Ô nhiễm không khí, tiếng ồn đã ở mức báo động

Thứ Hai, 14/07/2008, 10:48
Khói, bụi, tiếng ồn do lượng phát thải của các loại phương tiện giao thông đã ở mức báo động và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân thành phố nói chung và lực lượng CSGT nói riêng. Nhưng cho đến nay, lực lượng này vẫn chưa được hưởng trợ cấp mặc dù phải thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại.

Đánh giá về chất lượng không khí ven đường qua hệ thống quan trắc không khí tự động và bán tự động của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) thành phố cho thấy "Chất lượng không khí và tiếng ồn từ năm 2000 đến nay đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, nồng độ chất ô nhiễm như bụi và benzen thường tập trung cao trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao như Hùng Vương, Điện Biên Phủ, ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp…".

Theo kết quả đánh giá của Tổ chức CAI - ASIA năm 2007 vừa qua, chất lượng không khí ở TP Hồ Chí Minh mặc dù vẫn đạt 50 - 60 điểm (thang điểm 100) nhưng hàm lượng chất độc hại có trong không khí như SO2, NO2, O3, CO, chì… do các trạm quan trắc đo được rất nhiều.

Trong đó vượt chuẩn cho phép là bụi lơ lửng ở các trục đường giao thông, đây cũng chính là tác nhân gây nên các bệnh về đường hô hấp và ung thư phổi. Số lượng ôtô, xe máy gia tăng một cách nhanh chóng và tình trạng kẹt xe thường xuyên trong khu vực nội thành, trên các tuyến quốc lộ và tuyến xuyên tâm thành phố thời gian qua càng khiến môi trường không khí, khói bụi và tiếng ồn trên nhiều tuyến đường phố thêm trầm trọng.

Theo kết quả quan trắc ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố quý I-2008, ô nhiễm không khí đã vượt chuẩn từ 1,3 - 2,9 lần, đặc biệt có những ngày nồng độ trung bình vượt chuẩn đến 4,3 lần. Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 27/6 mới đây cũng cho thấy: "Ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh chiếm 50% tổng lượng các chất gây ô nhiễm của toàn vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam".

Trước thực trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn đã ở mức báo động, để tự bảo vệ mình, mỗi người dân thành phố khi đi ra đường đều tự trang bị khẩu trang. Mặc dù theo khuyến cáo thì các loại khẩu trang được làm bằng vải mỏng hiện nay hoàn toàn không có tác dụng vì không ngăn được bụi nhỏ và các loại khí độc nhưng cũng giảm bớt được phần nào lượng khói, bụi phải hít vào phổi.

Phải làm việc liên tục 8-10 tiếng/ngày trên đường, nhất là vào những giờ cao điểm khi mật độ phương tiện giao thông dày đặc; hít khói, ngửi bụi trên đường thường xuyên nên tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CSGT  - Công an thành phố mắc bệnh nghề nghiệp về đường hô hấp là khá cao.

Kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ (2 năm/lần) của y tế Phòng CSGT ĐB năm 2007 cho thấy trong số 973 cán bộ, chiến sỹ được khám, đã có 599 người bị bệnh về tai mũi họng, chiếm 58,9%; có 185 người mắc bệnh về đường hô hấp, chiếm 18,19%.

Năm 2006, bác sỹ Trương Văn Sáu ở Bệnh viện Công an thành phố đã thực hiện một đề tài khảo sát các bệnh liên quan đến bệnh nghề nghiệp của các lực lượng nghiệp vụ Công an thành phố. Với CSGT, kết quả khảo sát ngẫu nhiên đối với những cán bộ, chiến sỹ có thâm niên làm nhiệm vụ trên đường từ 5 năm trở lên, tỷ lệ mắc bệnh viêm họng mãn tính là 48,25%; viêm xoang mũi lên đến 67,16%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bác sỹ Trương Văn Sáu cũng chỉ ra rằng: "Do thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, nắng, hít thở không khí nóng và khô".

Một đồng chí CSGT đã có thâm niên trên 10 "bám" mặt đường vừa mổ xoang lần thứ 2 cho biết: "Làm việc những lúc trời mưa tuy ướt và lạnh một chút nhưng còn đỡ, ngày nắng, hơi nóng từ mặt đường bốc lên hầm hập, hít không khí nóng và khói bụi muốn chín phổi, rát họng. Công việc suốt ngày ở ngoài đường như thế này, ai không bị bệnh viêm họng, viêm xoang mũi và cháy nắng mới là chuyện lạ".

Khói, bụi, tiếng ồn do lượng phát thải của các loại phương tiện giao thông đã ở mức báo động và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân thành phố nói chung và lực lượng CSGT nói riêng. Nhưng cho đến nay, lực lượng này vẫn chưa được hưởng trợ cấp mặc dù phải thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại.

Trong lúc giải pháp chủ yếu để giảm lượng khí thải độc hại là phải giảm được lượng phương tiện cá nhân tại thành phố hiện nay là chưa khả thi, thì cần có một chế độ chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt đối với cán bộ, chiến sỹ CSGT

Đ.T.
.
.
.