Chiêu trò moi tiền của một số lớp dạy kỹ năng sống

Thứ Ba, 08/09/2015, 08:42
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tìm đến các lớp dạy về kỹ năng sống ngắn hạn, thậm chí siêu… ngắn (chỉ trong 1 ngày). Không ít người sẵn sàng chấp nhận một khoản chi phí không nhỏ cho các lớp học siêu ngắn hạn hay tài liệu dạy kỹ năng sống nhưng kết quả thực tế có như kỳ vọng?

Tò mò trước sự quảng bá về một khóa học siêu tốc có thể giúp phụ huynh dạy con tự lập rất thành công với phương pháp mới, chúng tôi theo chân các phụ huynh đăng ký tham gia lớp học  dạy con không quát mắng, roi vọt. 

Ít có lớp học nào mà học viên lại đa dạng như lớp học này. Không chỉ có phụ nữ, số học viên là nam giới khá đông. Một số là phụ nữ mang thai. Số ít khác nữa là những người đã lên chức ông bà. Nhiều người đến lớp theo kiểu học thử cho biết vì đằng nào cũng mới chỉ là thử nghiệm, học cho biết, dù sao cũng không mất gì. Một số khác tìm đến lớp học như tìm một “cứu tinh” cho việc dạy con. 

Buổi học ngày hôm ấy chỉ là buổi cung cấp thông tin ban đầu. Nói cách khác là tiếp thị về những khóa học khác có tính phí dành cho các bậc cha mẹ, ông bà trong cách dạy con, cháu. Mỗi người tham gia học tiếp một khóa sẽ đóng phí đến 2,5 triệu đồng. 

Với rất nhiều người hiện nay, việc đóng 2,5 triệu đồng cho 1 khóa học không phải là điều gì bất thường. Chỉ có điều, cái gọi là khóa học này thực ra chỉ gói gọn trong 1 ngày. Băng đĩa giúp phụ huynh học kỹ năng làm cha mẹ cũng có phí  2,5 triệu/bộ. 

Học viên tham gia khóa học kỹ năng làm cha mẹ “Kỷ luật không nước mắt”.

Các khóa học và sản phẩm này chỉ được tiếp thị đến người học thử sau khi buổi học thử kết thúc và sự giới thiệu ấy nhiệt tình đến mức người được giới thiệu dễ cảm thấy như có… lỗi nếu không tiếp tục tham gia đóng phí để học. Hơn thế, điều kiện tham gia còn rất hấp dẫn: đăng ký ngay tại chỗ, đăng ký học 2 người, số tiền học viên cần đóng chỉ nhỉnh hơn 1 triệu đồng. Với băng đĩa cũng tương tự. Và, những ưu đãi này chỉ có trong buổi học… 

Thế nhưng, tìm hiểu thêm, chúng tôi lại được biết, những thông tin tiếp thị qua email còn “hấp dẫn” hơn rất nhiều: mỗi khóa học,phí cho 1 người tham gia khoảng 500.000 đồng…

Cũng được mở ra nhằm mục đích giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống và được hưởng ứng rầm rộ vài năm gần đây là các khóa Học kỳ quân đội mỗi mùa hè. Phương pháp này được ưa chuộng đến mức các khóa học mở ra ồ ạt kéo theo tình trạng “nhà nhà cùng tổ chức học kỳ quân đội, người người cùng học kỳ quân đội”. Thật giả, vàng thau lẫn lộn. So với phương pháp dạy con không la mắng, không roi vọt kể trên thì Học kỳ quân đội có vẻ hoàn toàn đối lập.

Đối tượng học ở đây trực tiếp là trẻ em. Số ngày học cũng tương đối dài hơn. Sự giống nhau ở đây, có chăng là mức phí mà các bậc phụ huynh phải đóng. Những con số từ 2 triệu đến 4 triệu đồng cho một số ít ngày học là số tiền không nhỏ với số đông người lao động. 

Với nhiều gia đình, vì tương lai con cái, dù có cho là đắt đỏ, họ cũng cố gắng chắt chiu, chấp nhận để mong con tiến bộ hơn. Sau một đôi lần cố gắng như thế nhưng chưa thấy hiệu quả như mong muốn, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu từ chối lời mời gọi của các khóa Học kỳ quân đội. Cho đến hiện tại, dù Học kỳ quân đội vẫn được tổ chức mỗi mùa hè nhưng đã không còn sức hấp dẫn như nhiều năm trước.

Thực tế, việc tổ chức các khóa học kỹ năng sống nói chung hiện nay rất đa dạng. Ngay diễn giả của nhiều chương trình chúng tôi tham gia cũng thừa nhận rằng hiện nay có rất nhiều khóa học trang bị nhiều phương pháp và theo đuổi nhiều phương pháp rèn kỹ năng sống khác nhau. 

Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Tất nhiên, nhược điểm như thế nào thì không ai dại gì “vạch áo cho người xem lưng”. Vì vậy, người tham gia cần tỉnh táo lựa chọn. Nhưng, dù là phương pháp gì thì các khóa học vẫn chỉ mang tính chất hỗ trợ. 

Quyết định việc thành công hay không trong giáo dục con trẻ luôn nằm ở mức độ quan tâm, tình yêu thương, lòng kiên trì và cách sống, thói quen sống hàng ngày của ông bà cha mẹ, rộng hơn nữa là môi trường sống lành mạnh dành cho trẻ.

Minh Hải
.
.
.