Nước ngập, người tiêu dùng bị "chặt chém"
Khát rau!
Bắt đầu từ 15h ngày mùng 1/11, mưa đã ngớt, người dân Hà Nội đã bắt đầu toả ra đường sau hai ngày bị "bó gối" trong nhà. Các con phố vẫn ngập trắng, các hộ gia đình cũng lục đục “be bờ” để tát nước ra khỏi nhà.
Nước đã rút ở một số con phố chính, và theo quan sát của chúng tôi, từng đoàn người với chiếc xe thồ mà người ta quen gọi là cánh "hai sọt một xe" chở rau xanh và các nhu yếu thực phẩm nối đuôi nhau từ phía ngoại thành vào nội thành Hà Nội. Có thể thấy, lúc này nhu cầu về thực phẩm tươi sống và nhất là rau xanh được đặt lên số 1. Trong hai ngày trời mưa như trút nước thì hầu hết nhiều nhà dân đã chuẩn bị bữa ăn mà thiếu đi món rau xanh.
Nhà bác Phạm Tất Bình, ở trong khu tập thể Thanh Xuân ngán ngẩm cho biết: "Trong hai ngày mưa lụt, tất cả gia đình vợ chồng con cái đều không đi ra khỏi nhà mà đi làm được. Khu tập thể của bác Bình ở địa thế khá trũng nên ngay ngày mưa đầu tiên đã bị ngập chìm ngỉm trong biển nước. Mọi sinh hoạt và đi lại của khu tập thể bị tê liệt hoàn toàn. May lắm đến bữa ăn một số người cố gắng đội mưa, dùng chiếc thuyền mủng để bơi ra phía ngoài mua rau cỏ và một số đồ dùng sinh hoạt cho gia đình và cho cả một số hộ gia đình trong khu tập thể....".
Cũng vì mưa nên hầu hết các thực phẩm tươi sống như rau, tôm cá và cả thịt đều khan, một số nhà vì không mua được đã chấp nhận nhai mì tôm thay cho cơm. Khổ nhất là cánh sinh viên ở mấy trường như ĐH KHXH & Nhân Văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Hà Nội... không những các em phải sống trong cảnh nước ngập, nhà lụt mà hầu hết các đồ dùng trong các phòng trọ đều bị ướt hết. Cơm không nấu được mà ăn...
Theo quan sát của chúng tôi, tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, lác đác đã có người dọn hàng bày bán, nhưng đông đúc nhất vẫn là các mặt hàng phục vụ cho bữa ăn tối như cá, thịt, rau, gạo...
Tại khu chợ Xanh - Thanh Xuân, một trong những chợ đầu mối sầm uất nhất tại Hà Nội, sau 2 ngày vắng bóng người vì mưa lớn và ngập nước, đến chiều tối mùng 1/11 đã họp trở lại. Mặt hàng bán chạy nhất vẫn là rau xanh, rau xanh tràn ngập các chỗ, đủ các loại rau như: rau cải, rau muống, rau bí... Nhưng giá cả thì lại… trên trời.
Bình thường, một mớ rau muống ngon chỉ có giá 3000đ, 4000đ, nhưng hôm nay người bán đã hét cái giá 15.000, thậm chí có chỗ đã bán đến 20.000/mớ. Trăm người bán thì phải có đến vài vạn người mua, người bán thì tha hồ mà la, mà chửi cũng đắt hàng, người mua thì đành nhắm mắt để mua được 1 mớ hoặc nửa mớ để chống cháy mấy ngày không được ăn rau xanh...
Thi nhau chặt chém!
Cho đến tận chiều tối chúng tôi vẫn thấy từng đoàn người "hai sọt một xe" chở rau muống ùn ùn về các chợ đầu mối ở Hà Nội để bán, đông nhất vẫn là người dân ở huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh ngoại thành Hà Nội. Rồi các người dân ở các huyện Lương Sơn, Sơn Tây... cũng thi nhau chở rau về Hà Nội. Một số nơi xa, người dân đã đánh cả xe tải nhỏ để chở rau về bán ở các nút giao thông, các con ngõ, các tuyến phố, các khu tập thể đông dân cư ở nội thành Hà Nội.
Người mua thì đông, nhu cầu đòi hỏi nhiều, cầu vượt cung nên được dịp người bán cứ thế là đội giá lên để bán. Chị Phí Thị Thanh Yến, vừa bán hết một xe thồ rau cho chúng tôi biết: "Bình thường xe rau của chị phải lay lắt bán cả ngày mới hết, nhưng chỉ trong có 30 phút chiều nay chị đã bán hết nhẵn, thu tiền không kịp...".
Được biết, những hôm bình thường xe rau của chị Yến chỉ lãi được 50.000đ đến 100.000đ là hết cỡ, nhưng hôm nay chị đội giá lên để bán và đã thu về được 600.000, 700.000đ...
Không chỉ có những người bán lẻ như chị Yến, một số gia đình ở Thường Tín đã đánh hẳn một xe tải nhở chở toàn rau đi bán đã lãi vài triệu chỉ trong có vài tiếng đồng hồ...