Ở chung cư cao tầng, cháy đến chân không biết(!)

Chủ Nhật, 02/05/2010, 10:10
Phát hiện có cháy, một gia đình hoảng hốt đập cửa các gia đình cùng tầng dậy để chạy xuống tầng một. Thế nhưng những hộ ở tầng trên vẫn ngon giấc bởi hệ thống chuông báo động đã không được "kích hoạt", còn hệ thống âm thanh toàn tòa nhà đã được lắp đặt nhưng chưa sử dụng lần nào.
>>Hà Nội: Tổng kiểm tra công tác PCCC chung cư

Sau vụ cháy chung cư 18 tầng JSC34 tại đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, khiến 2 mẹ con thiệt mạng, các cơ quan chức năng mới "giật mình" siết chặt việc kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, an toàn PCCC tại các chung cư cao tầng tại Hà Nội. Thực tế thật đáng lo ngại.

Chủ quan, tê liệt thiết bị chữa cháy

Kết quả kiểm tra bước đầu nhà chung cư từ 10 tầng trở lên trên địa bàn Hà Nội, do Phòng Cảnh sát PCCC chủ trì, với sự tham gia của các Sở, ngành chức năng như Kế hoạch đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc... đã được tiến hành từ đầu tháng 4-2010 đến nay cho thấy một bức tranh màu xám về PCCC.

Mới đây nhất, đã bùng nổ bức xúc của người dân sống tại chung cư cao cấp mới xây 20 tầng ở 172 Ngọc Khánh, quận Ba Đình khi xảy ra sự cố cháy chảo dầu nhà hàng Cosmos tại tầng 2 vào rạng sáng 10/4.

Chuyện là khoảng 2h30' sáng, một gia đình ở tầng 6 phát hiện ngọn lửa bùng ra từ tầng 2. Nỗi ám ảnh sau vụ cháy chung cư 18 tầng JSC đã khiến gia chủ hoảng hốt dắt díu cả nhà, đồng thời đập cửa các gia đình hàng xóm cùng tầng dậy để chạy xuống tầng một. Thế nhưng những hộ ở tầng trên vẫn ngon giấc không hay biết gì, bởi hệ thống chuông báo động đã không được "kích hoạt", còn hệ thống âm thanh toàn tòa nhà đã được lắp đặt nhưng cũng chưa sử dụng lần nào.

Thượng tá Nguyễn Đình Bính - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC cho biết: Việc không lắp đặt hệ thống âm thanh tại nhiều chung cư cao tầng như trên, là một thiếu sót nguy hiểm bởi trong trường hợp xảy ra cháy, lực lượng bảo vệ tòa nhà sẽ không có cách nào để thông báo nhanh nhất cho tất cả người dân sống trên các tầng cao. Ngoài tác dụng "báo động", hệ thống âm thanh này còn phát huy tác dụng hướng dẫn người dân tìm đường thoát nạn.

"Nếu tòa nhà JSC34 được lắp đặt hệ thống âm thanh này thì hôm xảy ra cháy, lực lượng bảo vệ có thể thông báo về tình trạng vụ cháy, hướng dẫn người dân ở trên các tầng cao có nhiều khói  bình tĩnh ở lại nhà thì có thể, không xảy ra 2 cái chết thương tâm của mẹ con chị Vương Lan Phương”.

Bên cạnh đó, vấn đề bố trí lực lượng bảo vệ, có nghiệp vụ về PCCC hiện nay ở các chung cư cao tầng còn quá mỏng, đặc biệt vào buổi tối. Một số vụ cháy xảy ra, do thiếu người, lại mải tập trung vào việc bảo vệ tài sản nên lực lượng bảo vệ đã không làm đúng quy trình xử lý các vụ cháy.

Xe thang không phải là phương tiện cứu hộ trong các vụ cháy chung cư.

Phải học để tự cứu mình

Trở lại tòa chung cư 18 tầng JSC34 trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Gần 2 tháng trôi qua, trong khi cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ cháy cũng như trách nhiệm của những người có liên quan, nhịp sống bình thường đã trở lại nơi đây.

Anh Nguyễn Huy Long, P1412 đơn nguyên A cho biết: "Sau vụ cháy, ý thức phòng giặc hỏa của các công dân sinh sống tại đây đã nâng cao hơn rất nhiều. Ngoài việc được Ban quản lý tòa nhà tập huấn, tuyên truyền quy định phòng cháy, thoát hiểm khi có sự cố, điều quan trọng là mỗi gia đình đều tự tìm hiểu kiến thức về PCCC vì chúng tôi xác định: Hãy tự cứu chính bản thân mình trước".

Từ đó đến nay, ở chung cư này đã chấm dứt tình trạng trẻ con, hoặc người lớn vô ý thức sử dụng chuông báo cháy khẩn cấp để đùa nghịch như trước kia. Bà con còn phổ biến cho nhau kinh nghiệm của 2 bố con người Hàn Quốc dùng khăn mặt ướt để thở khi có khói xộc vào nhà...

"Rõ ràng khi nghiệm thu thiết kế tòa nhà có vấn đề. Trách nhiệm xử lý những sai phạm thuộc về cơ quan chức năng, còn người dân chúng tôi chỉ mong muốn cuộc sống ở chung cư này sẽ ngày càng tốt hơn" - anh Long bày tỏ.

Trung tá Lê Phi Hùng, Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội, cho biết, cần xem xét trách nhiệm của các đơn vị chủ đầu tư đối với công tác PCCC. Thực tế khi thi công công trình, do kinh phí dành cho việc mua sắm trang thiết bị PCCC chiếm một khoản không nhỏ trong khi lại không sinh lời nên các chủ đầu tư thường giảm thiểu, thậm chí đầu tư theo dạng nhỏ giọt, đối phó.

Trong tương lai, Hà Nội chắc chắn sẽ ngày càng nhiều các khu đô thị mới, số lượng nhà cao tầng theo đó ngày càng gia tăng. Không có lý gì khi chủ đầu tư thu tiền về từ việc bán nhà, khai thác các dịch vụ trong khu đô thị đó mà lại không bỏ tiền ra đầu tư mua sắm các trang thiết bị PCCC hiện đại, có tính lâu dài để đảm bảo an toàn cho chính khu đô thị đó.

Trước những bất cập trên, trong quá trình thẩm duyệt các công trình cao tầng, Cảnh sát PCCC đã yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư không được thiết kế các hộp kỹ thuật và phòng không có chức năng trong buồng thang bộ.

Ý thức PCCC của người dân là hết sức quan trọng

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội cảnh báo, xe thang chữa cháy của Cảnh sát không phải là phương tiện cứu hộ. Để đảm bảo an toàn cho chính mình khi sinh sống tại các khu chung cư cao tầng, người dân cần hợp tác chặt chẽ với Ban quản lý thực hiện đúng nội quy PCCC đối với nhà cao tầng, tham gia các hoạt động diễn tập PCCC, cứu hộ cứu nạn, có ý thức tìm hiểu những vấn đề liên quan đến công tác PCCC của tòa nhà mình sinh sống. Cần hết sức chú ý khi sử dụng lửa trần như đun nấu, đốt vàng mã...

Hương Vũ
.
.
.