Nỗi buồn làng chài sau 'cơn lốc' titan
Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, cho hay: Vĩnh Thái có 7 thôn, nhưng chỉ có thôn Thái Lai phát triển mạnh kinh tế biển, đời sống của bà con đổi thay từng ngày. Các thôn còn lại, từ cách đây hơn 20 năm, bà con đã bỏ nghề đi biển, theo làm công nhân cho các công ty đến đây khai thác titan.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, đơn vị khai thác titan lâu nhất ở Vĩnh Thái là Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị cũng đã phải rút khỏi địa phương. Nguyên do là các quặng điểm titan ở Vĩnh Thái đều đã bị khai thác cạn kiệt; kéo theo việc công ty này sa thải hầu hết lao động Vĩnh Thái làm thuê trước đây, để nhận lao động mới ở địa phương lân cận là xã Vĩnh Tú, nơi doanh nghiệp đang tiếp tục khai thác titan. Hơn 500 lao động ở xã Vĩnh Thái bỗng chốc bị thất nghiệp, đã phải tự tìm kiếm cho mình những công việc mới; trong đó, nhiều người quay trở lại với nghề biển.
Chua xót hơn, hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ từ 10 năm tuổi đến vài chục năm tuổi, có tác dụng che chắn gió bão; chống cát bay, cát nhảy ở Vĩnh Thái, đã bị các công ty khai thác titan đào bới, tàn phá không thương tiếc. Các con đê chạy ven biển, qua hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm biển mới có thể bồi lấp, hình thành nên được, đều đã bị đào bới, phá bỏ để dành đất cho việc khai thác, đào hút “vàng đen”…
Nhiều diện tích ở Vĩnh Thái bị khai thác titan nhưng không hoàn thổ, khắc phục hậu quả môi trường. |
Thực tế, ngày nay đến Vĩnh Thái nếu như không có con đường quốc phòng thảm nhựa phẳng phiu chạy dọc bờ biển, làng quê nơi đây còn ảm đạm hơn nhiều so với quang cảnh của ngày xưa. Hai bên con đường vẫn mênh mông, tít tắp một màu trắng của cát; nhà cửa thưa thớt, trống trải trước những cơn gió thổi mạnh từ phía biển.
Trên đường quê, chúng tôi thỉnh thoảng bắt gặp những tốp thanh niên đèo nhau trên những chiếc xe máy cũ kỹ; họ đi làm phụ hồ ở xa. Những cặp vợ chồng trung niên đánh xe trâu đến các địa phương lân cận để chở thuê hàng hóa…
Vợ chồng anh Lê Văn Đông, chị Lê Thị Nga ở Thái Lai, chia sẻ: Sau khi Công ty CP Khoảng sản Quảng Trị sa thải lao động, thấy bà con ở các thôn phải tự đi tìm kiếm việc làm rất vất vả; việc gì bà con cũng làm, từ phụ hồ cho tới bốc xếp thuê hàng hóa.
Ông Thọ trầm ngâm: “Trong khi xã Vĩnh Thái hiện vẫn còn là một trong 3 địa phương của huyện Vĩnh Linh có sự phát triển kinh tế - xã hội chậm nhất toàn huyện, với mức thu nhập bình quân chỉ 20 triệu đồng/người/năm thì cuộc sống người dân thôn Thái Lai lại có sự thay đổi đi lên...”.
Đó là do người dân Thái Lai từ thuở lập làng đến nay vẫn bám lấy nghề biển để mưu sinh. Rất nhiều lần các công ty đến đây vận động, “dụ dỗ” bà con, nhưng bà con nhất quyết không đồng tình với việc khai thác titan...
Thôn Thái Lai có gần 200 hộ dân, phần lớn họ đều bám biển, làm giàu. Hiện tại, Thái Lai là thôn có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và mạnh nhất toàn xã Vĩnh Thái; đặc biệt, con em học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định hàng năm chiếm tỷ lệ rất cao. Không chỉ vượt khó vươn lên làm giàu trên quê hương bằng ngành nghề truyền thống tổ tiên, ông bà để lại, người dân Thái Lai còn từ nguồn thu nhập này, đầu tư mua đất đai ở nhiều nơi để phát triển kinh tế lâm nghiệp và trang trại…