Nối khát vọng đôi bờ Cửa Đại
Cầu Cửa Đại được xây dựng không những thỏa mơ ước bao đời của người dân mà còn biến một vùng đất ven biển trở thành "đất vàng". Tổng Công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) được tín nhiệm giao thi công công trình quan trọng này.
Anh Nguyễn Bá Tùng (31 tuổi, trú thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa) đã 9 năm lái đò đưa khách qua 2 bờ Cửa Đại. Mỗi ngày, anh Tùng chạy 15 chuyến, đưa khoảng 100 khách đi qua đoạn sông này. Trên khuôn mặt người dân quê thuần phác này, niềm phấn chấn hiện rõ trong tiếng cười, lời nói khi nghe tin cây cầu mơ ước chuẩn bị được khởi công xây dựng: "Dân Duy Nghĩa trước nay muốn ra khỏi xã, hầu như phải qua đò. Vào mùa mưa bão, gió to sóng lớn, vừa chở khách vừa run. Cây cầu này sẽ giúp Duy Nghĩa thoát khỏi cảnh ốc đảo".
Tôi hỏi, có sợ thất nghiệp không một khi cầu Cửa Đại khai thông, anh Tùng khẳng định chắc nịch: "Cây cầu sẽ giúp người dân cả xã bớt khổ, rồi các dự án sẽ du lịch mọc lên, chúng tôi sẽ lái đò đưa khách đi tham quan sông nước. Nghe cầu Cửa Đại được xây dựng trông ngày trông đêm cho đến ngày khởi công ".
Các xã Duy Hải, Duy Nghĩa của Duy Xuyên đều không có trường cấp III. Học sinh phải khăn gói qua sông cách nhà 10-20km để trọ học, mỗi tuần chỉ về nhà một lần. Mưa gió, phải ở lại cả tháng vì chẳng ghe đò nào dám đưa về bên kia sông.
Thấy chúng tôi có bức ảnh mô hình cầu Cửa Đại, chị Trần Thị Nhành - chủ bến đò Thuận Tình (xã Cẩm Thanh) hỏi mượn, mân mê như muốn giữ lấy. Cả chục người khác thấy thế cũng tụm lại xem và bàn tán, nói cười. Cả chục năm nay, chị Nhành túc trực tại bến đò. Cái túp lều nhỏ ngay bến đò cũng là nơi trú ngụ của chị.
Những khi bão lớn, bến đò phải dừng hoạt động, nhiều người dân lỡ đường đành đứng bên này nuốt nước mắt nhìn về nhà, nơi cha mẹ, vợ con cũng đang nóng ruột ngóng sang. Thương nhất là các em học sinh trọ học về đến đây cứ mếu máo nài nỉ: "Đưa con về nhà với, con hết tiền, hết gạo rồi". Có cây cầu, mừng cho các em sẽ học hành thuận lợi. Giáo viên các nơi khác đến Duy Hải, Duy Nghĩa dạy cấp I, cấp II cũng đỡ lo khi trời bão gió.
Người dân 2 bờ Cửa Đại bao đời mơ ước cây cầu sẽ thay những chuyến đò giang. |
Duy Nghĩa là một xã áp đảo, 3 bề sông biển bao bọc. Cùng với các xã vùng Đông Hội An, Duy Xuyên, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng, đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Ông Nguyễn Hoàng Diệu - Chủ tịch Duy Nghĩa cho biết, toàn xã có đến 1.050 liệt sỹ, 153 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 256 thương, bệnh binh, 25 trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học.
Duy Nghĩa cũng là nơi đã xảy ra 2 vụ thảm sát của lính Nam Triều Tiên trong các năm 1969 và 1971, sát hại 96 người dân vô tội. Những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư xây dựng điện, đường, trường học. Đời sống người dân chuyển biến đáng kể, nhưng vẫn còn nghèo.
Xã có diện tích tự nhiên 1.340ha, đất sản xuất nông nghiệp là 640ha. Còn lại là đồi gò hoang và trồng cây lâm nghiệp. Hơn 2.100 hộ với gần 9.000 nhân khẩu thì hơn 80% trồng lúa 1 vụ thu nhập bấp bênh, 20% đánh bắt nuôi trồng thủy sản và làm nghề khác. Sản phẩm làm ra phải qua nhiều công đoạn chuyên chở do đò giang cách trở nên tăng giá thành, lợi nhuận chẳng bao nhiêu. Một số doanh nghiệp tư nhân từng đến khảo sát để mở phân xưởng, nhà máy dệt may, thủ công mỹ nghệ để sử dụng lao động ở địa phương. Nhưng khi đối mặt với bài toán vận chuyển, họ lần lượt rút lui.
Hiện xã vẫn còn 35% hộ nghèo, 130 hộ nhà cửa tạm bợ. Giao thông cách trở chính là trở ngại lớn nhất đối với sự vươn lên của vùng đất giàu tiềm năng này. Cán bộ xã đi họp ở huyện lỵ Duy Xuyên, vào mùa nắng đi ghe qua xã Duy Thành, khoảng cách 15km đường chim bay. Vào mùa mưa bão phải đi đón ghe qua Duy Hải, rồi đi đường bộ vào huyện Thăng Bình ngược theo quốc lộ về lại Duy Xuyên, vòng vèo hơn 45km. Anh nói ví von, cây cầu bắc qua Duy Nghĩa như một chân đã bước qua Hội An rồi. Khi hoàn thành, cầu Cửa Đại sẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương tiến nhanh, tiến mạnh, diện mạo chung sẽ nhanh chóng khởi sắc.
Trước tin cầu Cửa Đại được khởi công, đã có một số tập đoàn đến đặt vấn đề với UBND tỉnh xin cấp đất để đầu tư các dự án du lịch tại xã. Xã Duy Nghĩa sẽ cùng các vùng lân cận có điều kiện phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Tương lai ấy đã không còn xa.
Mô hình cầu Cửa Đại. |
Cùng trong niềm vui ấy, ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP Hội An nhìn nhận: Đối với Hội An, cây cầu Cửa Đại qua hai bờ Thu Bồn, sẽ nối hai vùng đất cách trở từ khai thiên lập địa. Vùng Đông Hội An gồm Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Thanh sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn về giao thương, du lịch biển đảo.
Tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng đến Hội An đã không còn chỗ cho các dự án du lịch mới. Riêng phía Đông tuyến đường ven biển Hội An có 16 dự án khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp đã và đang triển khai, lấp kín diện tích quy hoạch. Nhiều nhà đầu tư tiếp tục đến tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng hết đất. Đất dành cho du lịch ven biển khan hiếm, đã trở thành "đất vàng".
Đánh giá về dự án cầu Cửa Đại, ông Lê Minh Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết dự án không những giúp mở mang thêm 7km ven biển cho Hội An, mà còn mở đường cho các khu du lịch ở Duy Hải, Duy Nghĩa; khai phá một vùng rộng lớn phía đông Duy Xuyên, Thăng Bình với diện tích hơn 10.000ha; kết nối Đà Nẵng - Hội An, tới Chu Lai, Dung Quất.
Cầu Cửa Đại qua sông Thu Bồn nằm trên tuyến đường tránh lũ của dự án tổng thể sắp xếp dân cư ven biển sẽ góp phần phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực và mạng lưới đường ven biển quốc gia. Đó cũng là cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng của các khu dân cư lân cận, mở rộng và phát triển không gian đô thị, hiện đại hóa nông thôn.
Dự án cầu Cửa Đại có chiều dài toàn tuyến 18,3km. Điểm đầu giao với đường ven biển Đà Nẵng - Hội An, thuộc khu tái định cư làng chài Phước Tân, phường Cẩm An (Hội An). Điểm cuối xã Bình Đào, huyện Thăng Bình. Cầu chính trên tuyến bắc qua sông Thu Bồn, nối liền xã Cẩm Thanh - Hội An và xã Duy Nghĩa có chiều dài 1.481m và 3 cầu nhỏ. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, dự kiến 50% vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và 50% vốn từ địa phương. Công trình do CIENCO 5 xây dựng, khởi công ngày 30/8/2009, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2012. |