Nỗ lực ngăn chặn vấn nạn tự tử bất ngờ

Thứ Bảy, 22/06/2013, 16:50
Về những thôn, làng của huyện vùng sâu Kông Chro, Gia Lai, nghe kể chuyện tự vẫn mà ai cũng cảm thấy đau lòng. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ đời thường, những tức giận vô cớ nhưng nhiều người lại chọn cho mình một cái chết thật vô nghĩa. Vấn nạn tự vẫn đang là nỗi ám ảnh của huyện nghèo vùng sâu này...

Về thôn 11, xã An Trung, huyện Kông Chro, nghe kể về cái chết của người cha Đinh Brah mà ai cũng đau xót. Hôm ấy, ngày 20/3, ông Đinh Brah (47 tuổi), trú tại thôn 11, xã An Trung, cùng con trai là Đinh Nếch (22 tuổi) ngồi uống rượu mừng mới mua một chiếc xe máy. Trong lúc uống rượu, ông Đinh Brah nhắc nhở con trai Đinh Nếch phải biết trân trọng và giữ gìn chiếc xe mới cẩn thận và tiết kiệm xăng. Đinh Nếch nghĩ rằng cha nói như vậy là không muốn cho mình đi chiếc xe mới mua nên nổi giận.

Ông Đinh Brah giải thích với con trai, ý cha là nhà mình nghèo, cha mẹ dành dụm mãi mới mua được chiếc xe để làm phương tiện đi lại nên phải biết tiết kiệm chứ đừng lãng phí. Do có men rượu kích thích nên Đinh Nếch không nghe mà lấy cái chén ăn cơm đập xuống nền nhà vỡ tan tành rồi bỏ đi. Mảnh vỡ trúng vào đầu gối ông Đinh Brah làm chảy máu. Sau khi được vợ rửa vết thương thì ông Đinh Brah vào nhà rẫy ở trong tâm trạng đau xót. Đinh Brah càng nghĩ về hành động của đứa con bất hiếu càng buồn trong lòng. Đinh Brah đã đến góc nhà rẫy lấy chai thuốc diệt cỏ uống. Đến sáng hôm sau bà con dân làng phát hiện báo cho gia đình thì Đinh Brah đã chết.

Tại làng Nghe, thị trấn Kông Chro, chị Pơnh bị bệnh chết, để lại 3 con thơ. Chồng chị Pơnh là anh Đinh Vong đau khổ nên cũng treo cổ tự tử chết, bỏ lại 3 con thơ Đinh Văn Soang, Đinh Văn Suêch và Đinh Văn Ráp sống trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Một trường hợp khác tương tự, chị Đinh Thị Búc ở làng Siêu, xã An Trung chết vì bệnh chưa lâu thì chồng tự tử chết theo vợ, bỏ lại 3 con thơ bơ vơ...

Những đứa trẻ bơ vơ sau khi cha mẹ tự tử.

Huyện Kông Chro, Gia Lai, có 9.016 hộ, hơn 46.800 khẩu, với 85% là người dân tộc thiểu số Barna, Jrai. Do đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu nên vẫn còn nhiều hệ lụy từ cuộc sống lạc hậu ở làng, nhất là vấn nạn tự tử. Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 08 của Huyện ủy Kông Chro, từ năm 2010 đến quý 1 năm 2013, trên địa bàn huyện đã xảy ra 306 vụ tự tử. Trong đó, năm 2010 xảy ra 58 vụ, năm 2011 xảy ra 108 vụ, năm 2012 xảy ra 128 vụ và quý I năm 2013 đã xảy ra 12 vụ làm chết 12 người. Nguyên nhân các vụ tự tử phần lớn do mâu thuẫn bột phát từ nhận thức của nhân dân còn hạn chế...

Năm 2013, huyện Kông Chro đã thành lập Ban Chỉ đạo và tuyên truyền ngăn chặn nạn tự tử với mục đích giúp người dân hiểu và xoá bỏ dần những tư tưởng lạc hậu, những suy nghĩ nông cạn dẫn đến cái chết vô nghĩa. Lực lượng Công an xã cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động bà con xoá bỏ dần các tập tục lạc hậu, đặc biệt là vấn nạn tự tử. Theo các già làng, do tính đặc hữu của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở đây có tính tự ái rất cao, nhiều mâu thuẫn chỉ xuất phát từ nội bộ gia đình nhưng không được tháo gỡ kịp thời nên họ tự tìm đến cái chết.

Việc làm của huyện là cần thiết và cần được làm thường xuyên, nhất là mở nhiều cuộc tuyên truyền, tổ chức hoạt động văn hóa để giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, nếp sống không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự

N.Như
.
.
.