Nỗi truân chuyên chưa dứt của Vua Bà

Thứ Bảy, 18/04/2009, 18:43
Sau những thông tin rộ lên về việc ngôi đền Rồng thờ vua Lý Chiêu Hoàng đã có từ hơn 700 năm nay bị phá bỏ hoàn toàn xây mới, rất nhiều người dân sống tại Đình Bảng, Bắc Ninh đã phản ánh với Báo CAND, theo họ, ngôi đền này từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã qua rất nhiều lần trùng tu, mở rộng, xây lại. Hoàn toàn không còn bóng dáng của ngôi miếu nhỏ như xuất tích ban đầu. Vậy, sự thật về niên đại của ngôi đền này thế nào và có hay không việc phá dỡ một di tích lịch sử có giá trị văn hóa, kiến trúc cổ kính?

Miếu cổ đã mất từ đầu thế kỷ 20

Chúng tôi đến tìm gặp Nhà giáo nhân dân - Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, người đã dành thời gian hàng chục năm tìm hiểu, nghiên cứu và là tác giả cuốn sách Di tích lịch sử văn hóa đền Đô (Đình Bảng, Bắc Ninh) và được ông cho biết, người dân nơi đây vẫn truyền khẩu nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác về sự tích ngôi đền Rồng nằm trong quần thể cụm di tích lịch sử văn hóa Đình Bảng (Bắc Ninh).

Tương truyền, khi vua bà Lý Chiêu Hoàng qua đời ở tuổi 62, cảm thương và nhớ ơn cuộc đời một vị vua truân chuyên, người dân Đình Bảng đã quyên góp tiền xây một ngôi miếu nhỏ nằm ở phía Tây của làng. Ngôi miếu được xây nằm giữa khu rừng Báng trồng toàn cây lim.

Đến đầu thế kỷ 20, nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Yên Thế và những người trốn thoát trong vụ Hà Thành đầu độc năm 1908, đều chạy về khu rừng Báng ẩn nấp. Người Pháp định phá hoàn toàn khu rừng Báng để tiêu diệt nghĩa quân và giao đất cho một chủ đồn điền Pháp.

Vì không muốn Đình Bảng bị mất đất, một người dân trong làng là cụ Nguyễn Tiến Hường, đang làm quan Nam triều đã xin với Phủ Toàn quyền Đông Dương để người dân tự phá rừng làm ruộng. Ngôi đền cũng bị người Pháp phá hoại năm 1919.

Năm 1921, cụ Nguyễn Tiến Hường đã bỏ tiền túi để xây lại ngôi miếu thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng. Nhưng với ý nghĩ cấp tiến, miếu chỉ là nơi thờ những người có số phận đặc biệt, còn Lý Chiêu Hoàng đã từng là một vị vua triều Lý, sau này bà đã góp công trong việc đánh bại quân Nguyên Mông nên ông Hường quyết định xây thành ngôi đền rộng hơn, với những chi tiết kiến trúc cách tân như mái hiên tây, tường hoa chắn mái. Miếu Rồng có tên là Long Miếu Điện từ đó. Năm 1936, cụ Chánh Chuy (Chánh tổng Đình Bảng) đã cho trùng tu lại ngôi đền thờ nhưng vẫn giữ nguyên theo mẫu của cụ Nguyễn Tiến Hường.

Cổng đền Rồng mới được xây dựng từ năm 1995.

Chúng tôi cũng đã tìm đến nhà cụ Nguyễn Hữu Nung, người nhiều lần chứng kiến việc sửa chữa trùng tu và mở rộng ngôi đền Rồng. Dù đã 90 tuổi nhưng cụ Nung vẫn rất minh mẫn. Cụ cho biết, khi cụ còn nhỏ miếu Rồng rất bé, chỉ là hai gian tuềnh toàng.

Lời kể của cụ Nung cũng khớp với lời kể của NGND - AHLĐ Nguyễn Đức Thìn về chuyện cụ Hường chặt lim xây lại thành ngôi đền to hơn, thêm hẳn một nhà tiền tế rộng rãi. Cụ Nung khẳng định, sau lần trùng tu tiếp theo của ông Chánh Chuy, chính cụ là người cho thực hiện việc trùng tu trong thời gian cụ làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã…

Tiếp đó, khoảng năm 1995, cổng đền và toàn bộ phần tường bao được xây hoàn toàn mới. Một bằng chứng quan trọng nữa cho thấy, ngôi đền Rồng đang được phá dỡ để xây mới không thể có niên đại 700 năm là gạch được dỡ ra từ ngôi đền phần lớn là gạch có lỗ của Nhà máy Gạch Hưng Ký xưa (Nhà máy Gạch Cầu Đuống bây giờ) và gạch của Nhà máy Gạch Từ Sơn (Bắc Ninh). Như vậy, có thể khẳng định, không hề có sự tồn tại của ngôi đền cổ 700 năm.

Việc trùng tu đền Rồng có vi phạm Luật Di sản?

Là những người có dịp được thắp hương tại đền Rồng trước khi chính quyền và nhân dân phường Đình Bảng tháo dỡ để xây mới, chúng tôi đã từng chạnh lòng cho số phận hẩm hiu của vị vua nữ duy nhất trong lịch sử nước nhà.

Du khách tới thăm Đền Đô (còn gọi đền Lý Bát Đế), nơi thờ 8 vị vua nhà Lý thường thắc mắc: sao không có Lý Chiêu Hoàng tại đây. Những hướng dẫn viên giải thích rằng: Là vị vua cuối cùng, nhưng Lý Chiêu Hoàng đã để mất ngôi, khiến cơ nghiệp nhà Lý rơi vào tay họ khác nên bà bị ghẻ lạnh, không được thờ tự cùng chốn với các tiên vương. Lý Chiêu Hoàng cũng yên nghỉ đơn côi một mình ngoài đồng xa, mà không được nằm trong Lăng miếu tự, nơi có di hài của các vua nhà Lý.

Dân Cổ Pháp xưa (Đình Bảng ngày nay) thương cảm bà, mới lập miếu thờ tại thôn Long Vỹ (đuôi con rồng) để cúng lễ. Đền Rồng thường ngày nằm heo hắt bên cạnh xí nghiệp gạch của địa phương, quanh năm trong cảnh khói bụi.

Cũng không mấy người, trừ dân địa phương, và một số rất ít khách thập phương (mà thường là phụ nữ) biết tới sự hiện diện của ngôi đền nhỏ bé, cũ kỹ này. Gần đây, đền Rồng mới được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

Cụ Nguyễn Hữu Nung cho rằng, vì ngày trước còn nghèo, cuộc sống nhiều khó khăn, mà thủ tục cấp bằng di tích lại nhiêu khê nhiều phiền toái nên người dân chưa sẵn sàng. Cụ Nguyễn Hữu Nung nói thêm, "có hay không có tấm bằng đó, thì đền Rồng vẫn nằm trong tâm tưởng của người dân Đình Bảng, vẫn là chốn linh thiêng với người dân ở đây.

Nhân dân Đình Bảng chỉ mong lúc kinh tế khấm khá để góp công góp của xây dựng lại ngôi đền, lấy chỗ khang trang thờ phượng cho vua Bà đỡ tủi". Bởi thế, vốn quý nhất của đền Rồng chính ở "phần hồn", phần tâm tưởng của những người dân bình thường hướng tới một nhân vật có số phận truân chuyên bậc nhất trong lịch sử.

Ông Nguyễn Duy Nhất - Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng: Khi xây dựng hồ sơ (công nhận di tích cho đền Rồng - PV), tiêu chí chủ yếu là tưởng niệm danh nhân chứ không phải bảo tồn kiến trúc nghệ thuật, vì thực tế, kiến trúc của đền không còn gì đáng giá".

Điều 4 Luật Di sản văn hóa ghi rõ: Tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.

Theo chúng tôi, trên nền đất thiêng qua thăng trầm 700 năm có lẻ, người dân Đình Bảng hoàn toàn có thể tạo dựng ở đó một ngôi đền mới lấy chỗ cho chính mình và du khách thập phương qua lại, tưởng nhớ Lý Chiêu Hoàng.

Nhưng xây mới thế nào, ngôi đền của thế kỷ 21 mang vóc dáng thế nào để vừa tương thích với thời đại này, vừa không lạc lõng trong không gian văn hóa - di tích vốn đậm đặc âm hưởng truyền thống của tỉnh Bắc Ninh mới là điều mà những người có trách nhiệm cần quan tâm trước nhất.

Và đây không hẳn là vấn đề của riêng đền Rồng, mà còn là câu chuyện dài về trùng tu tôn tạo di tích đang được dư luận quan tâm lâu nay

Hương Sen - Ngọc Yến
.
.
.