Nông dân ở Hà Nội lao đao vì trồng rau an toàn

Thứ Ba, 20/03/2007, 14:17
Nhu cầu sử dụng rau an toàn ở Hà Nội rất nhiều nhưng nhiều nông dân ở Hà thành lại lao đao khi rau được sản xuất theo quy trình sạch lại không tìm được đầu ra. Rau an toàn (RAT) phải bán cùng rau thường với giá tương đối rẻ...

Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã xây dựng một đề án về sản xuất và tiêu thụ rau giai đoạn 2006-2010 với mục đích đến năm 2010, đưa 80% diện tích sản xuất rau đảm bảo an toàn. Làm thế nào để thay đổi thói quen cũng như gỡ bỏ hoài nghi của người tiêu dùng để khi mua bất kỳ sản phẩm rau nào, người tiêu dùng cũng yên tâm đó là RAT?

Trồng rau an toàn - bán rau thường

Mưa phùn kéo dài nhiều ngày nay càng làm cánh đồng RAT của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cự Khối (HTX Cự Khối), quận Long Biên tươi tốt hơn. Thế nhưng, cùng với niềm vui được mùa, bà con nông dân ở đây phải đối mặt với khâu "xuất" thật nặng nề.

Anh Lê Đình Tiến - một nông dân có tiếng về chịu thương chịu khó nhất nhì HTX cho biết: "Chỉ cách cây cầu Thanh Trì này thôi, nhưng RAT ở Lĩnh Nam bán với giá thành rất cao so với rau của chúng tôi. Tuy là RAT nhưng chúng tôi chỉ bán với giá rau thường".

Cũng như anh Tiến, 98 hộ nông dân của HTX Cự Khối đều rất phấn khởi khi đầu năm 2006, quận Long Biên đầu tư hệ thống nhà lưới, cấp nước và cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất RAT rộng 5,1ha. Có cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) về hướng dẫn, giám sát quy trình sản xuất RAT, bà con nông dân đều rất hăm hở đi học lớp IPM (phòng trừ tổng hợp) ba tháng với quyết tâm cao và hy vọng tràn trề.

Thế nhưng, đến mùa thu hoạch, quảng bá đây là RAT của Cự Khối thì người tiêu dùng đều thờ ơ, thậm chí là hoài nghi. Theo ông Phạm Bá Chăm, Chủ nhiệm HTX Cự Khối thì địa chỉ tiêu thụ RAT của HTX là chợ Thạch Bàn, chợ làng và đến được chợ lớn như chợ Bắc Qua (nhưng chỉ bán lẫn lộn với rau thường vì người tiêu dùng không tin là RAT) thì quả là lãng phí lớn.

Trong khi nhu cầu sử dụng RAT của người dân Hà Nội rất lớn, thì tại nhiều vùng sản xuất RAT của Thủ đô lại không tiêu thụ được? Nhiều nông dân sản xuất RAT như Đặng Xá, Lệ Chi, Văn Đức (Gia Lâm), Thanh Xuân (Sóc Sơn)… tìm đầu ra rất khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội thì trồng RAT phải đầu tư công sức, năng suất một số loại giảm hẳn, chi phí sản xuất rất cao như đậu, đỗ, dưa chuột, nếu bán với giá thành thấp như hiện nay, nhiều nông dân không trụ vững được.

Vậy, việc phát triển bền vững cho vùng RAT ở Cự Khối, Lệ Chi, Thanh Xuân… có thực hiện được? Theo bà con nông dân ở Cự Khối thì nguyên nhân dẫn đến đầu ra khó khăn là do vùng RAT của họ còn mới, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường, chưa ký được hợp đồng với một trường mầm non hay bếp ăn tập thể nào.

Nhật ký sản xuất rau an toàn

"Nhật ký sản xuất rau"- đó là chuyện rất mới mẻ bởi từ xưa đến nay chưa ai làm việc đó. Nhưng tới đây, các hộ nông dân khi sản xuất RAT hàng ngày đều phải ghi nhật ký. Đây chính là một phần của đề án mà Chi cục BVTV xây dựng từ nhu cầu bức thiết của người tiêu dùng. Ghi nhật ký chính là cách hướng tới quản lý sản phẩm tận gốc.

Khi người tiêu dùng sử dụng rau sẽ biết sản phẩm này bón bao nhiêu lần phân, thời gian bón cuối cùng là lúc nào, phun thuốc gì?  Để đảm bảo tính trung thực, Chi cục BVTV sẽ kiểm tra đột xuất. Tóm lại, đề án này sẽ giải quyết được vấn đề "nóng" nhất hiện nay của người dân Thủ đô là vào năm 2010, người tiêu dùng có thể mua rau ở chợ hay bất kỳ cửa hàng, siêu thị nào cũng yên tâm về chất lượng và giá cả.

Đề án này cũng dần tháo gỡ hoài nghi của người tiêu dùng khi 80% diện tích sản xuất rau của Hà Nội là đảm bảo an toàn. Cách đây 6 năm, dự án thí điểm mô hình sản xuất RAT rộng 3ha ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai) đạt hiệu quả tốt, đến nay Hà Nội đã cấp 27 giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất RAT. 

RAT đang bán giá cào bằng, một số địa phương chưa có hợp đồng cung cấp rau ổn định, không có "khiếu" kinh doanh, phải bán cùng rau ngoài thị trường nên không thúc đẩy được sản xuất. Nhiều vùng sản xuất còn thụ động, chưa quảng bá được thương hiệu, thậm chí còn chưa thâm canh gối vụ để có sản phẩm liên tục.

Theo ông Ngô Mạnh Cường, Chủ tịch UBND phường Cự Khối thì phường đã liên hệ với một số trường mầm non, công ty TNHH chuyên làm cơm suất để tìm đầu ra cho bà con. Quận Long Biên cũng hứa dành một gian hàng ở chợ lớn để cho bà con bày bán.

Thiết nghĩ, để phấn đấu đến năm 2010, hơn một nửa người tiêu dùng Hà Nội được sử dụng RAT, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Theo bà Hoa thì tới đây sẽ thành lập Ban chỉ đạo sản xuất RAT của xã, phường và đến năm 2010, xã, phường phải trực tiếp quản lý và chỉ đạo, Chi cục BVTV và các cơ quan chức năng khác chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

Đề án này sẽ buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc, tránh tình trạng thờ ơ như trước kia. Nhưng ngoài quảng bá thương hiệu thì khâu quan trọng nhất vẫn là chất lượng rau và quản lý chặt việc bán RAT ra thị trường

Trần Hằng
.
.
.