PGS.TS Nguyễn Văn Thạch: Lãnh đạo gương mẫu sẽ tránh được tiêu cực
Thưa ông, trong khi tiêu cực BV đang trở thành vấn nạn, khiến dư luận quan tâm và bức xúc, thì ở BV Việt Đức, đặc biệt là Khoa PTCS, lại tạo được uy tín là nơi không có tiêu cực. Là người phụ trách Khoa, ông có thể chia sẻ điều này với bạn đọc?
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch: Khoa PTCS tự hào là một đơn vị duy trì được mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy thuốc với bệnh nhân, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực với bất kỳ bệnh nhân nào. Ngay từ khi Khoa mới được thành lập (tháng 9/2007), chúng tôi đã giáo dục đến từng bác sĩ và nhân viên trong khoa rằng “Bệnh nhân không phải là khách hàng, nhưng thầy thuốc cần bệnh nhân”, vì có bệnh nhân là có tất cả: việc khám, điều trị cho người bệnh sẽ cho thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm, để có những chương trình nghiên cứu khoa học và thành đạt được trong lĩnh vực của mình.
Vì thế, phải làm hết sức vì người bệnh, tuyệt đối không gây phiền hà, khó khăn, mà luôn quan tâm, giảm bớt mọi thủ tục cho người bệnh. Để cho bệnh nhân không phải đi lại nhiều lần, khi bệnh nhân đến khám, chúng tôi cho làm xét nghiệm, tiến hành hội chẩn và xếp lịch mổ theo nhu cầu của người bệnh, đồng thời tư vấn cụ thể về các phương pháp điều trị cho bệnh nhân.
Thưa ông! Khâu xếp lịch mổ chính là nơi dễ xảy ra tiêu cực nhất ở nhiều BV, hay các khoa, phòng. Vậy giải pháp chống tiêu cực ở Khoa PTCS trong lĩnh vực này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch: Như tôi đã nói ở trên, để bệnh nhân không phải đi lại nhiều, chúng tôi cố gắng xếp lịch mổ đáp ứng được tối đa nhu cầu của người bệnh. Tất nhiên, chúng tôi cũng phải kiểm tra nhân viên có thực hiện nghiêm chỉ đạo hay không, để đảm bảo không có tiêu cực, đồng thời, lắng nghe ý kiến phản hồi.
Bệnh nhân đến với chúng tôi rất đông, nhưng một tuần thường chỉ có thể mổ được 30 - 35 ca. Vì thế, chúng tôi phải động viên các cán bộ y tế trong khoa, phối hợp với phòng mổ làm thêm giờ, chia theo ca, theo kíp, thậm chí là tăng ca để đáp ứng được yêu cầu của người bệnh, mà lại giảm tải được cho BV.
Vì thế, có ngày, chúng tôi mổ tới 20 ca. Khoa cũng triển khai dịch vụ mổ sớm và việc này được thông báo rộng rãi đến người bệnh. Điều này giúp bệnh nhân được phục vụ theo yêu cầu, mà thầy thuốc thì có điều kiện nâng cao tay nghề và cải thiện đời sống. Chúng tôi cũng lưu tâm và ưu tiên với những trường hợp bệnh nhân ở xa. Càng xa càng được ưu tiên mổ sớm, để tránh cho bệnh nhân không phải tốn kém tiền tàu xe đi lại vất vả, cũng như chỗ ăn nghỉ để chờ phẫu thuật.
Với các kỹ thuật tiên tiến được áp dụng cùng với quy trình thăm khám, điều trị vì người bệnh như vậy mà nhiều năm nay, Khoa PTCS đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân từ mọi miền của đất nước, thậm chí có nhiều người bệnh từ nước ngoài đã về Việt Nam để đến điều trị ở khoa chúng tôi.
Như vậy, quan niệm bệnh nhân và thầy thuốc là mối quan hệ qua lại, chứ không phải thầy thuốc ban ơn cho người bệnh như nhiều nơi vẫn có, mang tính định hướng về y đức?
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch: Đúng thế. Tất nhiên, để động viên anh em làm tốt công việc, không thể giáo điều, mà mấu chốt là phải đảm bảo tương đối thu nhập cho cuộc sống của họ từ các nguồn dịch vụ trong khám chữa bệnh chất lượng cao. Đặc biệt, chúng tôi công khai và công bằng về thu nhập. Từ lãnh đạo đến nhân viên đều hưởng theo năng suất lao động, nên không xảy ra tỵ nạnh, mất đoàn kết. Chúng tôi quán triệt trong toàn khoa là không ai được nhận phong bì của người bệnh. Là lãnh đạo, tôi càng phải gương mẫu.
Chỉ những trường hợp đã ra viện, muốn cảm ơn tinh thần phục vụ tận tình của thầy thuốc, chúng tôi mới nhận, nhưng nhập vào quỹ chung của tập thể, hoặc Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo để làm từ thiện, chứ tuyệt đối không cá nhân nào được hưởng riêng. Với những bệnh nhân nghèo, những bệnh nhân là nông dân, Khoa tuyệt đối không nhận phong bì.
Nhưng nếu xảy ra vi phạm, ông sẽ xử lý thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch: Ngay từ đầu, Khoa PTCS đã xây dựng quy chế để từng thành viên đọc, góp ý và khi đã đồng thuận, là thực hiện nghiêm. Theo đó, ai nhận phong bì của bệnh nhân, thậm chí, chỉ cần quát người nhà bệnh nhân, chứ chưa phải bệnh nhân, cũng phải tự giác rời khỏi Khoa.
Việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bệnh với phương châm chu đáo hết mình, đã tạo nên uy tín cho Khoa PTCS, nên người bệnh luôn đến rất đông và đều được chúng tôi phục vụ tận tình: Mỗi ngày, chúng tôi khám cho khoảng 150-200 bệnh nhân, chưa kể số điều trị ở Khoa và các BV vệ tinh.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch: Tôi nghĩ rằng, do không công bằng về kinh tế. Có thể thu nhập chỉ tập trung ở một số người, còn hầu hết nhân viên không có gì. Nếu tôi là lãnh đạo, tôi nhận phong bì, tất nhiên, các bác sĩ, điều dưỡng cũng sẽ làm theo. Vì thế, đã đưa chủ trương gì thì lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện và phải nghĩ việc cho họ làm để tăng thu nhập, trả lại công sức họ bỏ ra thỏa đáng.
Xin cảm ơn ông!