốc Sở GTVT và Ban Giám đốc Công ty CII với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cụ thể cũng đã được Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bến Tre gửi đi nhiều nơi.

Vì vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần khẩn trương vào cuộc xác minh, xử lý hành vi "chiếm giữ tài sản trái phép" của CII...

Đức Thắng
.
.
.