Nỗi lo sạt lở ven sông Trà Bồng
Bà Phan Thị Mai, 64 tuổi, ở xóm Vạn, thôn Mỹ Long, xã Bình Minh chỉ tay ra con sông Trà Bồng, rồi kể: Trước đây dòng sông nằm cách nhà tôi cả mấy trăm mét, thế mà giờ đã tiến sát vào vườn nhà. Cứ sau mỗi trận mưa, con sông lấn vào bờ thêm một ít. Tôi sống mấy chục năm ở đây nhưng chưa khi nào thấy sông sạt lở như thế này, nhất là sau cơn bão số 9 năm 2009 con sông trở nên hung dữ hơn bao giờ hết. Mảnh vườn nhà tôi canh tác hoa màu đã bị sông nuốt chửng gần 30m, mấy bụi tre trồng chống sạt lở cũng bị cuốn trôi. Hiện tại ngôi nhà chỉ cách sông chưa đến 3m. Nếu như địa phương tìm được chỗ để chúng tôi di dời là tôi đi liền, chứ ở lại đây làm sao chống chọi lại với lũ.
![]() |
Nhà xây cũng thua xói lở. |
Ông Đào Huấn, cũng nằm trong diện sạt lở nặng ở xóm Vạn than vãn: Cứ mỗi lần trời mưa kéo dài cả ngày đêm là cả xóm lại ăn không ngon, ngủ không yên; bởi lo nước sông dâng cao sẽ xói lở, ăn sâu vào ruộng vườn, nhà cửa. Vào mùa mưa, nhà nào cũng chuẩn bị quần áo, lương thực sẵn trong tư thế chuẩn bị di tản. Ở đoạn sông này trước đây có chỗ lặn không xuống đáy nhưng giờ bồi lấp thành cồn cát, nước không chảy đựợc giữa dòng nên ăn sâu vào 2 bên bờ.
Trong số 550 hộ dân nằm trong vùng sạt lở sống dọc sông Trà Bồng thuộc địa phận xã Bình Minh thì có 22 hộ ở xóm Vạn, đội 11, thôn Mỹ Long nằm trong vùng báo động đỏ. Trước tình trạng phải đối diện với nguy cơ mất nhà, mất chỗ ở và đất sản xuất, nguyện vọng của các hộ gia đình ở xóm Vạn là được di dời đến nơi ở mới.
Giải pháp hiện nay của huyện Bình Sơn trước tình trạng xói lở ven sông Trà Bồng là kiến nghị với các cấp ngành ở tỉnh và TW hỗ trợ kinh phí để xây dựng 20km bờ kè chống sạt lở đoạn qua các xã Bình Mỹ, Bình Minh, Bình Chương. Tuy nhiên, với mức kinh phí khoảng 800 tỷ đồng thì phương án "phủi nóng" chống xói lở vẫn là di dời hoặc đành sống chung với nó!