Nữ bác sĩ và những áp lực... biết tỏ cùng ai

Thứ Sáu, 07/03/2014, 09:07
Có mặt tại Khoa cấp cứu, Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương (Hà Nội) khoảng 1 giờ đồng hồ, trong tiết trời se lạnh nhưng tôi vẫn toát mồ hôi trước sự bận rộn và nỗi sợ hãi mơ hồ ở nơi đây. Bận rộn vì các bác sĩ luôn tay sử dụng các thiết bị y tế để khám, cấp cứu người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch; mơ hồ sợ hãi vì lo bị phơi nhiễm một mầm bệnh nào đó trong môi trường đầy những người mắc bệnh nan y…

“Các em khẩn trương, cấp cứu ở giường số 5…” - mệnh lệnh phát ra từ PGS.TS Quách Thị Cần, Phó Giám đốc Viện Tai  - Mũi - Họng Trung ương, kiêm Trưởng khoa Cấp cứu B7, đúng lúc chị đưa tôi đi thăm một số ca bệnh nặng và có hoàn cảnh éo le thì phát hiện tình huống khẩn cấp. Lập tức, một số bác sĩ từ phòng trực nhanh chóng có mặt, áp dụng các biện pháp cấp cứu, giành lại sự sống cho một con người đang ở khoảnh khắc mong manh sống – chết. Đó là chị Quàng Thị Iệc (45 tuổi, trú tại bản Nà Cạn, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La). Xộc xệch trong bộ quần áo bệnh nhân, chị Iệc nằm như dính xuống giường, riêng phần cổ và đầu cứ rướn lên và khò khè thở. Từ vết mổ tại vùng cổ của chị Iệc phun ra những dịch nhày lẫn máu... Thấy nguy cấp, bác sĩ  Cần xắn tay cùng các đồng nghiệp nỗ lực cấp cứu bệnh nhân. Sau khoảng 7 phút được các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, chị Iệc đã hết khó thở và qua được cơn nguy kịch.

“Bệnh nhân này vừa ra khỏi phòng mổ lúc 12h30’ trưa nay (5/3). Đây là ca bệnh khá phức tạp, bệnh nhân có tiền sử lao phổi nên trong lúc phẫu thuật, tôi luôn phải nhắc các y bác sĩ hết sức thận trọng, tránh bị phơi nhiễm. Ca mổ khá phức tạp, kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ. Lẽ ra chúng tôi không tốn nhiều công sức và thời gian như vậy nếu gia đình bệnh nhân có tiền mua stent (một thiết bị chuyên dùng để nong đường thở bị hẹp). Vì không có loại vật tư đặc chủng này (trên 10 triệu đồng/chiếc) nên chúng tôi đã phải tự tạo ống gắn khí quản (cắt đoạn) để đặt nong. Chính vì vậy mà mất nhiều thời gian nối, khâu, song vẫn tiềm ẩn rất nhiều tai biến so với khi bệnh nhân được đặt stent. Nhưng họ là bệnh nhân rất nghèo, lấy đâu ra từng ấy tiền” - bác sĩ Cần băn khoăn lý giải.

Các bác sĩ đang nỗ lực cấp cứu chị Quàng Thị Iệc.

Thấy em gái đã qua cơn nguy kịch, người phụ nữ mang dáng vẻ gầy gò và lam lũ là chị Quàng Thị Họp (chị gái của chị Iệc) tỏ ra cám cảnh phận nghèo của hai chị em: “Gia đình tôi là dân tộc Thái. Em tôi ốm yếu từ nhỏ, không có chồng con. Khoảng năm 2012, em tôi đi khám và phát hiện bị bệnh lao. Nhà nghèo nhưng mắc bệnh nặng vẫn không thể không chữa. Chị em tôi dắt díu nhau về Hà Nội chữa bệnh lao hơn một năm trời. Thế nhưng, theo các bác sĩ nói, vi trùng lao đã phá hỏng, làm chít hẹp khí quản của em tôi. Vì thế, sức khỏe nó yếu lại càng yếu vì rất khó thở. Khi nhập Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, chị em tôi chắt bóp mãi mới được 2,5 triệu đồng đóng tiền kí quỹ”. Rồi bằng giọng nói đặt sệt của người vùng cao, chị thật thà kể: “Nói thật với chú, chúng tôi rất biết ơn bác sĩ Cần và các y, bác sĩ ở đây, nhưng cũng chỉ biết nói lời cảm ơn thôi”…

Trái ngược với nỗi ưu tư của chị Quàng Thị Họp là hình ảnh tíu tít chuẩn bị xuất viện của chị Thèn Thị Sơn và con gái Thèn Thị Thoa (12 tuổi). Hai mẹ con là người dân tộc Thu Lao, trú tại xã Na Nối (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Dù vẫn còn phải đeo ống thở ở trên cổ, nhưng bé Thoa nhìn khá xinh tươi. Chị Sơn cho biết: “Ba năm trước, bỗng dưng cháu nhà tôi ho ra máu. Tôi đưa cháu lên Bệnh viện huyện Bắc Hà khám thì được chẩn đoán bị hen phế quản, điều trị mãi cháu vẫn không khỏi. Khi đó, các bác sĩ nói làm tôi rụng rời chân tay: “Ở đây chữa thế là hết cách rồi. Chị phải đưa cháu về Hà Nội thì mới chữa được!”. Gia đình tôi đành đứa cháu về Hà Nội và được các bác sỹ Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương chẩn đoán cháu có khối u ở khí quản”. Bác sĩ Cần giải thích thêm: “Tuy là khối u lành nhưng nếu không được xử lí sớm, nó sẽ phát triển và làm cho cháu bé có thể tử vong bất cứ lúc nào do đường thở bị bít lấp”. Sau ca phẫu thuật, bé Thoa đã qua khỏi tình trạng nguy hiểm và tiến triển tốt. Hai tháng nữa, bé sẽ trở lại Viện để các bác sĩ kiểm tra, nếu mọi việc tiến triển tốt thì bé sẽ được đóng lỗ mở khí quản và trở lại sinh hoạt bình thường.

Ôm lấy bác sĩ Cần như một người ruột thịt lâu ngày gặp lại, chị Thèn Thị Sơn rơm rớm nước mắt cảm ơn các y, bác sĩ nơi đây đã cứu con chị thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Tôi hỏi, thế chị cảm ơn các bác sĩ như thế nào? Chị Sơn cười thèn thẹn: “Hai tháng nữa đưa cháu về khám lại, em sẽ mang một can rượu Bắc Hà về làm quà biếu các bác sĩ!”. Bác sĩ Cần nắm chặt tay chị Sơn rồi giục: “Hai mẹ con làm thủ tục ra viện nhanh lên còn kịp ra Mỹ Đình bắt xe khách!”. Tôi tiếp tục cùng bác sĩ Cần đi thăm một số bệnh nhân. Hầu hết họ đều nghèo khó và gặp tai nạn kinh hoàng, tính mệnh vẫn chưa hết nguy hiểm. Có người bị tai nạn giao thông phải thở máy lâu, đường thở bị hỏng hết; có người đi xe máy bị vướng vào bó dây điện, đứt cuống họng… Mỗi người là một số phận và đều là những bệnh nhân phải chuyển về tuyến cuối. 

Khi thăm xong các bệnh nhân và cùng bác sĩ Cần ra khỏi phòng cấp cứu, tôi mới dám thở mạnh và cảm thấy toàn thân rã rời vì những gì đã phải chứng kiến. Làm báo, đã nhiều lần đi lấy tư liệu tại các bệnh viện, phải vào cả phòng mổ, những khu vực dễ lây nhiễm… nhưng mãi tôi vẫn chưa quen và luôn cảm thấy sờ sợ. Vậy mà các bác sĩ vẫn hằng ngày tiếp xúc, cứu chữa người bệnh, làm đẹp hơn cuộc đời này. Dẫu đâu đó còn có điều tiếng, còn bị phàn nàn, thậm chí vi phạm pháp luật, song các bác sĩ vẫn là những người đáng trân trọng và nghề y quả thực là một trong những nghề gian khổ nhất, cao quý nhất…

PGS.TS Quách Thị Cần, Phó Giám đốc Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương:

Nghề y quá vất vả, nhất là với phụ nữ chúng tôi. Mọi tiêu chí phấn đấu, trách nhiệm với công việc (như việc ứng trực, đi công tác đột xuất…), chúng tôi đều bình đẳng với anh em nam giới.

Trong khi, chúng tôi còn trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Nhiều áp lực không phải lúc nào cũng dễ nói, dễ được thông cảm. Chỉ mong xã hội hiểu đúng và đánh giá đúng đóng góp của chúng tôi.

Trần Duy Hiển
.
.
.