Nỗi lòng của những phận đời đón Tết ở bệnh viện

Chủ Nhật, 26/01/2014, 10:25

Một ngày cuối năm, khi những con phố lớn ở TP Huế đang nhộn nhịp trong không khí đón Tết thì tại góc hành lang dẫn vào Khoa Thận nhân tạo thuộc Bệnh viện TW Huế, nhiều gương mặt mệt mỏi, ủ rũ đang ngồi đợi người thân chạy thận. Trong số ấy, không ít người phải ở lại bệnh viện để đón Tết...

Ông Hoàng Lai (50 tuổi), quê ở thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngồi bó gối để tránh cái lạnh như cắt da, cắt thịt; với vẻ mặt rầu rĩ khi các bác sĩ đang tiến hành tiêm thuốc điều trị cho vợ ông ở phòng đối diện. Ông Lai tâm sự rằng, suốt gần hơn 2 năm qua, số ngày ông ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà khi vợ ông là bà Mai Thị Bình (49 tuổi) không may mắc căn bệnh viêm mao mạch thận dẫn đến hư thận.

Đôi mắt rưng rưng, ông Lai trải lòng bằng chất giọng buồn: “Ở gần biển Cửa Gianh nên tui chỉ biết lấy nghề đi biển để mưu sinh. Gia đình nghèo, không đóng được tàu cá nên phải xin các chủ thuyền cho đi bạn cùng. Những mùa biển được tôm, cá, cứ mỗi chuyến ra khơi như thế, tui được trả công trên 2 triệu đồng. Khi tích cóp được ít vốn, định đóng con tàu nhỏ thì vợ không may đổ bệnh, rồi bao nhiêu tiền bạc cứ trôi dần vào các khoản thuốc men và những ngày lưu trú ở bệnh viện”.

Cứ như thế, những chuyến đi biển của ông Lai thưa dần và thay vào đó là những ngày tháng ông đưa bà Bình vào Khoa thận nhân tạo này để chạy chữa. Ngồi trên giường bệnh, bà Bình buồn lòng nói không thành lời: “Bác sĩ bảo giờ 2 quả thận của tui hư hết rồi, nếu thay thì phải mất một số tiền lớn lên đến trăm triệu đồng. Có bán nhà đi nữa, vợ chồng tui cũng không đủ tiền. Thế nên, vợ chồng tui phải bám bệnh viện để chạy thận, duy trì mạng sống”.

Để chăm sóc cho vợ, tối đến ông Lai lại ôm chiếc gối cùng tấm mền mỏng ra phía hành lang của bệnh viện nằm ngủ. Nhiều đêm, phía hành lang ấy bị người thân của các bệnh nhân khác xí chỗ trước, ông phải dọn đồ đạc ra phía dưới gầm cầu thang gần đó để tá túc. “Thế nhưng, cực khổ mấy tui cũng chịu được, chỉ mong sao bà ấy khỏe lại đôi chút để hy vọng mấy ngày tới có thể về quê đón Tết cùng con cháu...”, ông Lai bày tỏ hy vọng.

Đồng cảnh lấy “bệnh viện là nhà” như ông Lai là trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Minh và bà Hoàng Thị Quế ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ngồi tâm sự cùng chúng tôi ngoài dãy ghế dành cho người đợi nộp tiền viện phí, ông Minh không nhớ hết đây là lần thứ bao nhiêu ông đưa vợ vào Bệnh viện TW Huế để chạy thận. Ông kể, gia đình ông ở bên dòng Ô Lâu, vợ chồng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với 7 sào ruộng lúa để nuôi 3 người con ăn học.

Cách đây chừng hơn 2 năm, vợ ông có dấu hiệu bị phù thận, cơ thể bắt đầu phình to, do thận không thể hoạt động, bài tiết chất độc... “Đưa vợ vào Bệnh viện TW Huế khám mà tui như chết lặng khi nghe các bác sĩ thông báo một quả thận bên trái của vợ đã hư, quả còn lại cũng hoạt động không hiệu quả. Thế là từ đó, tui và các con thay nhau đưa bà ấy vào viện để chạy thận. Năm ngoái đã đón Tết ở bệnh viện, năm nay chắc cũng rứa. Tết mà xa quê thì không chi buồn hơn chú à”, nói đến đây, khóe mắt ông Minh chớm lệ....

Trao đổi với chúng tôi, BSCKII Nguyễn Đình Vũ, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện TW Huế cho biết, hiện khoa đang tiếp nhận chăm sóc và điều trị cho 280 ca bệnh. Trong đó, có nhiều ca bệnh nặng phải liên tục chạy thận từ 2 đến 3 lần/1 tuần. “Vì thế mà Tết năm nào, cũng có bệnh nhân và người thân gia đình ở lại bệnh viện đón Tết, đặc biệt là những bệnh nhân ở các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình... Để động viên người bệnh, các y, bác sĩ túc trực tại khoa thường xuyên đến thăm hỏi, động viên để người bệnh có thêm nghị lực khi phải đón Tết xa quê”, BS Vũ cho hay.

Chúng tôi rời Bệnh viện TW Huế khi cơn mưa nặng hạt thưa dần, bầu trời bắt đầu trở lại trong xanh, báo hiệu một mùa xuân mới sắp đến. Thế nhưng, ở đâu đó trong những góc hành lang bệnh viện này, vẫn có những bóng người thấp thỏm, lo âu khi thêm một cái Tết nữa, họ phải xa nhà, xa con cháu khi không may có người thân mắc những căn bệnh hiểm nghèo...

Lê Anh
.
.
.