Nữ chỉ huy thời chiến, vận động xây nhà tặng đồng đội thời bình

Thứ Tư, 02/11/2011, 12:22
Một thời chiến tranh bom đạn, hàng trăm nữ TNXP "vai trăm cân, chân vạn dặm" gùi gạo, cõng đạn, khiêng thương binh đã đưa tên tuổi "Tiểu đoàn Bà Thao" vang dội khu V khúc ruột miền Trung. Và khi đất nước thanh bình, năm tháng đi qua, người chỉ huy "Tiểu đoàn Bà Thao" ngày trước vẫn lặng thầm giúp đỡ đồng đội còn nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường...

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đầu năm 1969, Tiểu đoàn vận tải 232 (Cục Hậu cần Quân khu V) được thành lập, chị Phạm Thị Thao được giao nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng, chỉ huy trên 400 nữ TNXP là những cô gái tuổi vừa mười tám, đôi mươi, mang trong tim bầu nhiệt huyết cách mạng, không quản ngại hy sinh, gian khổ, lăn lộn trong mưa bom, bão đạn vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược ra chiến trường cho bộ đội đánh giặc; khiêng thương binh về tuyến sau điều trị...

Ngày ấy, quân và dân khu V đã gọi Tiểu đoàn vận tải 232 bằng cái tên thân mật, trìu mến, xen lẫn niềm tự hào: "Tiểu đoàn Bà Thao". Chị Thao nhớ lại: "Tui thoát ly gia đình tham gia cách mạng lúc tuổi chưa tròn 19, công tác tại Tổng đội TNXP Quảng Đà; sau đó được cấp trên điều chuyển sang làm Đại đội trưởng của Tiểu đoàn Bắc Hải. Lúc Tiểu đoàn vận tải 232 thành lập, tui đã 25 tuổi và được giao nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng...".

Bùi ngùi nhớ lại một thuở thanh xuân cùng đồng đội "vai trăm cân, chân vạn dặm" trên khắp nẻo đường Trường Sơn mưa ngàn, thác lũ, chị Thao nói: "Chúng tôi là phụ nữ, nhưng ngày ấy đã chất lên vai những kiện hàng nặng trăm cân ra tiền tuyến, không một ai quản ngại hy sinh, gian khổ vì tất cả đều mong sao chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại cho quê hương không còn bị tàn phá bởi bom đạn kẻ thù, đồng bào của mình không bị giặc sát hại nữa...".

Cũng với ý chí đó nên trong những năm tháng giặc rải chất độc dioxin phá trụi rừng núi, mùa màng; càn quét bao vây, dẫn đến thiếu đói cho đơn vị; dù chỉ ăn rau, củ rừng, các chị vẫn vận chuyển lương thực cho bộ đội với phương châm "gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Chỉ tính giai đoạn 1969-1972, "Tiểu đoàn Bà Thao" đã vận chuyển trên 9.000 tấn hàng các loại, góp phần tô thắm truyền thống "Kiện tướng hành lang, gương mẫu, đảm đang, chân đồng vai sắt"...

Chị Phạm Thị Thao trong lễ quy tập hài cốt các nữ liệt sĩ TNXP.

Bây giờ đã bước sang tuổi 61, tóc điểm bạc mấy phần; song tình cảm đối với đồng đội năm xưa vẫn cháy mãi trong tim chị Thao. Chiến tranh đi qua, trừ 58 trường hợp hy sinh, còn lại đa số lính của "Tiểu đoàn Bà Thao" sống chật vật với đời thường. Rất nhiều người trong chiến tranh đã gửi lại tuổi con gái nơi chiến trường nên thời hòa bình phải sống trong cảnh côi cút; có chị vì muốn có con lo cho tuổi xế chiều liều tự túc kiếm con. Vì thế, cuộc sống đã nghèo càng thêm khó bội phần. Kể lại hoàn cảnh những đồng đội phải thiếu ăn, thiếu mặc, sống tạm bợ trong những căn chòi xập xệ, chị Thao không cầm được nước mắt...

Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Hữu ở phường Minh An, TP Hội An. Chị Hữu tự túc sinh được cháu trai, song éo le thay cháu bé lại nhiễm chất độc da cam từ mẹ, bị dị tật, nằm một chỗ. Đói nghèo, bệnh tật, bao năm qua mẹ con chị Hữu chưa có được một ngôi nhà ấm cúng. Từ đó, chị Thao đi khắp nơi vận động quyên góp kinh phí xây tặng chị Hữu một ngôi nhà kiên cố. Tương tự, chị vận động xây dựng nhà tặng cho chị Trần Thị Thiền ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc (Quảng Nam); chị Trần Thị Nghiêng ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng...

Tổng cộng chị đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng gần 20 ngôi nhà tình nghĩa cho đồng đội. Bên cạnh đó, chị còn vận động hỗ trợ hàng trăm suất quà cho những gia đình khó khăn khác. Thêm một ngôi nhà mới, thêm một phần quà  giúp đỡ cho các cựu TNXP còn khổ cực, người chỉ huy một thời chiến tranh trận mạc như thấy lòng mình ấm lại...

Không chỉ vậy, khi được biết trong số nữ TNXP của Tiểu đoàn vận tải 232 hy sinh ngày trước, còn 5 trường hợp chưa đưa về nghĩa trang quê nhà, chị Thao lại bôn ba đi tìm những đồng đội còn sống để cùng xác minh địa điểm chôn cất các liệt sĩ và tổ chức di dời về nghĩa trang chôn cất, mồ yên, mả đẹp. Với người sống chu đáo, với người hy sinh cũng vẹn toàn; tình cảm của chị Thao với các nữ cựu TNXP càng thắm đượm... Một thời chiến tranh đấu cật, chung lưng đánh giặc, một thời hòa bình vẫn giữ mãi tình đồng chí, đồng đội, chia ngọt, sẻ bùi với nhau trong cuộc sống đời thường. Tình cảm và nghĩa cử cao đẹp đó của chị Phạm Thị Thao thật đáng trân trọng!...

Long Vân
.
.
.