Nỗi buồn trên núi Bidoup

Thứ Tư, 19/02/2014, 10:59
Già KRai khoảng 70 tuổi. Ngần ấy tuổi, ông vẫn ngày ngày đi rừng để tìm củi, hái rau rừng, bẻ đọt măng. Hỏi chuyện sướng khổ ở vùng rừng Núi Bà - Bidoup đẹp như tranh vẽ được khách lãng du mệnh danh “tiểu thiên đường”, già KRai thở dài.

Ông trả lời bằng nỗi niềm xót xa cho những đứa trẻ mới dăm bảy tuổi đầu phải ngày ngày theo cha theo mẹ vào rừng từ lúc sáng tinh mơ và trở về với gùi măng, gùi cà phê… trĩu nặng. Theo lời ông, tôi vào thôn KLong Klanh ở xã Đa Chais và bắt gặp những hình ảnh buồn ấy. Nhưng đó không phải là nỗi buồn duy nhất ở đỉnh Hòn Bà.

Vùng đất thiên đường

Từ TP Đà Lạt, tôi đến núi rừng Hòn Bà (còn gọi núi Bà, thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà) ở địa phận xã Đa Chais (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Người Cil sống lâu đời ở vùng sơn cước xinh tươi này gọi Hòn Bà là Bidoup (cao 2.287m so với mực nước biển). Theo giải thích của già làng KRai mà tôi gặp lúc ông quăng mình vào rừng ở độ cao 1.400m so với mặt nước biển, gọi là Hòn Bà bởi Lạc Dương có hàng trăm ngọn núi nhưng Bidoup là đỉnh núi hùng vĩ nhất, cao lớn nhất, hơn cả đỉnh Langbian (2.169m). Hòn Bà theo giải thích của già KRai có nghĩa… núi mẹ.!

 Được thành lập vào ngày 19/11/2004 theo Quyết định 1240/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cách thành phố Đà Lạt khoảng 60km, khi tôi đến đã 9h sáng nhưng chừng như Núi Bà (VQG Bidoup - Núi Bà) ở địa phận xã Đa Chais vẫn còn đang ngái ngủ. Mây treo đầu non, mây cùng với sương mù là đà trên những cánh rừng nguyên sinh trải mút tầm mắt. Có tiếng suối réo rắt, có tiếng vượn hót lảnh lót, có thanh âm lào xào răng rắc của bước chân thú hoang giẫm lên cành lá hoai mục… Và có đó những khách lãng du người ngoại quốc đang ngây ngất với vùng rừng núi được mệnh danh “tiểu thiên đường”.

“Những gì bạn đang thấy chỉ là một nét trong bức tranh toàn cảnh của Bidoup thôi. Mình đã theo chân hướng dẫn viên là cán bộ ở vườn quốc gia vào vùng lõi của ngọn núi cao nhất Tây Nguyên và cứ muốn ở mãi, không muốn rời. Trái tim của Bidoup đẹp lắm. Mình đã may mắn được nhìn thấy nhiều loài động thực vật ấn tượng như ếch ma cà rồng, đỗ quyên Langbian, thông đỏ, cây pơ-mu… hơn 1.000 năm tuổi”.

Ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, anh chàng Tommy, người Anh, hân hoan kể lại những cảm giác mà mình cùng người yêu choáng ngợp trước những gì được trông thấy ở tiểu thiên đường Bidoup: “Tôi đã thấy vượn đen má vàng, chúng rất ấn tượng. Tôi đã chụp được hình chúng, như vậy là tôi đã có được bộ sưu tập ảnh các loài vượn - voọc đặc biệt ở Việt Nam như voọc chà vá chân xám, voọc chân đen, voọc mũi hếch… Chỉ tiếc là do thời gian quá ngắn nên tôi không được thấy các loài thú cỡ lớn được ghi nhận có ở Bidoup như voi, báo, hổ” – anh Henrry, 31 tuổi, du khách đến từ Canada, chia sẻ.

Vùng rừng núi Bà - Bidoup rất đẹp, hùng vĩ nhưng cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn.

Và những dấu lặng!

Thiên nhiên ở Bidoup - Núi Bà giàu đẹp là vậy nhưng buồn làm sao, phía sau bức tranh tuyệt tác ấy là những dấu lặng về cuộc sống còn nhiều gian nan của cư dân bản địa – những người Cil - chủ nhân bao đời ở vùng rừng núi này. Trưa nắng đẹp, nhiều người trong làng lầm lũi gùi củi mục để chụm nấu. Anh Yduon, 40 tuổi cho biết muốn có củi nấu cơm nấu nước và sưởi ấm, phải đi xa làng, có khi đi sâu vô rừng, hay men theo triền các con suối lớn nhặt nhạnh với nhiều nguy hiểm.

Chỉ riêng việc kiếm củi đã chật vật như vậy nói chi việc kiếm tìm sinh kế của bà con. Và đâu chỉ dừng lại ở những người lớn, chính cuộc sống khó khăn đã ném nhiều đứa trẻ vào rừng, lấy đi tuổi thơ của các em, khiến cho các em mới bé xíu đã nặng gánh áo cơm. Trĩu lòng khi thấy nhiều đứa trẻ mới năm bảy tuổi đầu, những đứa trẻ gầy guộc, bé choắt phải theo cha theo mẹ đi rừng đi rẫy, chiều về với những gùi bắp, gùi cà phê trĩu nặng… Chợt nghĩ, có tuổi thơ nào cho các em?!

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù rất nỗ lực cho việc phát triển, cải thiện sinh kế cho người dân nhưng VQG Bidoup - Núi Bà và lãnh đạo địa phương còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Và những trở ngại ấy là điều đáng lo ngại là sự giàu có và tính đa dạng ấy của Núi Bà. Thông  tin thu thập được cho chúng tôi biết hầu hết những người dân địa phương là người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nông nghiệp truyền thống nhưng nguồn quỹ đất dùng cho nông nghiệp lại giới hạn vì đất mà người dân có thể sử dụng lại hầu hết là đất rừng. Hơn thế, năng suất nông nghiệp của người dân lại thấp. Kết quả là đa dạng sinh học của VQG Bidoup - Núi Bà bị đe dọa do đất không ngừng bị chuyển đổi từ đất rừng sang đất nông nghiệp.

Cuộc sống khó khăn với những áp lực miếng cơm manh áo đã khiến người dân bất chấp lệnh cấm vào rừng bẻ đọt măng, đọt le và thu hái các loại thảo dược. Chính hành trình xuyên rừng ấy đã nghiệt ngã trói họ với họng siết của phường con buôn. Điều này đồng nghĩa với việc trái ngược cuộc sống còn nhiều khó khăn của bà con, theo ghi nhận của chúng tôi, phường con buôn nhờ o ép, nhờ trục lợi từ sự chân chất của bà con mà thu những khoản lợi kếch xù. Khi được hỏi thăm, bà Cil KDớp - Trưởng thôn Klong Klanh đã buông tiếng thở dài và cho biết thôn có 192 hộ và phần lớn bà con đều nghèo khó. Theo bà KDớp, cùng với nương rẫy với mùa vụ eo hẹp, nguồn sinh kế của bà con còn từ việc nhận khoán bảo vệ rừng. Để cải thiện thu nhập, khi nông nhàn, bà con đi hái các loại thảo dược như sâm đất, các loại nấm linh chi bán cho con buôn và bị o ép thảm hại.

Muốn hái được các loại thảo dược mà người thành phố mê như điếu đổ, đâu chỉ bất chấp lệnh cấm, người dân ở xã Da Chais nói chung, thôn Klong - Klanh nói riêng phải luồn rừng sâu, phải đối mặt với vô số mối nguy nạn thú dữ, cây đè, sạt lở… Nói chung vì miếng cơm manh áo, bà con phải bán mạng nhưng buồn làm sao, lên đến thành phố, mỗi ký sâm - nấm được bán với giá hàng triệu đồng nhưng theo bà KDớp, đầu nậu thảo dược thu vào mỗi ký chỉ mươi mười lăm ngàn đồng. “Bà con biết bị o ép nhưng không làm sao được!” – bà KDớp bỏ lửng câu nói trong tiếng thở dài

N.Thành Dũng
.
.
.