Niêm phong tài sản công ty, 500 công nhân mất việc

Thứ Hai, 07/04/2008, 17:02
Do Công ty Liên doanh Nhã Quán (Bình Dương) đã bị niêm phong, không có việc làm, sáng 2/4, 500 công nhân của công ty đã tập trung trước cổng Công ty đòi được làm việc, gây mất ANTT.

Từ ngày 2 đến 4/4, gần 500 công nhân Công ty Liên doanh Nhã Quán (đường Thủ Khoa Huân, tổ 21, ấp Bình Phú, xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã tập trung tại trước cổng Công ty đấu tranh đòi được làm việc.

Tìm hiểu về vụ việc này, chúng tôi được biết: Tháng 3/1992, ông Kuo Chi Sheng (49 tuổi), người Đài Loan sang Việt Nam tìm cơ hội làm ăn. Tại Việt Nam, ông Kuo Chi Sheng quen với chị Tạ Thị Kim Phượng (37 tuổi, đang sống chung với mẹ là bà Tôn Hải Đường) tại quận 3, TP HCM.

Sau khi đã chung sống với nhau như vợ chồng, năm 1998, ông Kuo Chi Sheng cùng Tạ Thị Kim Phượng đến xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An mua trên 3.000m2 đất, dựng nhà xưởng, thành lập Công ty TNHH Trường Sanh do bà Tôn Hải Đường làm Giám đốc, chuyên sản xuất áo quan xuất khẩu.

Theo ông Kuo Chi Sheng, do pháp luật Việt Nam không cho phép người nước ngoài đứng tên chủ sở hữu tài sản nên toàn bộ tài sản của công ty do ông bỏ tiền mua gồm nhiều triệu đồng đều do bà Tôn Hải Đường hoặc Tạ Thị Kim Phượng đứng tên.

Theo yêu cầu của công ty mẹ tại Đài Loan, để bảo đảm nguồn tài sản đã đầu tư, ông Kuo Chi Sheng đã làm thủ tục liên doanh với Công ty Trường Sanh, đổi tên thành Công ty Nhã Quán.

Thấy Công ty Nhã Quán sản xuất kinh doanh không hiệu quả, còn nợ khách hàng trên 6 tỷ đồng, năm 2006, bà Tôn Hải Đường cùng con gái là Tạ Thị Kim Phượng đến An Hoà (xã Hoà Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) mua 15.000m2 đất, lập công ty mới là Ý Thiên.

Do tranh chấp khối tài sản tại Công ty Nhã Quán, ông Kuo Chi Sheng đã làm đơn thưa bà Tôn Hải Đường và Tạ Thị Kim Phượng đến Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

Ngược lại, bà Tôn Hải Đường và Tạ Thị Kim Phượng đã làm đơn thưa ông Kuo Chi Sheng ra TAND tỉnh Bình Dương. Sau khi xem xét những chứng cứ của vụ án, trong các ngày 7/3; 1/4; 3/4/2008, TAND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 03; 06 và 07, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Công ty liên doanh Nhã Quán để bảo đảm thi hành án.

Ngày 1/4/2008, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương có Quyết định số 352 áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tiến hành niêm phong nhà xưởng, tài sản Công ty Nhã Quán, giao toàn bộ tài sản Công ty Nhã Quán cho Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Việt Sinh bảo quản.

Do Công ty đã bị niêm phong, không có việc làm, sáng 2/4, 500 công nhân Công ty Nhã Quán đã tập trung trước cổng Công ty đòi được làm việc, gây mất ANTT. Suốt trong các ngày từ mùng 2 đến mùng 4/4, Công an tỉnh Bình Dương đã cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên có mặt tại Công ty Nhã Quán, cùng các cơ quan chức năng vận động giải thích cho công nhân, tham gia giữ gìn ANTT.

Một khẩu hiệu đấu tranh đòi việc làm của công nhân còn sót lại.

Làm việc với chúng tôi, ông Lâm Phan Thiệu - Chủ tịch Công đoàn Công ty liên doanh Nhã Quán bức xúc: "Không có việc làm, nhiều công nhân đã đến tổ chức công đoàn yêu cầu can thiệp. Chúng tôi chỉ còn biết vận động công nhân hãy bình tĩnh, chờ các ngành thực thi pháp luật giải quyết.

Nhiều công nhân ở địa phương xa lo lắng: "Nếu Công ty cứ kéo dài ngưng trệ sản xuất thế này, chúng tôi không có việc làm, lấy tiền đâu để sống? Lấy tiền đâu về quê? Xin đi làm chỗ khác thì đâu có hồ sơ để nộp?...".

Theo một số người dân ở ấp Bình Phú, xã Bình Chuẩn cho biết: Mấy ngày nay, chiều nào cũng vậy, trên đường Thủ Khoa Huân, hàng trăm công nhân Công ty Nhã Quán thất thểu đi lại, mong ngóng có việc để làm. Để có tiền, một số ít công nhân nam đã phải vào các lò gạch, lò gốm xin vác đất, bổ củi để chờ.

Theo chúng tôi, đây là một vụ tranh chấp dân sự. Tài sản trong vụ án không phải là những vật liệu có liên quan đến an ninh quốc gia, không dễ tẩu tán. Giám đốc Công ty, ông Kuo Chi Sheng và các cộng sự của ông ta đang nằm trong sự quản lý của cơ quan Công an… Vì vậy, TAND tỉnh Bình Dương không cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như đã làm.

Tranh chấp tài sản là việc của Giám đốc và những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Công nhân không có việc làm, sẽ rất khó khăn trong cuộc sống, góp phần gây mất an ninh xã hội

Ngọc Ánh
.
.
.