Nỗi buồn sơn nữ "xuống tóc"

Chủ Nhật, 20/06/2010, 15:06
Nền kinh tế thị trường cùng hệ lụy của nó đã làm xáo trộn cuộc sống và văn hoá nhiều bản làng vùng cao, rất nhiều phụ nữ dân tộc đã từ bỏ "cái góc con người", đáng buồn là hầu hết họ chấp nhận "xuống tóc" vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nghiêm trọng hơn, có chị em đã bị đánh cắp và cướp đi mái tóc của mình.
>> Cướp tóc của thôn nữ

Bỏ phong tục tập quán vì nỗi lo cơm áo

Hầu hết phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đều có tập quán để tóc dài. Đặc biệt, người phụ nữ dân tộc Thái đen (sinh sống chủ yếu ở Điện Biên và Sơn La) khi lấy chồng phải tằng cẩu, đó là phong tục búi tóc lên trên đỉnh đầu. Đây là dấu hiệu để phân biệt giữa phụ nữ có chồng và chưa chồng.

Một mặt tằng cẩu thể hiện sự thuỷ chung của người phụ nữ, mặt khác là cách tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. Khi lấy chồng, người ta tổ chức trang trọng lễ tằng cẩu, người phụ nữ chỉ bỏ tằng cẩu khi chồng chết. Phong tục là thế, nhưng thời gian gần đây, khi "hơi nóng" của nền kinh tế thị trường tràn qua các bản làng vùng cao, nhiều phụ nữ dân tộc Thái đen chấp nhận "xuống tóc", bỏ tằng cẩu, điều đó cũng có nghĩa là từ bỏ một phần phong tục tập quán. Số chị em "xuống tóc" bên cạnh những "nữ tú" chịu ảnh hưởng của lối sống hiện đại, thì hầu hết phụ nữ phải chấp nhận bán đi mái tóc của mình bởi lý do cơm áo.

Từ năm 2005, ở Tây Bắc bắt đầu xuất hiện những người mua gom tóc. Qua tìm hiểu được biết, tóc được thu gom đều đưa về Hà Nội, cung cấp cho các hiệu làm đầu, sử dụng để làm tóc giả, một phần chuyển qua biên giới cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Gần đây, khi tóc nối trở thành mốt, được khá nhiều cô gái thị thành ưa chuộng thì giá tóc lên ngôi, và thu gom tóc trở thành một nghề "sống khoẻ" ở Tây Bắc.

Một phụ nữ vùng cao đang bán tóc.

Theo chị Huệ, một người gom tóc ở xã Nà Tấu, huyện Điện Biên cho biết: Giá một ký tóc ở Điện Biên trung bình trên dưới 2 triệu đồng tuỳ chất lượng. Tóc gom ở vùng Tây Bắc, nhất là tóc phụ nữ dân tộc Thái rất được các đầu nậu ở Hà Nội và Quảng Ninh ưa chuộng. Vì chất lượng tốt, tóc dài và suôn. Cứ mỗi tháng một lần, chị Huệ lại gửi về xuôi từ 300 - 500kg tóc.

Chị Huệ cho biết, chị có 11 đầu mối cung cấp tóc, những người này hàng ngày lùng sục vào các bản người Thái, người Mông hoặc các chợ phiên ở Tủa Chùa, thậm chí sang cả bên Lào để gạ gẫm, mua gom tóc. Nếu như ở chợ phiên Xín Chải (Tủa Chùa), dân gom hàng chỉ mất 200 ngàn có thể mua được một mái tóc đẹp, óng ả, có khi dài đến 60 - 70cm, trọng lượng 0,3kg thì mang về Điện Biên, họ đã kiếm được món hời gấp đôi, ba lần.

Chị Lan, một người mua gom tóc ở phường Chiềng Lề, TP Sơn La cho biết: "Một mái tóc cũng đổi được gần tạ thóc, lúc giáp hạt ai mà chẳng sẵn lòng bán!". Nhìn căn nhà bề thế của chị Lan, rồi số nhân công đang ngồi phân loại tóc, hộp các-tông tóc được đóng cao chất ngất đến nửa gian nhà, cũng đủ biết nghề này đang phát như thế nào, và hàng ngày có bao nhiêu phụ nữ vùng cao phải chấp nhận xuống tóc vì nỗi lo cơm áo gạo tiền…

Không mua được thì cướp!

Vì hám lợi, các đầu nậu thu gom không từ bất cứ thủ đoạn nào để được sở hữu mái tóc của chị em. Từ chèo kéo, thuyết phục, đổi bằng hiện vật (có thể là gạo, quần áo, đồ mỹ phẩm rẻ tiền), chiêu "hạ sách" cuối cùng là trả giá cao. Theo một cán bộ Công an phụ trách xã phía Bắc huyện Điện Biên cho biết: "Thủ đoạn của những người mua gom tóc phổ biến vẫn là mua giá cao, kèm khuyến mại những thứ loại dầu gội, dầu dưỡng tóc in chữ nước ngoài loè loẹt, quảng cáo một tấc đến giời là chỉ ba tháng tóc có thể dài hàng mét. Do nhận thức hạn chế, nhiều chị em đã nhẹ dạ tin vào lời đường mật và thủ đoạn của những người đi mua gom tóc".

Khi được hỏi về biện pháp ngăn chặn hệ lụy từ việc này, Trung tá Giàng Páo Sính, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: "Ngoài xử lý, trục xuất những đối tượng mang mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thì về nguyên tắc, những người mua gom tóc khi đến các địa phương đều trình báo tạm trú, có giấy tờ đàng hoàng, việc giao dịch là thuận mua vừa bán, nên chúng tôi cũng không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính".

Theo báo cáo của Công an tỉnh Điện Biên, thời gian gần đây đã xuất hiện một số vụ phụ nữ bị mất cắp mái tóc, thậm chí đã có vụ "cướp" tóc xảy ra trên địa bàn. Ở Tủa Chùa, mấy phụ nữ người Mông sau giấc ngủ vùi trên lán nương, tỉnh dậy thì mái tóc dài óng ả của mình đã không cánh mà bay.

Mới đây, Công an huyện Điện Biên đã bắt một nhóm gồm 8 đối tượng (cả nam và nữ), do Phan Anh Tùng, ở tổ 17, phường Nam Thanh; Nguyễn Thị Thu Th., 15 tuổi, ở phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ cầm đầu, đã gây ra một vụ "cướp" tóc giữa thanh thiên bạch nhật. Các đối tượng tổ chức mật phục tại khu vực vắng vẻ, xô ra khống chế rồi cắt phăng mái tóc của nạn nhân đem bán…!

Tục ngữ có câu "hàm răng cái tóc là góc con người", nhưng với nhiều chị em phụ nữ vùng cao, họ đang chấp nhận bán đi một "góc con người" vì những chuyện mưu sinh vất vả. Hãy giúp chị em giữ lại mái tóc như giữ lại một truyền thống văn hoá, đó là "thông điệp" của tình yêu đôi lứa, là lời nguyền trong đạo thuỷ chung vợ chồng. Bất giác, tôi ngậm ngùi nhớ lại chi tiết chát đắng về nàng Giêma bán tóc trong tuyệt phẩm "Ruồi trâu" của Ethl Lilian Voynich...

Vũ Mạnh Hà
.
.
.