Nỗi niềm nghề làm đồ chơi truyền thống mùa Trung thu

Thứ Bảy, 22/09/2012, 16:00
Một năm một vụ, cứ sát đến Tết Trung thu, các làng nghề chuyên sản xuất đồ chơi cho trẻ em lại rậm rịch vào mùa. Hình ảnh tấp nập, náo nhiệt ở các làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống chỉ còn trong dĩ vãng. Người làm nghề đồ chơi truyền thống cũng chẳng mặn mà, làng nghề cũng sẽ tắt hẳn trong nay mai. Những người gắn bó với nghề lại đau đáu nỗi lo thất truyền.

Người “phải lòng” ông Tiến sĩ giấy

Làng Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội nổi tiếng với nghề sản xuất ông Tiến sĩ giấy bây giờ cũng chỉ sót  lại  một người tâm huyết với nghề. Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Tuyến, người cuối cùng của làng Hậu Ái còn mặn mà với nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống.

Gọi là xưởng sản xuất cho oai, chứ thực ra chỉ là gian nhà nhỏ của cả gia đình chị Tuyến. “Xưởng” của chị ngổn ngang những giấy màu, tre nứa và dụng cụ làm đồ chơi. Nói về công việc, chị Tuyến chia sẻ: “Nhà tôi nhiều đời sản xuất đồ chơi truyền thống cho trẻ nhỏ, công việc không nhiều nên gia đình chỉ có 4 người làm. Giờ trẻ con cũng không thích chơi đồ này lắm nên chúng tôi chỉ làm hàng có giới hạn”.

Ngồi bên quán trà đá nhỏ đầu nhà, chị Tuyến vừa bán hàng, thoăn thoắt làm khung tre cho chiếc đèn hình con giống. Chỉ trong vài phút các ban tre mỏng manh đã được tạo hình. Chị Tuyến tâm sự: “Để làm ra một con giống đồ chơi này không khó, chỉ cần tỉ mỉ và khéo tay một chút, có con mắt thẩm mĩ khi điểm màu cho chúng. Lên 10 tuổi, những đứa trẻ con nhà nghề như chúng tôi đã biết làm những chiếc quần ông tiến sĩ, xâu tay chân, điểm màu trang trí cho sản phẩm thật hợp lý và đẹp mắt”.

Chị Tuyến năm nay đã 52 tuổi, nhưng riêng gia đình nhỏ của chị đã có đến 40 năm tuổi nghề. Dù thị trường không chuộng đồ chơi bằng giấy này nữa, nhưng đến “mùa Trung thu” chị lại tất bật bắt tay vào việc. Đó là công việc và cũng là niềm vui không thể thiếu của chị mỗi độ Trung thu về. “Chẳng phải để kinh doanh mà chỉ làm để cho đỡ nhớ và muốn lưu giữ lại một nét văn hóa truyền thống của dân tộc” - chị Tuyến cười bảo.

Ông Vũ Văn Sinh, người đam mê những chiếc lồng đèn kéo quân của làng Đàn Viên.

Mải mê làm khung cho các con giống, đèn ông sao, chị Tuyến cho biết thêm, loại đèn chỉ làm bằng nan tre và keo thì sẽ không bền, chơi một năm là đã hỏng. Hàng chục năm nay gắn bó với nghề này, tôi chỉ lấy dây thép để cố định khung cho thật chắc. Đôi bàn tay sần sùi vì dây thép cứa, chị hào hứng: “Trẻ em vùng này, lúc nào cũng có đèn ông sao chơi đến tận năm sau. Mỗi năm tôi đều làm cho các xóm những chiếc đèn ông sao cỡ đại, cho các cháu sum vầy bên mâm cỗ đêm rằm”.

Với những đồ chơi truyền thống, chị Tuyến tâm đắc nhất với món đồ chơi ông Tiến sĩ giấy, món đồ chơi mang tính giáo dục cho trẻ nhỏ. Chị  giải thích về ý nghĩa của món đồ chơi này: “Ông Tiến sĩ giấy đủ bộ thì phải có 3 ông, một ông chính ngồi giữa có ghế và lọng, hai ông nhỏ bên cạnh múa gậy để bảo vệ ông ngồi giữa. Ông Tiến sĩ giấy để bầy mâm ngũ quả cho trẻ vào rằm tháng 8, đúng vào dịp đầu năm học. Ông Tiến sĩ tượng trưng cho việc giáo dục trẻ nhỏ chăm ngoan để cuối năm học nhận nhiều bằng khen và đỗ đạt”.

Chỉ phục vụ một mùa Trung Thu nên “xưởng sản xuất” của chị không hoạt động quanh năm. Còn vào thời điểm này, tại nhà chị các cửa hàng đặt sẵn hàng của chị đã rục rịch đến chuyển hàng đi. Anh Nguyễn Phúc Long, chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ con tại chợ ngã tư Canh, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Năm nào tôi cũng đặt hàng tại nhà cô Tuyến, hàng của tôi giao vào nội thành Hà Nội phục vụ Trung thu. Mỗi chiếc đèn ông sao có 10 đến 15 nghìn đồng, lãi cũng không nhiều nên ít nhà buôn mặt hàng này lắm”.

Dù tất bật vào vụ làm hàng, nhưng chị Tuyến cũng không giấu nổi nét lo âu: “Trẻ con thời nay bị thu hút bởi những đồ chơi ngoại nhập, hàng không bán được nên không nhiều người mặn mà với nghề. Tôi sẽ cố gắng theo nghề để giữ gìn một nét văn hóa truyền thống, cả làng Hậu Ái, chằng còn ai ngoài tôi”.

Truyền lại thế hệ mai sau

Ông Vũ Văn Sinh, người cuối cùng ở làng Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội còn “say” với chiếc lồng đèn kéo quân truyền thống. Vào những ngày này, ông mới bắt tay vào sản xuất những chiếc đèn được đặt sẵn. Trung thu năm nay, các quán cà phê đặt hàng ông khoảng gần 100 cái, những chiếc đèn kéo quân nhỏ dành cho trẻ con không được chuộng nhiều.

Ông cho biết: “Khoảng 10 ngày trước Trung thu, tôi mới bắt tay vào sản xuất đèn đặt. Năm nay các cửa hàng nhỏ bán đồ Trung thu không còn đặt nhiều nữa. Chỉ có một vài quán cà phê đặt làm những chiếc đèn to, trang trí trong quán”.

Đau đáu với món đồ chơi truyền thống dần bị mai một, cứ mỗi độ vào mùa, ông lại tập hợp con cháu, thanh niên trong làng đến nhà, ông dậy cách làm đèn truyền thống. Ông Sinh chia sẻ: “Nghề không nuôi sống gia đình, thì người làm nghề cũng phải bỏ, đến mùa tôi lại đầu tư cho các cháu trong làng để sản xuất ra những chiếc đèn để chơi Trung thu. Lớp học của tôi nhiều đứa trẻ háo hức lắm, đứa nọ truyền cho đứa kia. Ở làng thanh niên nào cũng biết cách làm đèn kéo quân”. Lồng đèn kéo quân giờ đã có nhiều cải tiến hơn, chúng được làm bằng các loại chất liệu cao cấp và bền hơn, với ông Sinh một chiếc lồng đèn ông chỉ mất 2 ngày để hoàn thiện.

Ngồi trên hiên nhà, đứa cháu hàng xóm đang mải mê gấp, cắt những chiếc quạt gió bằng giấy, ông Sinh giảng giải về cách làm đèn: “Để làm một chiếc lồng đèn không khó, chỉ cần làm được chiếc quạt gió chuẩn thì chiếc đèn sẽ vận hành rất êm. Chiếc quạt gió phải chuẩn với các tán đều tăm tắp, đốt nến ở dưới quạt gió quay vì có đối lưu không khí, cứ thế câu chuyện cho trẻ sẽ hiện trên khung đèn. Ở góc cạnh nào cũng thấy. Đối với bọn trẻ, tôi chỉ cần dạy cách làm quạt nửa ngày, chúng đã thành thạo”.

Những đứa trẻ của làng Đàn Viên thật may mắn, Tết Trung thu được phá cỗ dưới trăng ngồi ngắm những câu chuyện cổ tích qua những chiếc nan đèn mờ ảo của ông Sinh. Những đứa trẻ làng Đàn Viên cũng say mê với chiếc đèn kéo quân cổ. Mỗi độ thu về, chúng lại tất bật chuẩn bị làm đèn với ông Sinh, kiếm thêm thu nhập, để gìn giữ nét đẹp truyền thống đang mất dần

Thanh Hòa
.
.
.