Niềm vui lên bờ định cư của ngư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long

Thứ Năm, 05/06/2014, 13:19
Làng chài Cửa Vạn, thuộc phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nằm trong vùng lõi của di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Ngư dân đã sinh sống, đánh bắt, nuôi trồng hải sản trên Vịnh Hạ Long từ nhiều đời nay. Thực hiện đề án di dời ngư dân ở Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống, ngư dân ở Cửa Vạn rất vui mừng, phấn khởi khi được chuyển lên bờ sinh sống.

Được biết, các căn hộ tái định cư, nhà ở dạng liền kề tại khu tái định cư làng chài phường Hà Phong với các diện tích căn hộ từ 77,5m2 đến 128m2 và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường, cấp thoát nước, cấp điện..., cây xanh công cộng. Ðối với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, UBND TP Hạ Long có chính sách hỗ trợ cụ thể với từng đối tượng như sau: người lao động có hợp đồng lao động theo quy định do ngừng việc, mức trợ cấp bằng mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm di dời nhân với 6 tháng; chi phí đào tạo nghề cho người lao động trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề: một lần kinh phí để học một nghề bằng hình thức cấp thẻ học nghề.

Trong 2 năm 2012 và 2013, TP Hạ Long đào tạo hai lớp học nghề gồm: nuôi trồng thủy sản và đan lưới với tổng số 70 học viên là những đối tượng di dời nhà bè (do chưa thực hiện xong di dời hoàn toàn nên một số hộ dân đã tự đi xin được việc làm). Thời gian tới, TP Hạ Long tiếp tục giao nhà cho ngư dân ở neo đậu rải rác trên vịnh Hạ long thuộc các phường: Hồng Hà, Hồng Hải, Hùng Thắng lên bờ, giải tỏa xong thuyền bè tồn tại trăm năm nay trên vùng biển này. TP Hạ Long cam kết sẽ thực hiện hoàn thành Ðề án di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long xong trước ngày 30/6/2014, góp phần phát huy, bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Trong lúc chuyển đồ đạc vào nhà mới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: gia đình tôi làm nghề chài lưới lênh đênh trên Vịnh Hạ Long đã trên 20 năm. Gia đình có 6 người sống trên một con thuyền xi măng và một bè gỗ. Nay được nhà nước hỗ trợ nhà tái định cư, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Có trong mơ tôi cũng không nghĩ sẽ có ngày có một căn nhà để che mưa nắng. Vừa đến đăng ký nhận nhà và tiền hỗ trợ, vọ chồng anh Đinh Khắc Dương, Phạm Thị Thu rất vui mừng. Anh chị có 3 người con sống trên con thuyền chật chội. Nay được nhận nhà tái định cư, vợ và các con anh không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. Một cuộc sống mới bình yên tại khu tái định cư, không phải lo tránh mưa bão, có điện, có nước ngọt...

Một hộ gia đình ngư dân chuyển về nhà mới tại khu tái định cư.

Mặc dù vậy, nhiều ngư dân vẫn băn khoăn lo lắng về việc con cháu chuyển đổi hay giữ nghề cũ, khi mà phần lớn ngư dân trong độ tuổi lao động ở Cửa Vạn đều không biết chữ, chỉ quen với công việc chài lưới. Được biết, Đề án di dời ngư dân có đề cập đến việc làm của ngư dân sau khi lên bờ. Khi ổn định nơi ở, ngư dân sẽ quen với nếp sống, sinh hoạt trên đất liền, sau đó sẽ hình thành những hình thức lao động phù hợp. Trước mắt, ngư dân di dời lên bờ, những bộ phận nào tiếp tục ở dưới biển làm nghề, những bộ phận nào tiếp tục đi học chuyển đổi nghề nghiệp cần được tính toán kỹ càng…

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nhâm Sỹ Thuộc, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Phong, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Theo quy hoạch khu tái định cư tại phường Hà Phong sẽ tiếp nhận 364 hộ dân đến sinh sống. Trong đó, mới chỉ có 321 hộ bao gồm 1106 nhân khẩu đủ điều kiện được nhận nhà tái định cư. Tính đến chiều 3/6/2014, địa phương tiếp nhận được 223 hộ đến nhận nhà. Thời gian tới, UBND phường Hà Phong sẽ trình kế hoạch thành lập khu phố gồm 6 tổ dân phố tại khu vực tái định cư lên UBND TP Hạ Long và UBND tỉnh Quảng Ninh. Cán bộ y tế phường đến các gia đình cho các cháu uống Vitamin A, tiêm phòng sởi. Đồng thời, địa phương tặng quà cho trên 40 cháu nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.

Mới đây, UBND TP Hạ Long vừa nâng cấp cơ sở vật chất 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Khai với khu nhà 2 tầng kiên cố gồm 6 phòng học. Để đảm bảo ANTT, Công an phường phối hợp với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và tổ tự quản tại khu tái định cư tăng cường công tác tuần tra kiểm soát ban đêm.

Ông Nguyễn Hữu Nhã, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Theo kế hoạch, có 321 hộ dân làng chài trên Vịnh Hạ Long được phê duyệt giao nhà tái định cư tại phường Hà Phong, TP Hạ Long. Bên cạnh đó, địa phương hỗ trợ kinh phí di chuyển 6 triệu đồng/hộ và 2.160.000 đồng/khẩu. Được biết, mỗi căn hộ có diện tích trung bình khoảng 80m2. Các hộ được giao nhà, cung cấp điện, nước.

Làng chài Cửa Vạn vẫn được giữ gìn, bảo tồn phục vụ du lịch theo Đề án bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014-2020 của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Theo đó, 12 nhà bè (lớp học, nhà văn hoá và một số nhà bè còn mới, đủ tiêu chuẩn của ngư dân) sẽ được giữ nguyên trạng và bàn giao cho Trung tâm 3 thuộc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long - đơn vị trực tiếp quản lý sản phẩm du lịch làng chài Cửa Vạn. Sau khi nhận bàn giao, Trung tâm sẽ khảo sát, sắp xếp và sửa chữa, gia cố lại các nhà bè theo tiêu chuẩn để bảo tồn, phục vụ du lịch. Mô hình phát triển của Cửa Vạn là khám phá không gian sinh hoạt cộng đồng, bảo tồn các giá trị truyền thống, tham quan sinh thái, dịch vụ ăn uống, lưu trú...

Về lâu dài, đề án sẽ gắn với ngư nghiệp và du lịch cho ngư dân trên vịnh. Vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được các giá trị văn hoá trong tương lai là điều mà không chỉ có người dân ở đây đang mong đợi. Những trẻ em từng lênh đênh theo gia đình trên sông nước sẽ có một tương lai tươi sáng hơn khi chuyển lên đất liền sinh sống, được cắp sách đến trường

Đăng Hùng
.
.
.