Những toan tính đằng sau việc ép dân dỡ nhà

Thứ Tư, 07/01/2009, 13:02

Cứ xem cái cách chính quyền quận Hồng Bàng (Hải Phòng) đẩy đuổi người dân ra khỏi ngôi nhà của họ thì biết, hình như có sự tính toán quá chi li. Phải giải toả ngay để tiết kiệm chi phí vì nếu có đền bù cũng chỉ trả theo giá đất nông nghiệp, rẻ như bèo so với giá đất thổ cư.
>> Chưa có dự án, đã cưỡng chế nhà dân

Tại khu vực cánh đồng Bram, không một ai không biết đây là khu vực đã được giới đầu tư kinh doanh bất động sản suốt ngày nhìn ngó từ lâu. Bây giờ chỉ có một ngõ nhỏ ra mương Đông Khê do người dân tự tạo, nhưng chỉ cần mở một con đường nối ra trục Ngã Năm - Sân Bay là khu đất ruộng hoang sẽ là đất vàng. Chỉ khi đến tận nơi mới thấy, cả khu đất mênh mông trông hoang tàn cỏ dại này đã có chủ từ lâu.

Người dân chỉ rõ từng vị trí ô thửa theo dấu cọc cắm mốc lô này của ông P, Chủ tịch, lô kia của ông X, Phó Chủ tịch; là con, là cháu, là em của các vị chức sắc. Chỗ này xây biệt thự của ông A, chỗ kia nhà vườn của bà B...

Thôi thì đó là chuyện thiên hạ, nhưng điều khiến các hộ dân tổ 34 uất ức nhất là, phần đất của họ chẳng đáng là bao, chỉ chừng 40-60m2/hộ, lại sát với cụm dân cư thuộc phường Vạn Mỹ, xét về mặt bằng thì còn nguyên vẹn chỗ để những người có thế lực làm dự án, xây biệt thự. Vậy mà ở cũng không yên.

Cứ xem cái cách đẩy đuổi người dân ra khỏi ngôi nhà của họ thì biết, hình như có sự tính toán quá chi li. Phải giải toả ngay để tiết kiệm chi phí vì nếu có đền bù cũng chỉ trả theo giá đất nông nghiệp, rẻ như bèo so với giá đất thổ cư.

Trong khi còn chưa biết rõ thực hư thì chúng tôi lại nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của một cụ già 72 tuổi, bà Phạm Thị Thanh, HKTT tại nhà số 25 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng.

Qua tìm hiểu sự việc được biết, ông Phan Khiết (chồng bà Thanh, nguyên là cán bộ miền Nam tập kết, cán bộ Ủy ban Hành chính cách mạng TP Hải Phòng, nay đã qua đời) được Ủy ban thành phố phân cho ngôi nhà 40m2 ở số 25 đường Minh Khai để làm chỗ ở từ năm 1974.

Đây là ngôi nhà mặt tiền biệt lập và án ngữ khu đất 250m2 liền kề phía sau. Cả nhà và đất này có nguồn gốc do Nhà nước trưng dụng không thời hạn từ năm 1964. Do sự điều chỉnh về kế hoạch sử dụng, khu đất phía sau được giao cho Ban giao tế thành phố, rồi cho 5 hộ là cán bộ, nhân viên ở ban này mượn ở tạm theo kiểu nhà tập thể.

Bẵng đi một thời gian dài, đến năm 2006, một nhân tố khác xuất hiện là ông Vũ Văn Đức từ TP Hồ Chí Minh ra Hải Phòng đòi lại lô đất 291m2 gồm nhà 25 Minh Khai (40m2) và 250m2 lô đất phía sau mà trước đây nhà nước đã trưng dụng.

Chẳng hiểu có sự dàn xếp thỏa thuận ra sao, chính quyền địa phương đã thúc ép 5 hộ dân ở nhờ lô đất phía sau phải bán lại 251m2 cho ông Đức với giá rẻ (trên 2 tỷ đồng).

Riêng bà Thanh nhất quyết không nghe, vì đây là ngôi nhà bà được Nhà nước phân, được đăng ký hộ khẩu, nộp thuế đất và định cư suốt 35 năm qua. Do không thuyết phục được bà Thanh bán đất, chính quyền phường luôn gây khó khăn đối với cuộc sống, sinh hoạt của bà.

Tiếp sau các hành vi chèn ép, gây khó khăn như vậy là một chiến dịch "khủng bố" tinh thần. Bà già 72 tuổi khắc khổ, nghèo khó này bỗng nhiên được các tay anh chị tên tuổi trong "giang hồ" liên tục "hỏi thăm".

Tiếp đó công việc thuộc về thủ tục hành chính, bà Thanh lại là vị khách thường xuyên phải có mặt ở chốn quan quyền với mục đích ép buộc phải trả lại nhà cho người mà bà không hề mượn.

Ép trả không được lại ép bán nhưng bà Thanh vẫn không đồng ý. Với một lý do: Nếu là mua bán thì cần phải thỏa thuận đôi bên. Vậy mà từ trước tới giờ không biết người mua là ai, chỉ thấy hết lãnh đạo phường rồi đến lãnh đạo quận thi nhau dồn ép (?).

Trong khi sự việc chưa có được tiếng nói chung, quận và phường không thuyết phục được nên ngày 19/12/2008, UBND TP Hải Phòng ra Quyết định số 2189/QĐ-UBND "thôi trưng dụng thửa đất 291m2 (trong đó có nhà 25 Minh Khai) để trả lại cho những người thừa kế của cụ Vũ Văn Nhân và Tô Thị Hòa do ông Vũ Minh Đức là người đại diện…".

Ít ngày sau, UBND quận Hồng Bàng ra Thông báo số 268/TB-UBND ngày 26/12/2008 yêu cầu hộ gia đình bà Phạm Thị Thanh phải tự tháo dỡ, di dời tài sản, vật kiến trúc trên diện tích 40m2 nhà số 25 Minh Khai trước ngày 30/12/2008.

Đương nhiên những quyết định đẩy đuổi người dân phường Đông Khê ra khỏi nhà, ép bà Thanh bán rẻ nhà số 25 Minh Khai chưa thể thi hành theo đúng hạn định vì rất khó để thuyết phục đó là những việc làm ích nước lợi dân. Song, rõ ràng có quá nhiều dấu hiệu bất bình thường, không thể coi đó là hiện thân của kỷ cương và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước.

Theo chúng tôi, để khách quan, tránh điều tiếng chính quyền địa phương là công cụ của một số ít người, trước khi tính đến chuyện giải toả, di dời người dân, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc, tìm hiểu làm rõ vấn đề, xem ai, nhân vật quan trọng nào đứng phía sau các vụ đẩy đuổi không một chút tình người nêu trên

Lê Minh Triết
.
.
.