Những vướng mắc trong CPH doanh nghiệp nhà nước ở TP HCM

Chủ Nhật, 16/07/2006, 09:11

Mặc dù là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc cổ phần hóa trên cả nước, nhưng TP Hồ Chí Minh còn đối mặt với nhiều tồn tại cần phải giải quyết: tốc độ cổ phần hoá, vốn điều lệ, vấn đề hậu cổ phần hoá...

TP Hồ Chí Minh hiện đã trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong tiến trình thực hiện chủ trương cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước. Theo số liệu từ Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP, qua khảo sát 86 doanh nghiệp Nhà nước đã CPH thì các chỉ tiêu như: vốn điều lệ, doanh thu, tỷ suất lợi nhuận… tăng cao so với trước khi CPH.

Cổ phần hóa, doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh

Xác định CPH là giải pháp quan trọng nhất trong tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Từ nhiều năm qua, TP đã thực hiện chủ trương CPH các doanh nghiệp Nhà nước và kết quả là nhiều doanh nghiệp đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và giải quyết được nhiều quyền lợi cho người lao động.

Theo kết quả khảo sát 86 doanh nghiệp Nhà nước đã CPH trên địa bàn TP (so sánh dựa trên số liệu bình quân các năm sau CPH/bình quân 3 năm trước CPH) thì các chỉ tiêu đều tăng cao so với trước khi CPH. Chẳng hạn: Vốn điều lệ bình quân tăng 41% (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh  REE, Công ty cổ phần Cao su Kymdan, Công ty XNK Khánh Hội…); doanh thu bình quân tăng 64% (Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình, Công ty cổ phần SXKD XNK Bình Thạnh, Công ty cổ phần Thương mại XNK Thủ Đức…); tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn điều lệ bình quân là 33%, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận thực hiện/vốn Nhà nước bình quân của các doanh nghiệp Nhà nước tại thời điểm 31-12-2005 chỉ có 8,03%; nộp ngân sách tăng bình quân 59%; thu nhập người lao động bình quân đạt 2.279.195đ/tháng (tăng 48% so với trước khi CPH).

Nhiều doanh nghiệp có mức thu nhập của người lao động tăng rất cao như Công ty Sơn Bạch Tuyết (gần 5 triệu đồng/tháng), Công ty cổ phần Toyota Đông Sài Gòn (hơn 6 triệu đồng/tháng)…

Việc CPH doanh nghiệp Nhà nước cũng đã giải quyết nguồn lao động tăng thêm 11%; cổ tức đạt bình quân 15%/năm, một số doanh nghiệp chia cổ tức cao và ổn định như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển KCN Tây Bắc Củ Chi (29%/năm), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (31%/năm)… Trong 238 doanh nghiệp CPH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì bình quân cổ đông Nhà nước nắm giữ 27%, CBCNV 41%, cổ đông ngoài doanh nghiệp chiếm 32% vốn điều lệ của các công ty cổ phần.

Nhiều tồn tại cần khắc phục!

Ông Trần Ngọc Phượng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP cho biết: "Tốc độ CPH còn chậm, thời gian trung bình CPH doanh nghiệp của TP mất 12 tháng, có một số đơn vị thời gian CPH kéo dài 3-4 năm. Trong quá trình CPH, khâu giao tài sản cố định và xác định giá trị doanh nghiệp mất nhiều công sức và thời gian. Tuy đã cải tiến nhưng do nhận thức, cách hiểu, cách làm cộng với những khó khăn tồn đọng về công nợ dây dưa kéo dài từ nhiều năm nên thời gian xử lý thường vượt quá thời gian quy định".

Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp CPH tuy có số lượng nhiều nhưng quy mô còn nhỏ, vốn điều lệ bình quân một doanh nghiệp chỉ khoảng 20 tỷ 079 triệu đồng nên hạn chế đến việc đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ. Đặc biệt, các ngành xây dựng, kinh doanh địa ốc… trước mắt, do tiết kiệm chi phí nên các doanh nghiệp này làm ăn có hiệu quả, nhưng xét lâu dài các công ty này sẽ gặp nhiều khó khăn khi bước vào hội nhập kinh tế trong nước và quốc tế. Khó khăn trong việc cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế làm ăn lớn và số doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán còn ít.

Ngoài ra, việc TP tiến hành làm dự án thí điểm đưa một phần giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, coi đó là vốn của Nhà nước góp vào công ty cổ phần (không được chuyển nhượng), nhưng trong quá trình thực hiện thì việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị CPH hiện nay chưa có bảng giá nào được công bố sát với giá thị trường (theo các quy định hiện hành thì việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị CPH phải sát với giá thị trường) nên việc xác định giá phải thuê các trung tâm tư vấn thẩm định và việc thẩm định thường mất nhiều thời gian và giá đất được định rất cao. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang hình thức thuê đất. Vì vậy, để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả giá trị đất đai của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần phải điều chỉnh giá thuê đất cho phù hợp.

Vấn đề hậu CPH tại các doanh nghiệp hiện nay cũng đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều doanh nghiệp. Cũng theo ông Trần Ngọc Phượng, do nhận thức về công ty cổ phần chưa đúng và chưa đầy đủ nên các cổ đông hoặc không sử dụng hết quyền của mình, hoặc sử dụng quá vai trò, quyền hạn của cổ đông cho nên đưa ra những đòi hỏi vượt quá thẩm quyền, dẫn đến một số doanh nghiệp sau CPH đã phát sinh vấn đề tranh chấp quản trị nội bộ phải đưa ra tòa giải quyết. Vì vậy, vấn đề cần đặt ra là trong thời gian tới phải có một tổ chức để làm công việc quản lý doanh nghiệp sau CPH

Thúy Hà
.
.
.