Nỗ lực quản lý học viên sau cai nghiện ở Quảng Ninh

Thứ Hai, 27/02/2012, 15:21
Sở LĐ-TB&XH, Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh Quảng Ninh hiện đang xây dựng các phương án, chuyên đề, kế hoạch về quản lý học viên sau cai theo một cách thức mới, hiệu quả, thiết thực hơn. Một trong các ý tưởng đề xuất là vận động học viên tiếp tục học nghề, lao động tại Trung tâm sau cai nghiện cho đến khi làm chủ hoàn toàn bản thân, có thể trở về với cộng đồng sinh sống bình thường.

Là một trong những tỉnh có nhiều đối tượng nghiện ma túy, từ năm 2006, Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng Trung tâm Giáo dục lao động Vũ Oai (huyện Hoành Bồ) thuộc loại quy mô lớn, làm cơ sở điều trị cai nghiện và dạy nghề cho hơn 1.000 học viên (con số thường xuyên) để tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, cai nghiện nhiều nhưng số người nghiện không giảm, bởi chỉ sau kết thúc thời hạn giáo dục lao động, phần lớn học viên trở về với cộng đồng lại tái nghiện, lại được đưa vào Trung tâm cai nghiện. Điều đó cho thấy công tác quản lý học viên sau cai nghiện mang yếu tố quyết định.

Hiện nay, công tác phối hợp quản lý các đối tượng sau cai của chính quyền địa phương còn rất nhiều bất cập. Theo quy định, công tác quản lý sau cai nghiện chủ yếu tập trung vào khâu tư vấn, tác động tâm lý, sau đó là định hướng học nghề và tạo việc làm cho đối tượng. Để làm tốt được việc này, ngoài sự quyết tâm của đối tượng thì trách nhiệm, tình cảm và ý thức của gia đình học viên càng phải được thể hiện ở mức rất cao.

Kiểm tra công tác dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục lao động Vũ Oai.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả gia đình cũng ngại giao tiếp, bàn bạc với đoàn thể, tổ dân phố, ít cung cấp thông tin có một thực tế, hầu hết gia đình các học viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, e ngại điều tiếng và ít tiếp xúc với cộng đồng để bàn bạc những vấn đề liên quan sau cai nghiện. Do đó, học viên sau cai trở về vô hình trung lại giao phó cho ngành Công an quản lý, theo dõi và công tác phòng ngừa là chính.

Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH, Chi cục Phòng chống TNXH hiện đang xây dựng các phương án, chuyên đề, kế hoạch về quản lý học viên sau cai theo một cách thức mới, hiệu quả, thiết thực hơn. Một trong các ý tưởng đề xuất là vận động học viên tiếp tục học nghề, lao động tại Trung tâm sau cai nghiện cho đến khi làm chủ hoàn toàn bản thân, có thể trở về với cộng đồng sinh sống bình thường.

Xét thấy có tính khả thi, mới đây nhất, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 343/2012/QĐ-UBND quy định việc thực hiện chế độ hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Vũ Oai. Theo đó, đối tượng sau cai nghiện ma túy trong thời gian áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Vũ Oai được trợ cấp tiền ăn mức 400.000đ/người/tháng.

Thời gian hưởng trợ cấp theo thời gian thực tế chấp hành biện pháp quản lý sau cai nghiện (tối đa 24 tháng), kể từ ngày chấp hành quyết định quản lý sau cai nghiện. Việc thực hiện chế độ trợ cấp này bắt đầu từ ngày 1/3/2012. Kinh phí trợ cấp được bảo đảm từ nguồn ngân sách tỉnh

Lê Minh Triết
.
.
.