Nỗi niềm người dân ở xóm “Việt kiều”

Thứ Hai, 06/10/2014, 19:18
Từ năm 2008, trên địa bàn ấp Bà Phá (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) có 14 hộ với 51 người là Việt kiều từ Campuchia trở về Việt Nam sinh sống. Họ là những người dân nghèo sống tạm bợ trong những túp lều xiêu vẹo dưới tán cây cao su. Đã gần 7 năm trôi qua, người dân ở xóm “Việt kiều” này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Người dân địa phương thường gọi đây là xóm “Việt kiều” 3 không: Không giấy tờ tùy thân, không đất đai canh tác, không việc làm ổn định.

Men theo con đường đất đỏ, cách UBND xã Long Nguyên chừng 4km, chúng tôi đến xóm “Việt kiều”. Ngoài một vài căn nhà lợp tôn cũ kỹ, còn lại là những túp lều đã rách nát, xiêu vẹo, xác xơ theo năm tháng. Tiếp chúng tôi trong một túp lều rộng khoảng 10m2, góc lều vắt một vài bộ quần áo cũ, nhàu nát. Chị Mai Thị Châu (38 tuổi) tâm sự: “Em cũng như nhiều hộ Việt kiều Campuchia ở đây đều không nhớ rõ quê gốc của mình ở đâu vì tất cả đều qua Campuchia từ rất nhỏ. Lớn lên ở bên ấy, em lấy chồng cũng là Việt kiều, sinh được 5 người con.

Ở nơi đất khách quê người nhưng chồng em không chịu làm ăn, suốt ngày uống rượu rồi tìm cách la chửi, đánh đập mẹ con em. Mẹ ruột của em năm nay đã gần 60 tuổi vẫn thường bị anh ấy la chửi. Phần cảnh chồng con, phần cuộc sống quá cơ cực, năm 2008, em đưa mẹ và các con về Việt Nam sinh sống. Ở đây, tuy vẫn khó khăn vì không có đất canh tác, không có hộ khẩu, các cháu không được đi học nhưng đến mùa thì đi mót mủ cao su, hết mùa thì đi lượm ve chai, mẹ con bữa đói bữa no nhưng không bị hành hạ, chửi mắng. Điều em cũng như cả xóm Việt kiều này mong mỏi nhất là chúng em được nhập hộ khẩu, có giấy tờ tùy thân để các cháu được đi học, chúng em xin được việc làm”.

Ông Phan Văn Khai (67 tuổi), theo cha mẹ sang Campuchia từ nhỏ, lấy vợ cũng là Việt kiều, sinh được 5 người con cũng nối tiếp ông cái nghiệp tha phương. Bây giờ tuổi đã xế chiều, không nhớ rõ gốc tích quê hương của mình ở tỉnh nào nên cũng theo một số gia đình di cư về đây sinh sống. Căn lều tạm bợ của gia đình ông Khai dựng ngay bên một lô cao su của dân địa phương nên chỉ lo khi người ta đến đuổi, biết tìm đâu ra chỗ ở?

Ông Khai không giấu được nỗi lo cuối đời: “Nay tôi đã già, sống nay chết mai. Chết thành ma không hồn vì đâu có giấy tờ nào chứng minh tên tuổi? Người già ở đây không sợ chết, nhưng sợ chết mà không có đất chôn. Nay đã xế chiều rồi tôi chỉ mong có được một tấm hộ khẩu, một giấy chứng minh nhân dân, chết được con cháu chôn cất đàng hoàng, không phải sống cuộc sống tầm gửi này mãi được”.

Các cháu ở xóm “Việt kiều”.

Những đứa trẻ ở xóm Việt kiều này, có đứa được sinh ra ở Campuchia, cũng có đứa được sinh ra ở đây, nhưng tất cả các cháu đều chịu chung một hoàn cảnh là cuộc sống kham khổ, khó khăn, không được học hành như các bạn cùng trang lứa. Việc được cắp sách tới trường như các bạn khác là điều không thể đối với các em chỉ vì không có em nào có giấy khai sinh.

Cháu Trần Thị Dung (12 tuổi) thắc mắc: “Tại sao vì không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu chúng cháu không được đi học như các bạn khác? Thế đến bao giờ chúng cháu mới có giấy tờ để đi học?”. Chị Phan Thị Liên – mẹ cháu Dung cho biết: “Đói khổ bao nhiêu gia đình cũng phải tạo mọi điều kiện để cho các cháu được đi học, được biết cái chữ nhưng mỗi khi năm học mới tới, chúng tôi đến trường xin cho cháu đi học thì đều bị nhà trường giải thích là không nhận được vì các cháu không có giấy tờ hợp lệ. Vì vậy, dù muốn bao nhiêu cũng đành phải để các cháu thất học thôi”.

Đem những trăn trở của người dân ở xóm “Việt kiều” đến UBND xã Long Nguyên, ông Võ Văn Trường - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đến lúc này, có 14 hộ với 51 nhân khẩu là Việt kiều ở Campuchia về địa phương sinh sống. Quê quán của họ hầu hết ở các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng…”. Từ nhỏ, họ theo gia đình sang Campuchia làm ăn nay cuộc sống khó khăn nên họ trở về đây sinh sống, không giấy tờ tùy thân, không đất đai canh tác nên cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Cái mà những Việt kiều ở đây cần thiết nhất là có giấy tờ hợp lệ để họ có thể tự do đi lại, con em họ được học hành, liên hệ tìm kiếm việc làm. Chính quyền xã đã làm công văn báo cáo và kiến nghị lên Công an huyện, Công an tỉnh để điều tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của họ để tìm cách giải quyết”.

Được biết, đầu năm 2014, Công an tỉnh Bình Dương đã có công văn báo cáo kết quả xác minh số người Campuchia đang cư trú tại xã Long Nguyên. Trong bản kê khai nhân khẩu mục quê quán, nơi sinh 14 hộ dân ở đây đều khai ở Campuchia về cư trú tại Việt Nam nên không ai có giấy tờ tùy thân. Công an tỉnh cũng đã đề xuất các biện pháp để công an xã hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu, nhập quốc tịch, rồi còn xem xét điều kiện thường trú theo quy định của pháp luật cho những hộ dân này. Nhưng, vụ việc vẫn đang gặp trở ngại lớn đối với Công an địa phương, bởi họ là những người Campuchia di cư về Việt Nam bằng con đường không chính thức, không ai có giấy tờ gì chứng thực về bản thân. Trước mắt, Công an địa phương có kế hoạch xác minh, nắm rõ nhân thân, nguồn gốc của những Việt kiều này để đảm bảo công tác an ninh trên địa bàn. Để có thể làm thủ tục nhập khẩu cho những Việt kiều này thì phải thông qua con đường ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia.

Rõ ràng, việc bảo đảm cuộc sống cũng như công nhận về pháp luật đối với những Việt kiều này là việc làm không dễ dàng, là bài toán nan giải cho chính quyền các cấp, công an tỉnh Bình Dương. Biết rằng là khó song chúng tôi mong mỏi và tin rằng chính quyền cũng như ngành chức năng ở Bình Dương quan tâm để những người dân ở xóm “Việt kiều” này nhanh chóng có được giấy tờ tùy thân hợp pháp để họ dần ổn định cuộc sống”

Ngọc Ánh
.
.
.