Nghĩa trang độc đáo ở Buôn Đôn:

Nơi an nghỉ của những thợ săn voi giỏi nhất

Thứ Năm, 13/11/2014, 14:20
Đó là một khu vực khá hoang tàn, cây cối um tùm, nằm cách xa buôn làng, nhưng lại là nơi mà bất kỳ du khách nào đến với Buôn Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đều muốn đến thăm. Bởi nó chứa những câu chuyện đặc biệt như huyền thoại về mảnh đất đại ngàn, về những con người từng được coi như biểu tượng của sức mạnh đầy tự hào của Tây Nguyên: Đó là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những thợ săn voi giỏi nhất.

Theo con đường nhựa rợp mát lá trâm bầu, quanh co và vắng vẻ, thuộc địa phận Vườn Quốc gia Yokdon, chúng tôi đến nghĩa trang này. Nếu chị hướng dẫn viên không kịp giới thiệu, cả đoàn chúng tôi sẽ ngỡ ngàng vì không có vẻ một nghĩa trang thường thấy của người Kinh. Giữa khu đất, một tháp xây cao vút, bên cạnh là một khối vuông cũng bằng bê tông, giống như ngôi nhà mái bằng, hoang phế, cây cỏ mọc trùm lên. Xung quanh, không theo thứ tự nào là những “ngôi nhà” mồ - nét văn hóa đặc trưng Tây Nguyên với những kiểu dáng kiến trúc độc đáo, đủ màu sắc, cũ mới, to nhỏ, nhưng đều vẽ, hoặc đắp hình voi. Trong các ngôi nhà mồ đều có các vật dụng: chăn, màn, bát, đũa, xoong, nồi, vv.. là những thứ được người sống “chia” cho người chết, theo tục “chia của” của người Êđê. Trước các ngôi mộ đều có tượng chim thú, mang ý nghĩa biểu trưng cho sự cao sang và quyền lực.

Nhưng đây không phải là một nghĩa trang thông thường mà là nơi yên nghỉ riêng của những người săn voi giỏi nhất Buôn Đôn - vùng đất được coi là quê hương của những người săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Tiếng tăm của những người quản tượng ở Buôn Đôn không chỉ nổi danh ở Việt Nam, mà từng được truyền tụng ở nhiều nước châu Á. Buôn Đôn dành riêng khu vực thoáng rộng, chừng 10ha này, làm nơi cho những thợ săn voi giỏi nhất yên nghỉ, như một sự tôn vinh và tri ân. Người thợ săn voi được chôn cất tại đây, ít nhất phải từng săn được 36 con voi trở lên. Theo lời kể của chị hướng dẫn viên, núi rừng Tây Nguyên từng có rất nhiều voi, đa phần voi săn được đều là do các thợ săn ở Buôn Đôn. Nơi đây, có những con voi trắng vô cùng quý hiếm: một con được tặng vua Thái Lan vào cuối thế kỷ XIX, một con tặng vua Bảo Đại và một con tặng Tổng thống Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Du khách đến Buôn Đôn đều muốn ghé thăm nghĩa trang của những người săn voi.

Ngôi mộ hình vuông lớn nhất, cũng hoang tàn nhất, là của N'Thu Knul-người đã trở thành huyền thoại ở Tây Nguyên với danh hiệu “vua săn voi”. N’Thu Knul sinh năm 1828, thọ 110 tuổi, là một tù trưởng đầy quyền lực và cũng là người khai sinh ra Buôn Đôn cùng nghề săn bắt, thuần dưỡng voi ở đây. Ông đã săn được hơn 400 con voi, trong đó có một con voi trắng mà ông đã mang tặng Hoàng gia Thái Lan năm 1861 và được vua Thái Lan tặng danh hiệu Khunjunob (vua săn voi).

Ngôi mộ “vua săn voi” xây bằng gạch, cũ kỹ và đã có dấu hiệu đổ nát, do R'leo K'Nul, sinh năm 1877, cháu gọi N'Thu Knul là cậu và là người kế tục sự nghiệp tù trưởng của Buôn Đôn, xây dựng. Theo người đại diện của Sở VH,TT&DL Đắk Lắk, khi N'Thu Knul mất, R'leo và dân làng quyết định xây dựng mộ ông theo phong cách kiến trúc kết hợp giữa MNông và Lào, là hai dân tộc chính ở địa phương thời điểm đó, như một biểu tượng của sự đoàn kết các dân tộc. Vì thế, ngôi mộ có các chi tiết hình khối đơn giản, như một ngôi nhà mái bằng với các hình trang trí búp sen ở bốn góc và đỉnh mộ.

Sát bên cạnh mộ “vua săn voi” là ngôi tháp hình tứ giác, cao vút, có kiến trúc khá hài hòa với hình khối vuông vức của ngôi mộ N'Thu Knul, là mộ của R'leo K'Nul. R'leo K'nul cũng là người săn bắt voi rất giỏi và đã tặng vua Bảo Đại một con voi trắng và còn thành lập cho vua Bảo Đại đội voi săn "Hoàng gia Bảo Đại". Ông qua đời năm 1947, thọ 70 tuổi. Mộ ông được xây dựng theo kiến trúc đền tháp Campuchia, là mẫu kiến trúc do đích thân vua Bảo Đại cho người lựa chọn và tổ chức thi công để ghi nhớ công lao của người tù trưởng tài giỏi. Do hình dáng đặc biệt của ngôi mộ mà nhiều người nhầm tưởng mộ tháp này là của “vua săn voi” N'Thu Knul.

Nghĩa trang không nhiều mộ và cũng chỉ có 2 ngôi mộ to nhất, là bởi về sau, những người nối nghiệp N’Thu Knul đã không còn săn bắt được số voi nhiều như cha ông họ nữa. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì mộ của những người nổi tiếng như thế mà hoang tàn, chứng tỏ không được chăm sóc, chị hướng dẫn viên người Êđê cho biết: Đó là do người Êđê có phong tục bỏ mả. Chôn người chết xong, khi nào gia đình có điều kiện sẽ tổ chức làm lễ bỏ mả, rồi từ đó, không ai được chăm sóc ngôi mộ nữa. Vì thế, ngành du lịch Đắk Lắk đang gặp khó khăn khi muốn tu bổ 2 ngôi mộ lớn nhất của 2 thợ săn voi nổi tiếng đang bị xuống cấp trầm trọng để tạo thành điểm du lịch, nhưng gia đình họ không đồng ý, vì cho rằng, người chết đã siêu thoát rồi, không được sửa sang mộ.

Trong nghĩa trang, ngoài 2 ngôi mộ đặc biệt này, còn có những ngôi mộ khác với kiểu dáng, hình khối khác nhau nhưng có đặc điểm chung là màu sắc rất rực rỡ. Có cả những ngôi mộ xây dựng khác lạ với truyền thống của người Êđê, là do những người này theo đạo Thiên Chúa. Đó là mộ người thân của các thợ săn voi nổi tiếng.

Ở Buôn Đôn, hiện nay, voi vẫn là người bạn thân thiết và là phương tiện sinh sống của nhiều gia đình. Những chú voi không chỉ tải đồ mà còn là một sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách cưỡi vào rừng, qua suối, hoặc dọc buôn. Bởi thế, những người thợ săn voi vẫn rất được trân trọng và tôn quý.

“Có yêu nhau thì về Buôn Ma Thuột”… Đến đây, bạn sẽ không chỉ được thưởng thức ly cà phê Ban Mê với hương vị quyến rũ, được ngắm “trời Tây Nguyên xanh, hồ trong nước xanh…” và đất đỏ bazan thắm đượm, mà còn được biết thêm về những huyền thoại săn voi nổi tiếng của đại ngàn Tây Nguyên ở chính nghĩa trang độc đáo này

Thanh Hằng
.
.
.