Nữ giám đốc ngồi xe lăn, cưu mang gần 100 người khuyết tật

Thứ Bảy, 25/04/2015, 09:39
Hình ảnh nữ giám đốc ngồi xe lăn vật lộn với công việc để đảm bảo cuộc sống cho gần 100 người khuyết tật và 600 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác đã khiến mọi người rất cảm động. Đó là bà Vũ Thị Kim Hòa (53 tuổi), ngụ tại hẻm 1/2, đường Phan Châu Trinh, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Giám đốc Công ty TNHH Dệt len Trúc Quỳnh.

Năm lên 3 tuổi, cơn sốt ác tính đã khiến cho đôi chân của Vũ Thị Kim Hòa không làm tròn nhiệm vụ, mặc dù những năm sau đó, gia đình đã bán gần như tất cả của cải tích cóp được đưa bà đi khắp nơi điều trị. Không đầu hàng số phận, lớn lên, bà Hòa vẫn đều đặn đến trường, theo học hết chương trình phổ thông trên chiếc xe lăn. Học xong lớp 12, không thể thực hiện mơ ước vào đại học, bà Hòa liền tính đến chuyện tự lập nghiệp bằng nghề đen móc len. Một mình bà tìm tới cơ sở dệt may dành cho người khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh để học nghề. Vốn sẵn có đam mê, năng khiếu thêu đan, móc len từ nhỏ, chỉ sau 3 tháng, bà đã trở thành một người thợ lành nghề, có nhiều sáng tạo độc đáo trong những sản phẩm.

Bà Vũ Thị Kim Hòa.

Ngày đầu lập nghiệp, người bình thường đã khó, là người khuyết tật, bị liệt hai chân, khó khăn với bà gấp bội phần. Vốn liếng của người phụ nữ đặc biệt này là hai bàn tay trắng. Bà Hòa phải nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ, xin những sợi len mà mẹ bà chưa dùng tới, đan thành một, hai sản phẩm như khăn quàng cổ, nón len, áo len... rồi đem bán lấy tiền mua thêm len. Những sản phẩm đầu tiên lạ lẫm, đẹp mắt nên nhanh chóng được nhiều người thích thú, tin dùng. Bà Hòa nhớ lại: “Sau khi bán các sản phẩm tôi tích góp được số vốn ban đầu 200.000 đồng đủ để may mười chiếc áo len. Do một mình làm sẽ không thể phát triển nhanh, nên tôi quyết định nhận năm người khuyết tật về làm chung. Với sản phẩm mười chiếc áo len đầu tiên, chúng tôi đem bán và xoay vòng mua nguyên liệu làm tiếp”. Tích góp từng ít một, năm 2007, HTX Hữu Hòa ra đời trong căn nhà gỗ rộng 20m2.

Thế nhưng, sản phẩm làm ra sau đó đã lâm vào ế ẩm. Bà Hòa lại cùng chiếc xe lăn rong ruổi nhiều nơi để chào hàng. Bà chia sẻ: “Lúc đầu khó khăn lắm, nhiều người e ngại chất lượng sản phẩm do người khuyết tật làm ra. Tôi phải năn nỉ, cam đoan, thậm chí sẽ bồi thường gấp ba nếu sản phẩm không đạt chất lượng họ mới mua”.

Thấy bà vất vả, nhưng lại có tấm lòng cưu mang những người cùng cảnh ngộ, thầy Linh Toàn (chùa Vạn Hạnh, Đà Lạt), liền tặng hai máy đứng kéo gấu, ba máy dệt ngồi và chiếc máy trợ thính cho một nhân viên nhằm tăng năng suất lao động.

Một người khuyết tật làm việc tại cơ sở của bà Hòa.

Trong khi đầu ra cho sản phẩm vẫn không mấy sáng sủa, bất ngờ một ngày có đơn hàng từ Campuchia trị giá 200 triệu đồng cho hai mặt hàng truyền thống: áo nữ có thêu hình bông mai trên túi và áo nam cổ tim thêu hình móng ngựa ở ngực trái. Cánh cửa thị trường ngoài nước hé mở, bà Hòa bắt tay vào đa dạng mặt hàng từ dệt kim tới đan tay với hàng trăm mã hàng khác nhau: áo, khăn, nón, dép, đồ chơi, móc khóa, miếng lót...

Để đưa các sản phẩm đi xa, bà Hòa quyết định thành lập Công ty TNHH Dệt len Trúc Quỳnh. Công việc làm ăn với nghề đan len không dễ. Bà Hòa kể lại: “Vào khoảng 2010, chúng tôi bị ăn cắp ý tưởng sản phẩm, hàng không bán được phải chất đầy kho...”.

Không chịu khuất phục trước những khó khăn, bà Hòa tìm mọi cách để giúp công ty vươn lên bằng việc cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Bà tổ chức nhiều cuộc thi tay nghề sáng tạo trong xưởng để tìm ra các ý tưởng mới, độc và lạ. Ngoài ra bà còn trực tiếp dạy học các lớp đào tạo kỹ thuật nâng cao cho nhân viên. Từ đây, các mẫu độc quyền về ý tưởng, phức tạp trong thiết kế có sự kết hợp cả dệt máy và đan bằng tay lần lượt ra đời: áo móc tay hình sóng, áo cánh dơi hình sóng, mũ tuần lộc hình nổi, biểu tượng linh vật cỡ lớn... Cũng từ đây, sản phẩm của công ty không chỉ được người tiêu dùng trong nước tin dùng mà nhiều cơ sở ở nước ngoài đã liên hệ đặt hàng với số lượng lớn.

Không những nhận những người khuyết tật, mồ côi, những người nghèo và tạo công ăn việc làm cho họ, bà Hòa còn cho ăn ở tại các cơ sở dệt len của mình, tận tình dạy nâng cao cho họ. Chị Phạm Thị Mỹ Phượng (27 tuổi) bị khiếm thính, còi xương, quê ở Quảng Nam, sau khi được bà Hòa chỉ dạy, nay có thể tự làm ra nhiều sản phẩm như móc khóa, nón len, áo len... mang về 2,5 triệu đồng/tháng cho gia đình. Lê Bùi Thảo Tâm (19 tuổi) bị bệnh down đã có thể tự mình làm việc, thậm chí làm rất giỏi. Chị chia sẻ: “Cô Hòa rất tốt, cô nhận em vào làm và dạy tận tình cách dệt len để tự em có thể nuôi sống bản thân mình”.

Hiện Công ty TNHH Dệt len Trúc Quỳnh có hơn 700 công nhân, với gần 100 người khuyết tật. Cơ sở phân bố khắp các huyện trong tỉnh, ở Sài Gòn, Hà Nội... Ngoài tạo ra nhiều mặt hàng “độc và lạ”, công ty còn tham gia các chương trình từ thiện như may áo ấm tặng các chiến sĩ ngoài đảo xa, trẻ em nghèo, mồ côi cơ nhỡ...

Bây giờ ngoài niềm vui được chứng kiến công ty ngày càng phát triển, đào tạo được nhiều thợ may đan lành nghề, kiếm được nhiều đơn hàng và tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, lạ, bà Hòa còn hạnh phúc bên chồng và đứa con gái hiện đang học lớp 7.

Kim Ngân
.
.
.