Những uẩn khúc ở chợ… biệt dược

Thứ Năm, 23/01/2014, 13:33
Tết đang đến rất gần và theo thông lệ, thị trường quà biếu dạng biệt dược quý hiếm đang được mua bán rất sôi động. Khác với mọi năm, thị trường biệt dược trước năm Giáp Ngọ 2014 này không phải là các mặt hàng thực phẩm cao cấp như yến sào, vi cá mập, nhung hưu, pín hổ, hà nàm nai… Theo ông Quỳ, chủ một cơ sở đông dược ở phố thuốc đông y Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP Hồ Chí Minh) tiết lộ năm con ngựa phi này, các loại thảo dược quý hiếm được gắn với các tính năng tráng dương, thải độc, chữa ung thư…. lên ngôi!

Cạm bẫy sâm K5…

Năm trước, cũng thời điểm này, tôi gặp ông Bình, giám đốc một công ty địa ốc mà theo giới thiệu của ông này có tên Phát Lợi, khi ông ghé phố thuốc đông y Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5 săn hàng "đệ nhất dưỡng dương" để biếu đối tác. Tôi nhớ khi ấy ông Bình mua ở quầy biệt dược của người phụ nữ tên Mẫu 2kg vi cá mập và mấy hộp đông trùng hạ thảo có xuất xứ ở Tây Tạng thì nay ông chẳng thèm và cũng chẳng dám ngó ngang mấy món quý tộc này: "Do hàng gian hàng dỏm nhiều quá nên bây giờ chẳng còn ai mặn mà với sừng tê giác, yến sào, đông trùng hạ thảo hay tuyến giáp… gì gì đó nữa đâu. Có quá nhiều vụ ngộ độc chết người nên rượu Tây này nọ cũng chẳng ai thèm màng tới. Trào lưu bây giờ là thảo dược quý hay rượu được ngâm từ thảo dược có tác dụng bổ gan, thải độc, bổ khí huyết, kháng khối u mà thôi" - ông Bình bộc bạch.

Tỏi dương - dược liệu được đồn thổi có tác dụng tăng lực mà giới con buôn tích cực quảng bá.

Chọn lựa, đắn đo mãi, ông Bình quyết định tuyển một bình rượu ngâm sâm Ngọc Linh với củ sâm được người bán đoán chắc tuổi đời còn hơn tuổi 50 của ông Bình. Hỏi chuyện giá cả, ông Bình không tiết lộ mà nói một tràng về tác dụng của sâm Ngọc Linh: "Thứ sâm này còn được gọi là sâm K5, là loại sâm quý nhất, bổ dưỡng nhất trong các loại sâm ở chốn hồng trần. Sâm K5 có nhiều tác dụng thần sầu như hạn chế lão hóa, bảo vệ tế bào gan, chống oxi hóa, phòng chống ung thư, tăng sức đề kháng, thải độc, giúp kéo dài sự sống cũng như khôi phục, nâng cao chức năng sinh lý…".

Căn cứ vào các y văn dược điển được ghi chép bởi các chuyên gia hàng đầu của ngành Y học cổ truyền Việt Nam như cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, TS sinh học Võ Văn Chi, Đông y sĩ Hạnh Lâm - Nguyễn Văn Minh... thì những hiểu biết trên của ông Bình về sâm Ngọc Linh hoàn toàn chính xác. Nhưng có một điều mà ông giám đốc địa ốc ở cái thời "hàng tồn kho" này và nhiều người có nhu cầu sâm quý hay thảo dược cao cấp để tẩm bổ cho chính mình hay làm quà biếu-quà tặng cho ai đó, không biết là vì giá trị cao ngất ngưởng nên sâm Ngọc Linh là thứ sâm quý được làm giả nhiều nhất.

"Một ký sâm Ngọc Linh, ví như củ sâm hơn 40 năm tuổi mà ông Bình mua nếu đúng giá trị phải hơn cả trăm triệu đồng. Mức giá này đã kích thích lòng tham và thủ thuật gian trá của dân buôn. Điều này có nghĩa rất nhiều người mua sâm Ngọc Linh có gốc là củ tam thất, củ ngải rừng hay củ gáy... Những loại củ rễ này có cấu hình rất giống sâm Ngọc Linh, người bình thường nhìn vào chẳng thể nào phân biệt được đâu là thật giả", một dược sĩ tên Thủy lưu ý.

Coi chừng dính đòn cỏ kim cương!

Dạo chợ đông dược Hải Thượng Lãn Ông, bên cạnh cánh mày râu, tôi gặp nhiều quý bà vung tiền không tiếc tay để tuyển về những loại "dược thảo 5 sao". Cả thảy họ ăn vận, sắc vóc sang trọng. Cũng có người trong họ hỏi thăm các chủ quầy giá cả của những mẻ cao hổ, cao trăn, pín hổ, pín rắn hổ chúa, túi mật gấu, vi-vây cá mập, bong bóng cá, màng nhầy của loài nhái tuyết sống trong dãy núi Trường Bạch Sơn ở đông bắc Trung Quốc được gọi là tuyến giáp... nhưng đa phần tìm mua các loại thảo dược quý hiếm còn tươi nguyên hay qua ngâm rượu như xáo tam phân, cỏ kim cương, nấm linh chi cổ cò, tam thất cao niên...

Đây là những thảo dược gây đình đám thời gian qua với đủ tính năng được thiên hạ đồn thổi, cánh con buôn quăng bom rằng chữa bá bệnh siêu hạng, nhất là các bệnh bác sĩ chê hay những bệnh mà nhiều người dễ mắc phải như viêm gan, tiểu đường, suy nhược, đau khớp.

"Năm ngoái thì mình mua tặng chỉ bột ngọc trai nhưng năm nay thì phải khác. Nếu tìm không ra cỏ kim cương thì chắc mình mua tặng chỉ nấm linh chi cổ cò và củ tam thất. Đây là thảo dược bổ trăm bề, không có tác dụng phụ, từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến con trẻ đều dùng được", một phụ nữ khoảng 40 tuổi, dáng người phốp pháp, ăn vận tân thời, tên Vân, nhà ở khu biệt thự Thảo Điền, quận 2, trò chuyện.

Rễ cây được cho là "thần dược" xáo tam phân.

Hỏi "chỉ" là ai, bà Vân bảo "bí mật". Sau cùng thì bà này cũng tiết lộ "chỉ" được nhắc đến là nương tử của một tổng giám đốc tập đoàn tài chính thứ dữ mà chỉ cần nhắc đến tên thì ai cũng biết và muốn cầu thân: "Năm ngoái, mình tặng chỉ bột ngọc trai để đắp mặt và uống đặng thải độc nhưng qua báo chí, nghe người ta bảo nhiều khi bột ngọc thì ít mà bột đá thì nhiều nên chỉ sợ, đang dùng thì tạm ngưng. Giờ thì chỉ có thảo dược chỉ mới khoái" - bà Vân thật tình, chia sẻ.

Thứ cỏ kim cương được bà Vân nhắc đến là lan gấm, chỉ có tác dụng tốt với sức khỏe trong một chừng mực giới hạn nhưng cánh đầu nậu đã đơm đặt tin thái quá nào là "biệt dược của các bà hoàng", nào là "tuyệt kỹ làm đẹp" của quý phi này, công chúa nọ và làm giá có thời điểm cả trăm triệu đồng một ký khô, trong khi giá thu gom từ người đi rừng chỉ vài trăm ngàn đồng. Còn củ tam thất mà nhiều người bệnh ung thư đang sử dụng và bà Vân kết mua thị trường cũng rất... loạn, đa phần là tam thất có nguồn gốc ở Trung Quốc nếu không bị rút tinh chất thì bị "dính" hóa chất bảo quản độc hại, đặc biệt là được sấy lưu huỳnh, thứ hóa chất là nguồn cơn của các chứng ung thư, nhằm mục đích giữ trọng lượng của cây thuốc mà theo bật mí của một thầy thuốc đông y để cả năm nhưng trọng lượng vẫn giữ được 90% trọng lượng gốc. Với người "non cơ", người bán sẽ bán những mẻ tam thất dỏm trị giá hàng chục triệu đồng những củ nhìn giống tam thất nhưng không phải tam thất như bạch truật nam, hồi đầu thảo, tam thất gừng...

Còn đó những… thiêu thân

Khi được tiết lộ những chuyện động trời này, bà Vân sực tỉnh. Lúc bà này rời quầy biệt dược của bà M. tại phố thuốc thì có mấy người gồm đàn ông và đàn bà ăn vận sang trọng bước vào hỏi mua biệt dược cổ linh chi để uống thải độc và ngâm rượu cho tướng công tăng lực. Rõ ràng là họ không cập nhật thông tin. Trong khi các lương y nhiều bận nhắc nhở nấm cổ linh chi không có tác dụng chữa bệnh, có khi còn độc hại thì trước đó, nhiều chị em sang tận Phnôm Pênh săn nấm cổ được con buôn rao có nguồn gốc tại núi Tà Lơn - nơi qui tụ nhiều đạo sĩ cao tay ấn, về sử dụng, làm quà tặng mà không nghĩ tự... rước họa.

Tết đang đến rất gần và ngày lại ngày, dân quý tộc đổ đến "phố biệt dược" săn thảo dược mà họ tin là quý hiếm và thần hiệu như kể trên cứ gọi là... tấp nập!

N.Thành Dũng
.
.
.