Nỗ lực chung sức khắc phục hậu quả bão lũ

Thứ Năm, 03/10/2013, 10:36
Ba ngày sau cơn bão số 10 kinh hoàng, các tỉnh miền Trung vẫn ngổn ngang, nhiều nơi hoang tàn do sức mạnh khủng khiếp của thiên tai. Đến thời điểm hiện tại, giao thông đường sắt đã được nối lại, song nhiều tuyến đường bộ vẫn còn bị chia cắt; điện mất trên diện rộng… khiến cuộc sống của người dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực, nước sạch, nhiều nơi trẻ em chưa thể đến trường.

Với tình cảm lá lành đùm lá rách, những ngày qua, người dân miền Trung đã nỗ lực, chung sức chung lòng khắc phục hậu quả bão lụt. Đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo CAND cũng đã có mặt tại những vùng bị thiệt hại nặng nề để sẻ chia những mất mát, đau thương và gian khổ với đồng bào...

Tại Thanh Hóa: Trưa 2/10, mặc dù nước lũ cơ bản đã rút nhưng CBCS Công an Thanh Hóa vẫn bám trụ tại các xã bị ngập nước ở huyện Tĩnh Gia để giúp nhân dân về nơi ở, dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả lũ lụt. Mặc dù không phải là vùng tâm bão, nhưng 30/9 và 1/10, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, có mưa to và rất to làm cho nước lũ và mực nước các sông dâng nhanh khiến đập Đồng Đáng (ở xã Trường Lâm), đập Thung Cối (ở xã Phú Lâm) bị vỡ; tràn xả lũ hồ Cây Trầu (xã Trúc Lâm) bị sạt lở và vỡ cống phía Nam; đê chắn lũ Cầu Tây xã Trúc Lâm (Tĩnh Gia) vỡ 20m, gây ngập lụt nặng ở 5 phía Nam huyện Tĩnh Gia gồm: Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng bị ngập từ 1 đến 1,5 m; một số thôn bị ngập hoàn toàn. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở và ngập sâu đến 0,7-1m; tuyến đường quốc lộ 1A từ Xuân Lâm đến Trường Lâm (Tĩnh Gia) bị ngập sâu kéo dài 2km, khiến giao thông bị ách tắc, không thể lưu thông. Hoàn lưu bão số 10 cũng làm nhiều ngôi nhà bị sập và tốc mái; 1.000 ha lúa, 900 ha lạc vụ đông, 600 ha rau màu, 15 ha đồng muối bị ngập…

Ngay khi xảy ra lũ, Công an Thanh Hóa đã huy 500 CBCS gồm Công an huyện Tĩnh Gia, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt; Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy; Cảnh sát cơ động… do Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc trực tiếp chỉ huy đến địa bàn để giúp đỡ nhân dân, đồng thời tổ chức tuần tra canh gác, bảo vệ tài sản, tiếp tế mì tôm, lương thực, thuốc men… hỗ trợ nhân dân. Nhờ chủ động trong việc cứu hộ, cứu nạn, nên mặc dù nước lũ lên rất nhanh nhưng Thanh Hóa không xảy ra tai nạn thương vong về người, tài sản của nhân dân được đảm bảo, không xảy ra mất mát, thiệt hại.

Huy động mọi nguồn lực để xử lý ách tắc giao thông, khắc phục sự cố thông tin, điện lực, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và ổn định đời sống nhân dân. Ảnh: TTXVN.

Nghệ An: Do ảnh hưởng của bão số 10, nên suốt 2 ngày qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa rất to gây ngập lụt trên diện rộng ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Do lượng nước quá lớn nên Ban quản lý hồ Vực Mẫu ở xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu phải xả thải. Việc xả thải của hồ Vực Mẫu làm cho tình hình lũ lụt ở Nghệ An thêm trầm trọng. Tại các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Tân, Quỳnh Lâm... huyện Quỳnh Lưu và hầu hết các khu dân cư trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đều bị nước lũ dâng cao từ 1,5 đến 4m nhấn chìm nhiều nhà dân. Nước lũ lên cao vào ban đêm nên làm hàng ngàn người dân trở tay không kịp chống lũ. Lực lượng Công an Nghệ An đã phải huy động hàng chục xuồng máy, ca nô về tâm lũ để di chuyển người dân ngay trong đêm.

Chiều 2/10, tin từ UBND thị xã Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn có 3 người đang bị mất tích do lũ; hơn 15.000 người dân bị ảnh hưởng nặng nề; khoảng 3.452 hộ dân bị nước ngập sâu từ 2-4m làm hư hỏng đồ dùng sinh hoạt như tivi, tủ lạnh và các thiết bị khác.

Từ 22h đêm 1/10, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai đã nhận lệnh về các điểm ngập lụt để ứng cứu giúp dân. Trên QL1A, dù nước ngập sâu song nhiều tài xế xe tải, xe khách vẫn liều mình cho xe chạy, buộc lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Nghệ An phải thức trắng đêm trên đường để cấm xe, đồng thời điều tiết xe đến các nơi an toàn.

Ngay sau khi nghe tin Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, ông Nguyễn Tài Dũng đi cứu trợ bão lũ bị lũ cuốn trôi, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã gồng mình chống chọi với lũ để đi tìm chiếc xe và tung tích nạn nhân. Sau nhiều giờ tìm kiếm đến 9h sáng 2/10, lực lượng tìm kiếm đã trục vớt được chiếc xe (BKS 37A-002.03) và thi thể ông Nguyễn Tài Dũng. Được  biết, trước khi lũ xảy ra Công an tỉnh Nghệ An đã điều động 1.000 cán bộ, chiến sĩ về các địa phương giúp dân phòng chống bão, lũ. 

Quảng Bình: Bão số 10 càn quét qua các tỉnh Bắc miền Trung và tỉnh Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. UBND tỉnh Quảng Bình vừa có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ở Trung ương, theo đó, bão số 10 quét qua Quảng Bình đã làm 5 người chết, 2 người mất tích và 140 người bị thương. 345 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn và 156.517 nhà dân bị tốc mái. 460 trường học bị tốc mái, 113 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, hư hỏng. Hàng ngàn ha hoa màu và diện tích nuôi trồng thuỷ, hải sản của người dân mất trắng...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài cho biết, tỉnh đang tập trung lực lượng sửa chữa trường học, bệnh viện, trạm y tế, trụ sở nhà cửa để ổn định việc học tập của học sinh, cuộc sống sinh hoạt, khám chữa bệnh của nhân dân. Chính quyền các cơ quan, đoàn thể có người bị nạn tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị nạn. Tập trung xử lý môi trường đối với những vùng bị ngập, tăng cường biện pháp phòng, tránh dịch bệnh cho người và gia súc.

Công an Thanh Hóa vận chuyển lương thực cứu trợ nhân dân. Ảnh Đinh Hợp.

Tỉnh Quảng Bình đang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương hỗ trợ 10.000 tấn gạo cứu đói cho nhân dân; hỗ trợ kinh phí 480 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại khẩn cấp về các công trình giao thông, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 10 gây ra để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất... Do ảnh hưởng của bão số 10, nên 4 ngày qua tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn phải nghỉ học. Nhiều trường học đổ sập hoặc tốc mái nên phải nhiều ngày sau học sinh mới có thể quay lại trường.

Đã 3 ngày qua, toàn TP Đồng Hới vẫn mất điện, nước nên cuộc sống sinh hoạt của người dân đang hết sức khó khăn. Chiều 2/10, Đại tá Bùi Xuân Thành - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình vẫn tiếp tục bám địa bàn để giúp dân khắc phục hậu do bão số 10 gây ra. Công an tỉnh đang lên phương án để hỗ trợ người dân và gia đình cán bộ, chiến sĩ bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão vừa qua.

Quảng Trị: Ngày 2/10, Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục điều động 150 cán bộ, chiến sĩ về các huyện Vĩnh Linh và Hải Lăng là những địa phương bị thiệt hại nặng do bão số 10 để giúp dân khắc phục hậu quả. Đến cuối ngày 2/10, Công an tỉnh Quảng Trị cùng các đơn vị Công an trong tỉnh đã phối hợp với lực lượng Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Xã đội, Thanh niên xung kích giúp đỡ người dân lợp lại hơn 2.000 ngôi nhà bị bão làm tốc mái tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Đakrông.

Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, huyện đảo Cồn Cỏ và các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Chấp, Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (giáp với huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nơi tâm bão đi qua) đã bị thiệt hại rất nặng nề. Số người bị thương; nhà cửa, trụ sở công cộng bị sập đổ, tốc mái; diện tích cây cao su bị gãy đổ, hư hại… đã tăng lên rất nhiều so với báo cáo ban đầu. Đến nay, đã có trên 30 người bị thương do bão.

Quảng Nam: Do mưa lớn kéo dài từ đêm 1 đến 2/10 đã làm cho nhiều tuyến đường các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam bị sạt lở đất đá, nước lũ ngập cục bộ, cô lập, chia cắt các xã vùng cao. Lượng mưa bình quân tại hai huyện Bắc và Nam Trà My trên 120ml, khiến nước lũ sông Tranh dâng lên nhanh, hầu hết các địa phương tại huyện Bắc Trà My đều ngập lụt cục bộ, các cánh đồng đều bị ngập sâu, nhiều diện tích hoa màu chưa kịp thu hoạch đã bị nước lũ nhấn chìm. Các tuyến giao thông nội bộ tại trung tâm huyện Bắc Trà My về các xã, thị trấn đều bị tê liệt do nước lũ chia cắt và đã có một nạn nhân là Nguyễn Văn Chính (21 tuổi, trú tổ 1 thôn Định Yên, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My) bị lũ cuốn trôi trong lúc dắt trâu qua khu vực giao thủy Sông Trạm vào sáng 2/10.

Trước đó, tối 1/10, cô giáo Nguyễn Thị Phi Phụng (24 tuổi, quê tại huyện Thăng Bình), dạy tiểu học tại điểm Trường thôn 2b xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My trong lúc đi lấy nước uống đã bị rắn độc cắn, do mưa lớn, nước lũ chia cắt nên sáng nay cô Phụng mới được đồng nghiệp và người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Tại thị trấn Bắc Trà My có 20 nhà dân bị nước lũ tràn vào, trong đó, có 2 nhà bị ngập sâu, buộc phải di dời người và tải sản đến nơi an toàn. Huyện cũng triển khai di dời khẩn cấp 11 hộ dân nằm trong vùng sạt lở tại các thôn 2a, 2b xã Trà Bui và thôn 2 xã Trà Giang...

Theo ông Đoàn Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, Quảng Nam, cho biết: Mưa lớn cũng làm cho hàng ngàn hộ dân của 5 xã vùng cao là Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Lộc và Phước Công bị cô lập; một số điểm trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận huyện Phước Sơn đã bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Ngoài ra, do lượng nước mưa đổ về đập thủy điện Đăk Mi 4 lớn nên thủy điện đã tiến hành xả lũ ở 5 cửa đập khiến nước dâng cao đột biến.

Hiện UBND huyện đã yêu cầu Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 dừng xả phát điện, thay vào đó là xả qua cửa tràn của đập thủy điện để tránh ngập lụt. Đồng thời, huy động các lực lượng vũ trang khẩn trương ứng cứu người dân các vùng bị cô lập, sơ tán dân ở những vùng trọng điểm có nguy cơ ngập nặng, và sạt lở…

Hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ Công an đã tham gia chống bão số 10

Chiều 2/10, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (HCKT), Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCLB & TKCN) Bộ Công an đã báo cáo lãnh đạo Bộ về tổng hợp tình hình, kết quả đối phó với bão số 10 của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, trước, trong và sau khi bão số 10 xảy ra, công tác chỉ đạo đối phó với bão số 10 từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương được thực hiện kịp thời.

Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục HCKT kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại Quảng Bình. Ảnh: Minh Thắng.

Tổng cục HCKT đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện số 1554/CĐ-TTg, ngày 29/9 của Thủ tướng Chính phủ về việc đối phó với bão số 10. Thành lập đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đến trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với bão số 10 tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và thường trực ứng cứu tại Quảng Bình khi bão vào. Kịp thời chi viện 53 cơ số thuốc giúp Công an các đơn vị, địa phương vùng bão khắc phục hậu quả…

Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống bão số 10, cụ thể, đã huy động trên 5.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia phòng chống bão, sơ tán nhân dân.

Huy động tối đa trang bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó: Công an Nghệ An: 28 phương tiện vận tải, 18 chiếc tàu cứu hộ, 2.400 áo phao các loại, 2 xuồng cao su, 400 áo mưa, 3 máy phát điện. Công an Quảng Trị: 1 xe cứu hộ, 12 xe chữa cháy, 30 canô cứu hộ các loại, 23 nhà bạt, 960 phao cứu sinh, 2 máy phát điện; Công an Hà Tĩnh: 41 xuồng máy… Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức neo đậu cho hơn 61.000 tàu,  thuyền; di dời, sơ tán 29.007 hộ dân với hơn 106.352 người đến nơi an toàn. Hiện nay, Công an các đơn vị, địa phương đang tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện giúp nhân dân khắc phục hậu quả của mưa, bão, phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh, trật tự...

A.Hiếu

Thanh Bình - Sông Lam - P.Thủy - An Khang - Bình Minh

.
.
.