“Nóng” chuyện đề bạt cán bộ, chạy chức chạy quyền
Nạn "Chạy chức, chạy quyền" được đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) chất vấn ngay khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đăng đàn tại QH. Đại biểu bức xúc, việc để tái diễn tệ "chạy chức, chạy quyền", bằng thật, kiến thức giả, không đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực nhưng nhờ chạy giỏi nên vẫn được thăng chức, đề bạt, Bộ trưởng có biết không, vì sao chưa được chấn chỉnh?
Không dùng đến văn bản giải trình, không báo cáo dài dòng, nhiều ý, nhiều giải thích, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn vắn tắt ngay các nội dung đại biểu gửi câu hỏi chất vấn trước đó. Phần trình bày trước khi chất vấn trực tiếp của Bộ trưởng Trần Văn Tuấn thực sự cải cách khi rất ngắn gọn, chỉ hết có 50% thời gian cho phép (10/20 phút).
"Chạy chức, chạy quyền" được đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) chất vấn ngay. Đại biểu bức xúc, việc để tái diễn tệ "chạy chức, chạy quyền", bằng thật, kiến thức giả, không đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực nhưng nhờ chạy giỏi nên vẫn được thăng chức, đề bạt, Bộ trưởng có biết không, vì sao chưa được chấn chỉnh? Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết đang sắp xếp lại quy trình đề bạt cán bộ, "chúng ta đang tiến hành làm với quy trình chặt chẽ, có thể nhận định khái quát việc làm đó được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, chọn được đội ngũ cán bộ tốt".
Ông cũng thừa nhận, tình trạng chạy chức, chạy quyền là có, đã được nêu trong nhiều báo cáo, ở nhiều cấp, nhiều ngành. "Quan điểm của chúng tôi là phải thực hiện nghiêm túc thông qua quy trình công tác cán bộ, quy hoạch, lấy ý kiến cơ sở, đề bạt phải công khai, dân chủ" - Bộ trưởng thẳng thắn.
Ông đề nghị đại biểu Cuông có thể đưa ví dụ người chạy chức, chạy quyền đó là ai để xem xét xử lý. Còn việc bằng thật, kiến thức giả (chứ không chỉ bằng giả), Bộ trưởng thừa nhận đó là thực tế.
Đại biểu Lê Văn Cuông chất vấn thêm, việc cân nhắc, đề bạt cán bộ trên văn bản là đúng, chẳng hạn như quy định vai trò tập thể, dân chủ, bỏ phiếu... Tuy nhiên, ông nói, thực tế áp dụng lại không dễ như vậy. "Không ai chạy chức chạy quyền lại đi đến báo cáo Bộ trưởng mà đây là hoạt động ngầm, phải xem xét nghiêm túc mới phát hiện ra được". Ông cũng lấy ví dụ thực tế ở Bệnh viện Bắc Ninh, rồi nguyên Bí thư thị xã Tây Ninh liên quan đất đai, bị kỷ luật nhưng sau đó lại được đề bạt làm giám đốc sở...
Trước vấn đề hết sức nóng và nhạy cảm này, dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng giải thích đây là ý đại biểu dẫn chứng chứ không phải chất vấn, do đó việc trả lời hay không tuỳ vào Bộ trưởng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn: "Tôi thừa nhận trong đề bạt cán bộ có những tiêu cực và thực tế cũng không chỉ có 2 ví dụ như đại biểu nêu".
Chế độ tiền lương, tuyển dụng, đề bạt cán bộ cũng được nhiều ý kiến chất vấn. Nhiều đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ mở rộng hình thức thi tuyển công chức, thực hiện công khai, đúng quy trình, không nên quá chú trọng bằng cấp gây tệ học giả, bằng thật, kiến thức giả! "Bộ Nội vụ cũng muốn có được bộ máy làm được việc, nhưng cần có chính sách để tạo các cấp, các ngành sắp xếp, giảm biên chế cho phù hợp" - Bộ trưởng giải thích về chất vấn giảm biên chế sau khi nhiều Bộ đã sáp nhập nhưng đầu mối trực thuộc lại không giảm.
Ông thừa nhận phải tổ chức thi mới đánh giá đúng năng lực còn không thể dựa bằng cấp để chọn đầu vào. Trong luân chuyển cán bộ, cũng có những vị trí dù không gắn chức vụ, quyền hạn nhưng cũng phải luân chuyển nhằm ngăn ngừa tham nhũng. Tất nhiên, việc luân chuyển phải không làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: điều chỉnh chính sách để bác sĩ gắn bó hơn với bệnh viện công!
Trả lời chất vấn về bảo hiểm y tế tự nguyện liên quan Thông tư liên tịch số 06, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận nhiều quy định trong Thông tư 06 không phù hợp, cụ thể như quy định 10% số dân trong xã phải mua bảo hiểm y tế và 100% thành viên trong hộ gia đình tham gia, tức là nói tự nguyện nhưng lại đưa ra sự ràng buộc. Lý do để có nhiều người mua bảo hiểm y tế, gây quỹ lớn hơn. "Lý giải này về mặt tài chính học thì đúng nhưng xã hội học là không đúng, tôi hứa sẽ sửa đổi" - Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận.
Trong nhiều chất vấn của đại biểu về xử lý rác thải, nước thải bệnh viện, câu hỏi đặt ra: Vì sao bệnh viện lại bán ra ngoài, liệu trách nhiệm có phải chỉ riêng nhân viên y tế? Trách nhiệm của Bộ trong các vụ việc này ra sao, vì sao vụ việc kéo dài mà Bộ không biết (đại biểu Phan Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Kim Bé). Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng có sự sơ hở, yếu kém trong xử lý rác thải, tuy nhiên theo Bộ trưởng, nguyên nhân có phần do thiếu kinh phí nên chưa thể có hệ thống xử lý rác thải đảm bảo tiêu chuẩn.
Giá thuốc và chính sách đối với cán bộ y tế, tiếp đó là vấn đề y đức của đội ngũ y, bác sĩ cũng liên tiếp được đề cập trong các chất vấn người đứng đầu Bộ Y tế. "Bác sĩ cũng có bác sĩ tốt, bác sĩ xấu, tinh thần cũng phải gạn đục, khơi trong" - Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nói. Nhưng ông cũng thừa nhận nhiều vấn đề không dễ dàng giải quyết. Trong lĩnh vực y tế cũng vậy, nhiều cái muốn bãi bỏ nhưng phải xem toàn diện.
Trong khám, chữa bệnh, ông cũng thừa nhận việc đại biểu nêu nhiều cơ sở y tế không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau là có. Riêng chuyện nhiều y, bác sĩ bỏ bệnh viện công ra làm tư hoặc làm trong bệnh viện công nhưng thời gian chủ yếu lại làm tư, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận đó là thực tế do thu nhập từ bên ngoài cao hơn nhiều.
Còn giải pháp? Bộ trưởng cho rằng, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ép buộc mà phải đi từ chính sách, phải điều chỉnh chính sách phù hợp để bác sĩ gắn bó hơn với công việc tại các bệnh viện công.
"Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ ở Bộ Y tế được vài tháng, thời gian còn ngắn, đây là lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nhưng Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn và tự tin, bày tỏ rõ thái độ, việc gì hứa sẽ làm, làm như thế nào, việc hứa đi hứa lại nhiều lần cho thấy Bộ trưởng rất tự tin. Còn nội dung trả lời có đại biểu hài lòng, có đại biểu chưa hài lòng...". (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế).
"Bộ trưởng Trần Văn Tuấn phụ trách lĩnh vực con người, tổ chức, cán bộ, lĩnh vực phong phú nhưng rất khó. Về phần trả lời chất vấn có hai lĩnh vực, thứ nhất là kiện toàn cơ quan tổ chức của Chính phủ phải tiếp tục. Thứ hai là chế độ chính sách với cán bộ cơ sở, cần phải cố gắng thực hiện sớm, nếu làm tốt sẽ tạo động lực phát triển. (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)