Nhượng quyền thương mại: Cơ hội cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường

Chủ Nhật, 10/09/2006, 08:45

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm nay sẽ là thời điểm cho hàng loạt công ty với các thương hiệu nổi tiếng thế giới vào Việt Nam theo hình thức nhượng quyền thương mại.

Nhượng quyền thương mại là một hoạt động khá phổ biến trong thương mại quốc tế, trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực phân phối, dịch vụ… Theo thống kê, hiện có 16.000 hệ thống nhượng quyền đang hoạt động trên toàn cầu. Tuy nhiên, hoạt động nhượng quyền chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam gần 10 năm trở lại đây với  khoảng 70 hệ thống.

Một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nhạy bén hình thức kinh doanh nhượng quyền có thể kể đến là cà phê Trung Nguyên. Thành lập từ giữa năm 1996, đến nay, thương hiệu Trung Nguyên đã có mặt trên 64 tỉnh, thành trong cả nước với hơn 500 quán cà phê nhượng quyền chính thức. Không những thế, thương hiệu cà phê Trung Nguyên còn vươn ra nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Campuchia cũng theo hình thức kinh doanh nhượng quyền.

Kế đến là phở 24, một trong những doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là kinh doanh thành công theo hình thức nhượng quyền thương mại. Thương hiệu phở 24 sau 3 năm thành lập đã không ngừng phát triển, hiện doanh nghiệp này đang có 38 chuỗi cửa hàng đang hoạt động kinh doanh trên toàn quốc (35 cửa hàng) và quốc tế (2 cửa hàng tại Indonesia, 1 cửa hàng ở Philippines) thông qua hình thức nhượng quyền.

Trong năm 2004 và 2005, doanh nghiệp này đã được bình chọn là chuỗi cửa hàng lớn nhất Việt Nam, góp phần quốc tế hóa phở Việt Nam thông qua giải thưởng The Guide Awards.

Theo ông Lý Quý Trung - Giám đốc Điều hành chuỗi cửa hàng phở 24 và Nam An Group, sắp tới thương hiệu phở 24 sẽ vươn ra các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông… Điển hình là vào tháng 12 tới đây, một cửa hàng phở 24 tại Hàn Quốc sẽ khai trương và thêm một cửa hàng khác sẽ khai trương tại Tokyo - Nhật Bản vào tháng 3/2007.

Cũng theo ông Lý Quý Trung, một trong những lợi thế khi kinh doanh nhượng quyền là đối tác có thể chia sẻ gánh nặng và rủi ro về vốn cũng như chia sẻ gánh nặng về quản trị… Mặt khác, giá trị thương hiệu cũng sẽ được tăng lên. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này cũng là con dao hai lưỡi, nếu như chọn đối tác không khéo thì có khả năng doanh nghiệp sẽ đánh mất thương hiệu của mình.

Vì vậy, một trong những khó khăn và thách thức khi áp dụng kinh doanh theo mô hình này là doanh nghiệp phải biết cách kiểm soát, quản trị đối tác; nguồn hàng cung cấp; tìm kiếm nhân sự chuyên trách về nhượng quyền thương mại quốc tế; đăng ký bảo hộ thương hiệu…

Còn theo các chuyên gia, nhượng quyền thương mại là cách để tăng sức mạnh cho thương hiệu và cũng là cách tốt nhất để quảng bá, tạo nội lực cho thương hiệu đó. Dự báo, tương lai gần sẽ có cuộc đổ bộ của nhiều nhãn hiệu nước ngoài tràn vào Việt Nam và các thương hiệu Việt Nam phải biết cách để bảo vệ thương hiệu của mình. Vì vậy, nhượng quyền thương mại là cách tập trung sức mạnh trong cuộc cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam gia nhập WTO.

Riêng đối với những doanh nghiệp Việt Nam đang có tham vọng mở rộng ra thị trường thế giới nhưng chưa đủ sức để tấn công trực tiếp các thị trường lớn đầy tiềm năng thì nhượng quyền thương mại là một bước đi phù hợp. Nhượng quyền thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp xâm nhập một cách gián tiếp vào những thị trường này với chi phí thấp nhất, đồng thời đây cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ nhãn hiệu của doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài

Anh Huy
.
.
.