Nước mắt nghề đi biển

Thứ Sáu, 03/07/2009, 18:15
Theo thông tin từ UBND xã Ngư Lộc, con số thống kê về những người trên biển là rất lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2008, dù là một năm không có nhiều biển động nhưng cũng có đến 15 người chết, một trường hợp bị gãy chân và 50 phương tiện bị thiệt hại…

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) giọng chùng xuống, đôi mắt đượm buồn khi nói với chúng tôi về nghề đi biển của bà con ngư dân ở vùng quê nghèo này.

Ông Huấn cho hay: "Ngư Lộc là xã ven biển, không có đất nông nghiệp nên chỉ có nghề duy nhất là đánh bắt và chế biến hải sản. Người dân ở Ngư Lộc từ bao đời qua chỉ gắn bó với biển, biển là nguồn sống duy nhất ở đây. Nghề đi biển mang lại miếng cơm manh áo cho người dân, học hành cho con em họ. Biển mang lại niềm vui nhưng cũng lấy đi nhiều mất mát, đau thương không gì có thể bù đắp được…".

Ngư dân chuẩn bị cho một chuyến đi đánh bắt xa bờ.

Xã Ngư Lộc có diện tích 0,47 km2, 3.000 hộ với tổng số nhân khẩu lên tới hơn 1,7 vạn người. Đến Ngư Lộc vào thời điểm này đang là mùa đi biển nên đường làng, ngõ xóm vắng vẻ hơn những gì mà người dân địa phương miêu tả về nơi có mật độ dân số lớn nhất cả nước này. Không có một tấc đất nông nghiệp nên bao đời nay, người dân Ngư Lộc sống nhờ vào biển.

Đi một vòng quanh xã, đường sá hầu hết đã được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên san sát khó có thể nói rằng đây là địa phương vẫn còn đến 40% tỷ lệ hộ đói nghèo. Biển đã nuôi dưỡng bao thế hệ người dân nơi đây. Cái vị mặn mòi của biển khơi như đã thấm đẫm, ăn sâu vào từng thớ đất, con người trên mảnh đất này.

Khoác lên mình tấm áo hào nhoáng nhưng Ngư Lộc không thể giấu được bao nỗi đau mà những người dân vùng biển nơi đây phải gánh chịu. Không khỏi thương tâm khi nghe con số thống kê từ UBND xã Ngư Lộc, chỉ trong vòng hơn chục năm, kể từ cơn áp thấp nhiệt đới 1996 (trận áp thấp cướp đi 43 sinh mạng của ngư dân) đến nay tổng số ngư dân thiệt mạng trên biển đã lên tới con số cả trăm người. Đằng sau những tai nạn rủi ro đó là hàng trăm cảnh đời bất hạnh. Nhiều người vợ gặp cảnh góa phụ, nhiều đứa trẻ lâm cảnh mồ côi.

Trong căn nhà xập xệ, chị Nguyễn Thị Thêm, 43 tuổi, thôn Bắc Thọ, một góa phụ, mẹ của 7 đứa con còn nheo nhóc, nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai, đôi mắt ngấn lệ, chị kể lại hoàn cảnh éo le của mình: Chồng chị, anh Nguyễn Văn Thủy là ngư dân chuyên đi đánh bắt xa bờ. Trước ngày 10/7/2008, chị Thêm cũng như bao người phụ nữ ở vùng biển này đều chu đáo chuẩn bị cho chồng mọi nhu cầu cần thiết trước một chuyến đi đánh bắt xa bờ. Và rồi chỉ một tuần sau khi anh ra khơi, chị nhận được tin anh đã thiệt mạng do rơi xuống biển khi tàu đánh cá đang chạy lúc gần sáng. Có lẽ giữa biển khơi mênh mông, tiếng kêu cứu của anh không được hơn chục con người làm việc trên tàu nghe thấy để ứng cứu kịp thời.

Sau đó, khi đã xác định tai nạn, tàu quay lại tìm kiếm nhưng không thấy thi thể của anh. Gia đình cùng địa phương đã tổ chức tìm kiếm đến cả tháng trời nhưng cũng vô vọng. Từ lúc mất anh, lao động chính trong nhà, gia đình chị càng lúc càng rơi vào túng quẫn.

Không một tấc đất nông nghiệp, không có nghề phụ, mẹ con đành rau cháo sống qua ngày. Ba đứa lớn đi làm thuê, bốn đứa còn lại thì quá nhỏ. Đứa út năm nay mới 7 tuổi. Chúng đi học cũng phải nhờ một phần hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Khuyến học và bà con xóm giềng.

Theo thông tin từ UBND xã Ngư Lộc, con số thống kê về những người  trên biển là rất lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2008, dù là một năm không có nhiều biển động nhưng cũng có đến 15 người chết, một trường hợp bị gãy chân và 50 phương tiện bị thiệt hại. Đáng chú ý, trong đó có vụ tàu TH90697TS bị mất tích mang theo cả 10 ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc trăn trở, tỷ lệ đói nghèo trong xã còn cao bởi người dân phụ thuộc vào biển. Được mùa biển thì còn có miếng cơm chứ gặp năm biển mất mùa thì đều đói dài dài. Còn những gia đình có người chết do tai nạn liên quan đến nghề đi biển trong xã hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Quan niệm của người dân vùng biển này là giàu con thì giàu của, phải có con trai để nối dõi tông đường nên hầu hết đều rất đông con. Mặc dù rất được sự quan tâm của các cấp, các ngành nhưng đó cũng chỉ là trước mắt.

Ngoài đê biển cuối giờ chiều lộng gió, cái nắng không còn gay gắt, nhiều ngư dân vẫn đang hối hả chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết cho một chuyến đi đánh bắt xa bờ và chấp nhận đối mặt với bao nguy hiểm giữa biển khơi. Mong sao trời sẽ mãi yên, biển lặng để họ trở về cùng cá đầy khoang

Phan Hoạt - Trần Huy
.
.
.