Nỗi niềm từ làng “vọng phu” Pháp Cổ

Thứ Bảy, 14/09/2013, 09:47
“Làng... vọng phu”, cái tên đã từ rất lâu hàm chứa bao tủi cực cay đắng của những quả phụ ở ngôi làng nghèo Pháp Cổ, thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Thời điểm này, Pháp Cổ hầu như vắng bóng cánh đàn ông. Tiếp chúng tôi trong một chiều mưa nặng hạt, bà Đỗ Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, cả xã Lại Xuân hiện có hơn 200 phụ nữ góa chồng, trong đó, riêng làng Pháp Cổ chiếm trên 120 chị em.
>> Làng mất người vì khai thác đá

Trực tiếp xuống các xóm, người dân nói con số còn cao hơn nhiều. Chị Thân Thị Hảnh, ở xóm 5 thở dài buồn bã: “Pháp Cổ chúng tôi có tới quá nửa góa chồng. Xung quanh đây, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau có tới gần chục bà góa”.

Ông Bùi Văn Lân, người có 40 năm sống ở địa phương, dẫn chúng tôi qua một đoạn đường khoảng 500 mét thuộc thôn 7 mà đã nhẩm tính được hai bên có tới 21 bà góa. Tìm hiểu ngọn ngành, thì Pháp Cổ từ hơn 100 năm nay đã hình thành làng nghề khai thác đá. Người dân coi đá là “cơm núi”, không có đá thì không có việc làm, ắt thiếu cái ăn. Vì mưu sinh, suốt hàng thế kỷ qua, đàn ông trong làng ngày ngày cứ phải treo mình trên những vách núi như những... con nhện để làm việc trong sự rình rập của tử thần. Dân gian địa phương từng có câu: “Khi đi hùng dũng, khi về cáng khiêng”. Chỉ khi nào tan ca, cánh thợ đã về đủ mặt thì người thân họ mới yên tâm là chồng con mình an toàn. Không ai có thể quên được vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra hồi 10h40 ngày 21/5/2012, tại núi đá Trượt. Những thợ khoan vừa nhồi thuốc còn chưa kịp về nơi tập kết để đóng điện, bất ngờ mìn nổ dữ dội trước thời gian ấn định. 9 thợ đá thiệt mạng ngay tại chỗ. Ngày hôm đó, Pháp Cổ trắng khăn tang. Gần chục gia đình cùng lúc đã mất đi người con, người chồng, người cha thân yêu. Mới biết, cái nghề khai thác đá cực kỳ nguy hiểm đó đã đem về làng Pháp Cổ cả niềm vui việc làm nhưng cũng để lại biết bao đau thương, kinh hoàng, cùng cảnh góa bụa đối với nhiều thế hệ phụ nữ.

Tính mạng người công nhân vẫn treo trên những vách đá.

Người phụ nữ đầu tiên mà chúng tôi gặp ở xóm 7 là chị Đỗ Thị Chuyên, một thời hoa khôi Pháp Cổ. Năm 1998, đá lở đã cướp mất người chồng, bỏ lại cho chị Chuyên mới 22 tuổi ngày ấy hai đứa con thơ. Suốt 15 năm qua, Chuyên lận đận tại các công trường đá, bất kể nắng hay mưa, phải gắng làm thay cái nghề của chồng trước đây để nuôi con ăn học. Chị vẫn đẹp, nhưng trong sâu thẳm, trái tim người quả phụ này dường như cũng đã hóa đá vì quá vất vả. Chị kể với chúng tôi: “Ở làng Pháp Cổ này, nhiều người có hoàn cảnh như em”. Còn bà Nguyễn Thị Minh, 46 tuổi, người xóm 5, có chồng là ông Trần Văn Thuấn, từng làm thợ khoan cho một máng đá gần nhà, gặp tai nạn rủi ro, ông khuất núi đến nay cũng đã 17 năm. Nỗi đau về chồng chưa nguôi thì kế đó vài năm, em trai bà là Nguyễn Văn Hoàng, SN 1969, cũng tử vong trong khi đang khoan đá chôn mìn trên núi. Bà đau đớn tâm sự: “Đời góa cơ cực chẳng gì bằng. Một mình lam lũ xoay xở kiếm kế sinh nhai, mà nhiều lúc cứ nghĩ đến chị em khác thì nỗi buồn cứ dài đằng đẵng… Có lẽ chẳng gì có thể lấp đầy nỗi trống vắng, cô đơn trong lòng người phụ nữ góa suốt ngần ấy năm tháng.

Có trường hợp cả ba thế hệ trong một gia đình đều góa bụa, mà bà Ngô Thị Kim Tý, 72 tuổi, ở xóm 5 là một thí dụ. Thân phụ mất do tai nạn lao động phá đá, thân mẫu ở vậy nuôi con. Đến bà vẫn là bức ảnh sao chép y nguyên hoàn cảnh mẹ. Anh con trai út của bà là Nguyễn Văn Long, theo nghiệp cha ông cũng đã thiệt mạng ngay từ năm 32 tuổi tại một máng đá. Thế là chị Trần Thị Hậu, con dâu bà cùng phải sống cảnh góa bụa. Cực lòng hơn là cụ Nguyễn Thị Khiếu, 90 tuổi, ở xóm 5. Chồng mất sớm vì tai nạn, mình cụ lận đận nuôi 8 người con. Nghèo khó, các con chẳng được học hành đến nơi đến chốn, lớn lên họ không còn con đường kiếm sống nào khác thay cho nghiệp treo mình trên những vách đá để đào “cơm núi”. Cụ Khiếu còn nhớ như in từng cảnh tượng tai nạn lao động kinh hoàng xảy ra tại các máng đá của người làng Pháp Cổ ngày trước. 3 người con trai cụ cũng đã lần lượt nằm xuống, bỏ lại đằng sau những quả phụ trẻ, con thơ dại cùng gánh nặng gia đình chồng chất. Tới thăm gia đình con dâu thứ tư của cụ là quả phụ Bùi Thị Vi, cùng ở thôn 5, chúng tôi chứng kiến một gia cảnh thiếu vắng đàn ông. Ngồi trong nhà mà nhìn thấy cả trời cao, cửa nhà xuống cấp, mà chưa có tiền sửa chữa. Đến giờ bà Vi vẫn còn phải đi ở nhờ hàng xóm…

Thật thương tâm đối với nhiều chị em góa chồng còn rất trẻ như Nguyễn Thị Ngọc Út, 26 tuổi, ở xóm 5. Chồng là Nguyễn Tiến Anh không may tử vong trong vụ tai nạn đá năm 2012, khi đó Út còn đang mang thai đứa con bé, công nợ chồng chất. Giờ đây một nách 2 con thơ, nghề nghiệp không có, hỏi biết làm gì để sống, trả nợ và nuôi con. Chị em ở Pháp Cổ trước kia trông vào nghề khai thác đá của chồng, nay góa bụa phải xoay đủ nghề. Không ít chị em còn rơi vào “cơn bão hụi” vừa qua và đã bị lừa trắng tay. Kể không hết chuyện của hàng trăm “nàng vọng phu” nơi xóm nghèo miền núi Thủy Nguyên. Cuộc sống của họ hầu hết đều vô cùng khó khăn, khắc khoải và mong chờ sự chia sẻ của cộng đồng.

Người dân ở làng Pháp Cổ xưa nay chỉ dựa vào nghề khai thác đá thủ công, bởi năng suất canh tác rất kém, mà mỗi người chỉ có 1 sào ruộng. Trong khi đó, thực tế nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất xi măng ngày một cao, ngoài khai thác đá, người dân Pháp Cổ không còn nghề gì khác. Thế là một số máng đá bất chấp có hay không giấy phép, mìn vẫn nổ, vận tải vẫn tấp nập khi ý thức an toàn của người lao động chưa được nâng lên. Bằng chứng là trong khi lệnh ngừng khai thác đá của UBND TP Hải Phòng vẫn còn hiệu lực, thì mới đây, lực lượng Cảnh sát môi trường lại bắt quả tang nhiều vụ ngang nhiên khai thác trái phép tại khu núi Trượt. Đáng nói hơn, phương pháp kỹ thuật vẫn không được cải thiện để đảm bảo an toàn cho người lao động. Tính mạng những công nhân vẫn treo lơ lửng trên các vách đá để đánh đổi lấy từng bữa ăn cho gia đình. Ông Nguyễn Văn Gọng, một cựu chiến binh nghỉ hưu tại làng Pháp Cổ thốt lên: “Tình hình tai nạn lao động quá lớn, nhiều phụ nữ góa chồng khi còn rất trẻ. Mong Nhà nước giúp đỡ bà con cả về kỹ thuật, an toàn lao động và đảm bảo cuộc sống”. Đá rồi cũng sẽ hết, song nếu địa phương không có giải pháp quyết liệt, thì hệ lụy không chỉ là cạn kiệt tài nguyên, hoang tàn về cảnh quan môi trường, mà sẽ còn tiếp tục để lại trong xã hội những gia cảnh thương tâm. Người dân Pháp Cổ không muốn có thêm những quả phụ “hóa đá”...

Quốc Phòng - Văn Thịnh
.
.
.