Ô nhiễm môi trường: Thủ phạm gia tăng các dị tật bẩm sinh ở trẻ em

Thứ Sáu, 31/10/2008, 17:51
Các chất kim loại nặng, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá đang được thải ra môi trường hàng ngày góp phần làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn, rối loạn phát triển thần kinh, dị tật và ung thư ở trẻ em.

Ngày 27/10, bác sỹ Phạm Ngọc Thanh - Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho hay, tuy chưa có một nghiên cứu cụ thể nào tại TP HCM chứng tỏ sự liên quan giữa môi trường có tác động tới bệnh tật ở trẻ em nhưng thời gian qua Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày càng tiếp nhận nhiều trẻ có dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và chậm phát triển tâm thần, trong đó có rối loạn ngôn ngữ và tự kỷ ở trẻ dưới 5 tuổi.

Những chất làm ô nhiễm môi trường như khí thải độc hại, cyanure sinh ra từ khai thác vàng bừa bãi, nước thải độc hại không được xử lý… Những công trình nghiên cứu của thế giới được công bố gần đây cho biết hiện có tới 85.000 hóa chất tổng hợp được sản xuất.

Và trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị nhiễm độc nhiều hơn người lớn khi thở, ăn, uống hoặc vui chơi trong môi trường không đảm bảo. Một trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước nhiều gấp 7 lần người lớn, trong khi một trẻ từ 1 đến 5 tuổi ăn gấp 3-4 lần theo cân nặng so với người lớn.

Các chất kim loại nặng, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá đang được thải ra môi trường hàng ngày góp phần làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn, rối loạn phát triển thần kinh, dị tật và ung thư ở trẻ em.

Mối quan tâm nhất hiện nay của các bác sĩ nhi khoa đó là ảnh hưởng của môi trường trên sức khỏe trẻ em từ trong bụng mẹ đến tuổi vị thành niên. Có rất nhiều chất có thể gây ảnh hưởng làm dị tật thai nhi.

Ngoài một số thuốc có thể xuyên qua lá nhau như thalidomide và dietilstilbestrol được phát hiện vào những năm 1950 và 1960, còn có các chất như: polycyclic aromatic hydrocarbone (trong khói thuốc lá), thủy ngân và rượu. Chúng có thể dễ dàng thẩm thấu qua lá nhau.

Thai nhi chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá từ trong bụng mẹ sẽ bị ảnh hưởng trên đường hô hấp và có nguy cơ ung thư phổi khi trở thành người lớn sau này.

Trẻ chơi đùa trên nền đất, nước, không khí bị ô nhiễm sẽ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ.

Bên cạnh đó, một số hóa chất như chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu… cũng ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe trẻ em. Ô nhiễm chì có thể làm cho trẻ có chỉ số thông minh thấp, khó diễn đạt tư tưởng, rối loạn chú ý và hành vi. Ngoài ảnh hưởng trên hệ thần kinh trung ương, chì có thể tác động trên hệ niệu và sự tổng hợp hemoglobin và gây thiếu máu. 

Ngoài nguồn thủy ngân tự nhiên, thủy ngân còn được dùng trong sinh hoạt của con người như trong xí nghiệp điện tử và chất tẩy trắng. Chất thủy ngân khi được xả vào sông ngòi và đại dương sẽ đi vào thức ăn như cá chẳng hạn. Thủy ngân là độc tố đối với não đang phát triển. Trẻ bị nhiễm độc thủy ngân trong bụng mẹ tùy mức độ gây giảm trí thông minh, chậm nói, có trí nhớ và tập trung kém, gây bại não và chậm phát triển tâm thần nặng.

Ngoài ra còn thuốc trừ sâu đang được dùng vô tội vạ trong các gia đình ở nông thôn, vùng ven có ảnh hưởng tác hại lâu dài trên sức khỏe con người qua ô nhiễm đất, nước và thực phẩm. Những nguy cơ có thật đó là gây ung thư, rối loạn hành vi, giảm lượng tinh trùng đưa đến vô sinh.

Khói xe cũng như khói từ các xí nghiệp đang thải ra trong các thành phố lớn có thể ảnh hưởng trên phụ nữ mang thai gây hư thai, cân nặng lúc sinh thấp, rối loạn nhận thức, viêm hô hấp, hen suyễn ở trẻ em và ung thư ở người lớn.

Ghi nhận cho thấy 3 loại bệnh: hen suyễn, ung thư và rối loạn phát triển thần kinh trên trẻ em đang gia tăng đáng kể trong vòng 10 năm qua. Trong đó tỉ lệ trẻ dưới 18 tuổi mắc bệnh suyễn đã tăng gấp đôi tại Mỹ cũng như ở nhiều nước phát triển. Các loại bệnh ung thư máu tăng 30%, ung thư vú tăng 39,6%, ung thư tinh hoàn tăng 68%, và rối loạn phát triển thần kinh trong trẻ tăng khoảng 6%...            H.Nga

.
.
.