Vì nghèo, nhiều học sinh bỏ học sang Lào mưu sinh

Thứ Sáu, 06/03/2015, 08:29
Sau Tết Nguyên đán, nhiều học sinh THCS, THPT ở các xã Lộc Bổn, Lộc Sơn, Lộc An... huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, đã bỏ học để cùng người thân trong gia đình sang Lào mưu sinh. Điều đáng nói, thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay, nhà trường và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra biện pháp khắc phục...

Đầu năm học 2014-2015, Trường THCS Lộc Bổn (xã Lộc Bổn, Phú Lộc) có 945 học sinh đăng ký theo học ở 4 khối 6, 7, 8 và 9. Nhưng, hiện đã có 24 em bỏ học để sang Lào lao động kiếm tiền. Gần 4 năm qua, tình trạng học sinh bỏ học sau mỗi dịp Tết Nguyên đán khiến các thầy cô giáo Trường THCS Lộc Bổn lo lắng, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn được.

Vợ chồng ông Phạm Văn Kỳ lo lắng khi các con phải bỏ học để sang Lào kiếm sống.

Thầy giáo Nguyễn Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Bổn cho biết, ngay cả bản thân thầy đã đến nhà các em học sinh bỏ học để vận động trở lại trường, nhưng vẫn “lực bất tòng tâm. Theo thầy Khôi, những năm gần đây, do cơ chế thông thương giữa 2 nước Việt- Lào ngày càng cởi mở nên người dân trên địa bàn xã đã rủ nhau sang Lào mưu sinh. Họ làm các nghề thợ mộc, thợ xây, kinh doanh bất động sản… rồi trở nên khấm khá, đến Tết cổ truyền trở về bằng ôtô mang biển số Lào về đậu kín khắp các đường thôn xóm của xã. Điều đó đã “kích thích” nhiều học sinh lớp 8 và lớp 9 của trường ở các thôn Hòa Vang, Thuận Hóa, Bình An... bỏ học để sang Lào lao động kiếm tiền...

Nằm cách xã Lộc Bổn chừng vài ba cây số là Trường THCS Lộc Sơn. Chúng tôi cùng cô giáo Lê Thị Trương, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/2, đến nhà em Phạm Văn Tín (14 tuổi, ở thôn La Sơn, xã Lộc Sơn) để vận động em trở lại lớp. Nhưng khi thấy cô giáo đến, em Tín lao ra khỏi nhà chạy mất hút.

Bên trong căn nhà nghèo bờ tường vẫn chưa được tô trát, vợ chồng ông Phạm Văn Kỳ và bà Võ Thị Xép (bố mẹ Tín) ngồi bó gối nhìn thẫn thờ. Bà Xép trải lòng, vợ chồng bà có 8 người con, song có 4 đứa (2 trai, 2 gái) bị mất từ lúc vừa lọt lòng do bạo bệnh, không có tiền chạy chữa. Gia cảnh khốn khó, ngoài 7 sào ruộng khoán, vợ chồng bà Xép được UBND  xã Lộc Sơn giao nhiệm vụ thu gom rác với mức lương 1,4 triệu đồng/người/tháng. “Có tằn tiện mấy thì vợ chồng tui cũng không đủ nuôi 4 người con ăn học. Thế rồi năm 2008, thằng Khôi (21 tuổi, con trai đầu bà Xép) theo bạn sang Lào làm thuê ở một xưởng ôtô, sau đó thằng Ty (19 tuổi, em kế Khôi) cũng bỏ học sang Lào theo anh. Rồi giờ đến thằng Tín học chưa hết lớp 7 cũng đòi bỏ học đi Lào. Chúng tôi đã khuyên nhủ con đủ điều, nhà trường cũng đến vận động nhiều lần nhưng cháu nó vẫn nhất quyết sang Lào.

Trường hợp bỏ học như em Tín ở Trường THCS Lộc Sơn không phải là “chuyện hiếm”. Bởi có nhiều em vốn là học sinh giỏi, ngoan hiền của nhà trường nhiều năm liền, nhưng vẫn bỏ học sang Lào học nghề để kiếm tiền cho “bằng bạn, bằng bè”...

Thầy giáo Bạch Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Sơn cho hay: “So với những năm trước thì thực trạng bỏ học sau Tết Ất Mùi ở trường vẫn tái diễn. Nhà trường đã tổ chức vận động thành công 3 em bỏ học quay trở lại trường học. Trong các buổi học, trường vẫn thường lồng ghép các chương trình để giáo dục các em, giúp các em thấy được hệ lụy từ việc nghỉ học sớm nhưng vì điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình nên nhiều em vẫn quyết tâm bỏ học đi Lào. Những trường hợp này thì trường đành bất lực!”.

Không chỉ diễn ra ở cấp THCS, không ít học sinh ở xã Lộc Sơn, Lộc Bổn đang theo học tại Trường THPT An Lương Đông (đóng tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc) cũng bỏ học rất nhiều sau dịp Tết Ất Mùi.

Qua tìm hiểu được biết, ở các xã ven biển như Lộc Vĩnh, Vinh Hưng, Vinh Hiền, Vinh Hải... (huyện Phú Lộc) cũng có rất nhiều học sinh nghỉ học sau dịp Tết để vào Nam làm công nhân. Trở lại xã Lộc Bổn, địa phương được xem có số lượng “Việt kiều Lào” lớn nhất huyện Phú Lộc và có số học sinh bỏ học nhiều nhất, ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn còn cho biết: Toàn xã có 2.700 hộ (16.000 khẩu) thì có trên 3.000 người sang định cư ở Lào để làm ăn, nhiều nhất là thôn Hòa Vang và Thuận Hóa. Do nhiều gia đình có bố mẹ đều đi Lào nên không ai quản lý con cái, dẫn đến việc các em ham chơi, bỏ bê học hành rồi tìm cách sang Lào...

“Thực trạng con em địa phương bỏ “con chữ” để đi Lào kiếm tiền là hết sức đáng lo ngại. Chính các em đã tự đánh mất tương lai của mình mà không hề hay biết dù nhiều năm qua, xã và nhà trường đã tìm nhiều cách hỗ trợ, vận động các em trở lại trường học”, ông Hoa khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.